Phấn đấu đến ngày 1/1/2025, 100% chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh được phân loại tại nguồn, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, hoạt động thiết thực, hiệu quả. Trong đó, đẩy mạnh phong trào phân loại rác thải, thu gom chất thải nhựa tại các trường tiểu học đã và đang lan tỏa, thay đổi nhận thức của giáo viên, phụ huynh và đặc biệt là học sinh trong công tác bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu.
Toàn tỉnh hiện có 920 tấn chất thải rắn sinh hoạt phát sinh mỗi ngày, tỷ lệ thu gom đạt hơn 75% ở khu vực nông thôn và hơn 95% ở khu vực đô thị.
Tuy nhiên, phương pháp xử lý hiện nay vẫn chủ yếu là chôn lấp thông thường (chiếm khoảng 75%) và đốt bằng các lò đốt rác quy mô nhỏ cấp xã hoặc cơ sở xử lý do tư nhân đầu tư (chiếm khoảng 25%).
Góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao ý thức của người dân trong công tác phân loại rác thải tại nguồn, hạn chế rác thải nhựa, năm 2024, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 62 về thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.
Cô và trò Trường tiểu học Sơn Lôi A có nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả trong công tác bảo vệ môi trường.
Theo đó, từ ngày 1/1/2025, chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân phải được phân loại tại nguồn thành 3 nhóm: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm và chất thải rắn sinh hoạt khác.
Hiện thực hóa mục tiêu trên, tháng 10/2024, Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường (Sở TN&MT) phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bình Xuyên, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tam Đảo phát động phong trào phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn và thu gom chất thải nhựa tại các trường tiểu học trên địa bàn.
Tham gia phong trào, các trường được các chuyên gia trao đổi, chia sẻ nội dung về ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, hướng dẫn phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, chất thải nhựa và nguy cơ ô nhiễm môi trường cũng như các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Đồng thời thực hiện cuộc thi sáng tạo sản phẩm từ việc tái sử dụng chất thải nhựa và cuộc thi làm video clip về bảo vệ môi trường.
Sau hơn 1 tháng phát động phong trào, các trường tiểu học trên địa bàn huyện Bình Xuyên và huyện Tam Đảo đã thu gom được hơn 27 tấn chất thải nhựa, vượt gần 12,7 tấn so với kế hoạch đề ra.
Đáng mừng hơn, học sinh tại các trường tích cực tìm hiểu, khám phá về môi trường và sự cần thiết phải bảo vệ môi trường, phân loại chất thải rắn sinh hoạt và hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần.
Đại diện Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bình Xuyên chia sẻ: Phong trào phân loại rác thải tại nguồn và thu gom chất thải nhựa không chỉ góp phần thay đổi ý thức, hình thành thói quen của giáo viên, học sinh trong công tác bảo vệ môi trường mà còn tăng cường sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường, hạn chế sử dụng túi ni lông và các sản phẩm nhựa dùng một lần.
Chúng tôi mong thời gian tới, Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường tiếp tục nhân rộng, hỗ trợ thêm thùng đựng rác và thường xuyên phát động các phong trào, hoạt động tại các trường học trên toàn tỉnh để nâng cao ý thức của cán bộ, giáo viên, nhân viên, phụ huynh, đặc biệt là học sinh và toàn thể cộng đồng.
Tại Trường tiểu học Sơn Lôi A (Bình Xuyên), hệ thống cây xanh, cây bóng mát từ sân trường tới các lớp học được được chăm sóc chu đáo, cẩn thận. Nhiều mô hình từ chất thải nhựa đã qua sử dụng được học sinh, giáo viên thiết kế, lắp đặt thành những đồ dùng có ích ngay tại lớp học.
Cô giáo Đỗ Thị Năm, Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học Sơn Lôi A chia sẻ: Cùng với tăng cường tổ chức các buổi tuyên truyền về tác hại của rác thải nhựa và lợi ích của việc phân loại rác, các khối lớp đã thu gom được hàng tấn rác thải nhựa, sáng tạo ra nhiều sản phẩm, mô hình từ chất thải nhựa đã qua sử dụng.
Nhà trường đã xây dựng 1 sản phẩm video về bảo vệ môi trường, 1 bộ sản phẩm tham gia triển lãm tại Trường tiểu học Hương Sơn và đang xây dựng khu vườn sinh thái từ chất thải nhựa đã qua sử dụng cho học sinh tham gia các hoạt động giáo dục trong nhà trường. Qua đó góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, chống rác thải nhựa, xây dựng môi trường học tập thân thiện, xanh, sạch, đẹp.
Trước thực trạng chất thải rắn sinh hoạt và chất thải nhựa phát sinh với thành phần ngày càng phức tạp, để đạt mục tiêu đề ra, các trường học cần duy trì các phong trào đã phát động và nhân rộng ra các khối lớp.
Đồng thời nghiên cứu, chỉ đạo thực hiện lồng ghép các nội dung bảo vệ môi trường, đặc biệt là việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt và hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần vào các chương trình dạy kỹ năng sống và hoạt động ngoại khóa cho học sinh.
Qua đó từng bước thay đổi nhận thức và hành động của các em học sinh, lan tỏa tới cộng đồng việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt và hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần, tiến tới nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần.
Bài, ảnh: Hồng Tính