Cô Phan Thị Nga - Trường Mầm non thị trấn Phố Châu, huyện Hương Sơn luôn dành tình yêu thương cho nhiều thế hệ “mầm non” ở vùng núi tỉnh Hà Tĩnh.
Cô giáo Phan Thị Nga không ngừng học hỏi làm mới phương pháp dạy học cho trẻ mầm non.
Sau 12 năm gắn bó với nghề “nuôi trẻ”, cô Nga được vinh danh “Nhà giáo trẻ tiêu biểu cấp Trung ương” năm 2024.
Lấy trẻ làm trung tâm
Cô Phan Thị Nga (sinh năm 1989) đỗ Trường Đại học Hà Tĩnh chuyên ngành Mầm non năm 2008 và chỉ sau 1 năm nỗ lực phấn đấu, cô được kết nạp Đảng. Ra trường năm 2012, cô về công tác tại Trường Mầm non Sơn Tân, rồi chuyển lên Sơn Bằng (Hương Sơn). Năm học 2023 - 2024, cô được điều chuyển đến Trường Mầm non thị trấn Phố Châu, nơi được coi là trường điển hình tiên tiến ở bậc giáo dục mầm non huyện vùng núi Hương Sơn.
Những ngày đầu tiên đi làm, cô Nga háo hức bước vào nghề “cô nuôi dạy trẻ”. Nhưng rồi thay vào đó là nỗi trăn trở, lo âu để làm tốt công việc mà mình chưa từng nếm trải. “Do chưa có kinh nghiệm trong chăm sóc, nuôi dạy các con nên bản thân tôi gặp không ít khó khăn.
Trẻ ở vùng khó có nhiều hoàn cảnh éo le, bởi vậy các em cũng rụt rè, ít mở lòng. Chưa từng làm mẹ, lại nhận gần 30 đứa trẻ khiến bản thân tôi không khỏi bỡ ngỡ. Nhiều khi tôi bất lực vì các em không tiếp thu nhưng tôi không cho phép mình bỏ cuộc”, cô chia sẻ.
Để được trẻ yêu thương, tin tưởng nhất là lứa 5 tuổi, thay vì cố gắng trở thành mẹ thì cô Nga bắt đầu với vai trò làm “bạn” của trẻ để “luôn lắng nghe, luôn thấu hiểu”. Theo cô Nga, giáo viên phải đối xử công bằng với tất cả các thành viên trong lớp. Với những em có hoàn cảnh khó khăn hoặc bố mẹ ly thân, ly hôn, cô cũng dành nhiều thời gian hơn để quan tâm bằng cách ôm ấp vỗ về, hoặc hỗ trợ những món quà nhỏ nhằm khỏa lấp khoảng trống tình cảm trong các em.
“Có em đầu năm học không có sạp giường, tôi đã trích một phần lương mua tặng như món quà động viên đầu năm học mới. Hay cặp sách, quần áo mới… dù chỉ rất nhỏ nhưng đều có ý nghĩa với các em. Những món quà nhỏ không chỉ kéo gần khoảng cách cô trò mà còn sẻ chia bớt khó khăn với phụ huynh”, cô Nga nói.
Tấm lòng, tình yêu thương con trẻ cùng với những món quà nhỏ được trích từ quỹ lương của cô để động viên các em như mưa dầm thấm sâu, làm mềm lòng những phụ huynh khó tính. Cùng với đó cô luôn tìm tòi các phương pháp dạy học mới, hiệu quả, nên các bậc phụ huynh hết lòng tin tưởng vào cô giáo, các con học sinh vui vẻ đến lớp mỗi ngày.
Chị Nguyễn Phương Nhi, có con theo học lớp 5TA Trường Mầm non thị trấn Phố Châu bày tỏ: “Con tôi đi học về thường xuyên kể chuyện ở trường, lớp và luôn kể về sự quan tâm, thăm hỏi của cô Nga. Các con rất hào hứng trông chờ mỗi ngày để đến lớp. Đặc biệt cô thường xuyên giữ mối liên hệ với phụ huynh trong quá trình chăm sóc giáo dục. Chúng tôi rất yên tâm khi gửi gắm các con cho cô Nga chăm sóc, nuôi dưỡng”.
Không ngừng đổi mới
Sự tâm huyết, yêu nghề, yêu trẻ của cô được thể hiện qua những nỗ lực trong việc học hỏi nâng cao năng lực, trình độ, đổi mới phương pháp giảng dạy để có thêm những giờ học lý thú, hấp dẫn.
Để làm tốt công tác chuyên môn, năm nào cô giáo trẻ Phan Thị Nga cũng tham gia các đề tài, sáng kiến kinh nghiệm như một số biện pháp phát triển vận động thô cho trẻ 5 tuổi; tạo hứng tích cực cho trẻ mẫu giáo 5 tuổi tham gia hoạt động ngoài trời; ứng dụng STEAM cho trẻ 5 tuổi góp phần nâng cao chất lượng giáo dục phát triển thẩm mỹ cho trẻ…
Cô Nga cho biết, hàng ngày cô đều lên ý tưởng xây dựng một lớp học hạnh phúc để các em đến trường sẽ là một ngày thật vui và ý nghĩa. Bản thân cô đã học hỏi nhiều phương pháp giáo dục tiên tiến như dạy học dự án, lồng ghép phương pháp Montessori giúp cho trẻ hứng thú và tích cực tham gia vào hoạt động.
“Trong giáo dục mầm non, tôi luôn tạo cơ hội, điều kiện cho trẻ được trải nghiệm, tự do khám phá. Thông qua đó trẻ tiếp nhận được kiến thức cần có của mình”, cô Nga chia sẻ.
Một trong những hoạt động được trẻ vô cùng yêu thích là khám phá đồ dùng học tập từ những vật liệu quen thuộc như đá cuội, lá cây, cành cây… Quả thật, những “tác phẩm” qua bàn tay cô Nga trở nên rất sống động, gây sự thích thú cho học sinh khám phá và tìm hiểu. Từ những phế liệu đó cũng trở thành đồ dùng học tập hữu ích để các em “rèn luyện” sự khéo tay, nhẫn nại như que tính, các con vật, đồ dùng trong nhà…
Dạy giỏi, tâm huyết với nghề, cô Nga nhiều năm liền là giáo viên giỏi cấp huyện, cấp tỉnh. Ngoài ra, cô còn là báo cáo viên của Phòng GD&ĐT Hương Sơn về một số nội dung, chuyên đề, bồi dưỡng chuyên môn và thành viên hội đồng đánh giá sáng kiến kinh nghiệm ở địa phương. Chuỗi thành tích của cô giáo trẻ thật đáng nể, từ năm 2020 - 2024, cô Phan Thị Nga liên tiếp đoạt giải Nhất tại hội thi giáo viên dạy giỏi huyện Hương Sơn.
Năm học 2020 - 2021, cô Nga giành giải Nhì tại hội thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh được công nhận giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh giai đoạn 2021 - 2024; được công nhận danh hiệu “Nhà giáo trẻ tiêu biểu cấp tỉnh năm 2021” và rất nhiều danh hiệu cao quý khác. Đặc biệt năm học 2024 - 2025, cô Nga là 1 trong 3 giáo viên trên địa bàn Hà Tĩnh được vinh danh “Nhà giáo trẻ tiêu biểu cấp Trung ương lần thứ IV”.
“Tôi luôn tự hỏi rằng làm thế nào để trẻ được hạnh phúc. Hạnh phúc ở đây không chỉ ở gia đình, mà còn ở trường học, lớp học. Khi đến trường, đến lớp, trẻ được vui chơi, thoải mái, vui mừng khi gặp cô, các bạn, đồng thời được học kiến thức, rèn luyện kỹ năng, nuôi dưỡng tâm hồn, được chia sẻ và tôn trọng”, cô Nga tâm niệm.
Minh Nguyệt (Theo giaoducthoidai.vn)