Phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường, hướng tới tăng trưởng xanh, bền vững, thời gian qua, ngành Công thương đã triển khai đồng bộ các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả trên địa bàn. Trọng tâm là đẩy mạnh tuyên truyền, xây dựng các mô hình điểm để nâng cao nhận thức và hình thành thói quen sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD) của doanh nghiệp và sinh hoạt của người dân.
Mới đây, Trung tâm Phát triển công thương (Sở Công thương) phối hợp với Hội Nông dân huyện Lập Thạch, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Tam Dương tổ chức cuộc thi “Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả” năm 2024.
Cơ sở sản xuất chăn - ga - gối - đệm Long Thúy (Yên Lạc) đầu tư trang thiết bị, máy móc tiên tiến, tiết kiệm điện để tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.
Không chỉ là sân chơi bổ ích, tăng khả năng sáng tạo, cuộc thi còn là dịp tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các hội viên đối với việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả trong cơ quan, đơn vị và hộ gia đình.
Được biết đến là tỉnh công nghiệp phát triển, nhu cầu sử dụng điện, các nguồn năng lượng phục vụ SXKD của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh không ngừng tăng lên.
Trên cơ sở đó, Sở Công thương đã tập trung xây dựng phương án phát triển điện lực, đề xuất tích hợp vào quy hoạch chung của tỉnh. Qua đó, hạ tầng điện trên địa bàn tỉnh được quan tâm đầu tư đồng bộ, hiệu quả, cơ bản đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng.
Triển khai kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 - 2030, Sở Công thương đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Đề án sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2030.
Đồng thời, tỉnh ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, yêu cầu, khuyến khích các đơn vị hoạt động SXKD điện, nhất là các đơn vị sử dụng năng lượng trọng điểm áp dụng, sử dụng các sản phẩm tiết kiệm năng lượng hiệu suất cao, thực hiện kiểm toán năng lượng, đầu tư thay đổi máy móc thiết bị lạc hậu bằng công nghệ tiên tiến, đáp ứng nhu cầu phát triển SXKD, tối ưu hóa nhu cầu sử dụng điện và giảm phát thải CO2...
Bên cạnh đó, phối hợp với các cơ quan báo chí của Trung ương và tỉnh đăng tải gần 100 bài viết về hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, sản xuất sạch hơn, công nghệ năng lượng tái tạo, bảo vệ môi trường.
Tổ chức 15 lớp tập huấn tuyên truyền, nâng cao nhận thức sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu đối với tổ chức, cá nhân, học sinh, sinh viên và cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh; tham gia các gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm tiết kiệm năng lượng tại Hội chợ Thương mại kích cầu tiêu dùng tỉnh Vĩnh Phúc.
Sở Công thương phối hợp tổ chức thành công 3 cuộc thi "Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả", các hoạt động hưởng ứng chiến dịch "Giờ Trái đất" trên địa bàn tỉnh với lượng điện tiết kiệm đạt khoảng 27.500 kWh/năm, tương đương số tiền tiết kiệm được hơn 49 triệu đồng, giảm lượng phát thải CO2 hơn 23 tấn.
Thực hiện Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021 - 2030, Sở Công thương đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 174 về việc thực hiện Chương trình hành động của quốc gia.
Hằng năm, Sở Công thương đều ban hành kế hoạch thực hiện với nhiều hoạt động nhằm nâng cao nhận thức về sản xuất và tiêu dùng bền vững như hoạt động tuyên truyền; phát triển hệ thống phân phối bền vững; giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng chất thải; thúc đẩy tiếp cận và hỗ trợ tài chính xanh…
Qua đó đã tạo được sự đồng thuận, nhất trí cao trong nhận thức và hành động của các cấp, ngành, nhân dân trong tỉnh về sản xuất, tiêu dùng bền vững và thúc đẩy liên kết bền vững giữa nhà cung cấp nguyên liệu - nhà sản xuất - nhà phân phối - người tiêu dùng trong sản xuất, phân phối và tiêu dùng.
Nhiều doanh nghiệp trong tỉnh đã triển khai ứng dụng công nghệ mới, đầu tư cải tiến kỹ thuật và đẩy mạnh các phong trào tuyên truyền, thi đua tiết kiệm năng lượng.
Sở Công thương còn phối hợp với Công ty Điện lực Vĩnh Phúc vận động khách hàng kinh doanh dịch vụ thực hiện các giải pháp tiết kiệm điện, khuyến khích và tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân có thể tham gia đầu tư sử dụng nguồn năng lượng tái tạo.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 179 tổ chức, cá nhân lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà với tổng công suất lắp đặt hơn 25.761 kWp.
Phấn đấu đến năm 2025, 100% doanh nghiệp thuộc nhóm cơ sở tiêu thụ năng lượng trọng điểm trên địa bàn tỉnh thực hiện kiểm toán năng lượng, áp dụng hệ thống quản lý năng lượng theo quy định; 70% doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trong khu công nghiệp được tiếp cận, áp dụng các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, Sở Công thương tiếp tục phối hợp với các địa phương, sở, ngành liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tiếp cận các chính sách hỗ trợ sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả trong sản xuất.
Đồng thời xây dựng các mô hình điểm về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả trong sản xuất công nghiệp để nhân rộng phong trào…
Bài, ảnh: Lưu Nhung