Những năm qua, Vĩnh Phúc luôn quan tâm tăng cường dạy tiếng Việt cho trẻ em vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi. Nổi bật là việc thực hiện hiệu quả Đề án "Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học người DTTS” và Thông tư số 23 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) quy định về việc dạy và học tiếng Việt cho trẻ em là người DTTS trước khi vào lớp 1, qua đó giúp các em có nền tảng ngôn ngữ vững chắc để tiếp thu, lĩnh hội kiến thức.
Giáo viên Trường Tiểu học Minh Quang hướng dẫn học sinh dân tộc Sán Dìu làm bài tập tiếng Việt. Ảnh: Dương Chung
Tiếng Việt là tiếng phổ thông, là ngôn ngữ quốc gia được sử dụng chính thức trong trường học. Việc sử dụng tốt tiếng Việt giúp trẻ em nói chung và trẻ em DTTS nói riêng phát triển về ngôn ngữ, từ đó học tập và lĩnh hội kiến thức tốt hơn.
Nhận thức rõ điều đó, Vĩnh Phúc đã triển khai nhiều chương trình, kế hoạch và đề án nhằm tăng cường tiếng Việt cho trẻ em DTTS. Tỉnh chỉ đạo ngành GDĐT phối hợp với Ban Dân tộc, các địa phương và các cơ quan truyền thông đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng, nhất là phụ huynh học sinh về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc tăng cường tiếng Việt cho trẻ em DTTS.
Tỉnh cũng tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cho các trường mầm non, tiểu học vùng đồng bào DTTS và miền núi... phục vụ cho việc dạy trẻ nhận biết chữ cái, luyện âm, nói tiếng Việt.
Hằng năm, Sở GDĐT tổ chức lớp tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ, giáo viên về phương pháp dạy học, kỹ năng tổ chức các hoạt động giáo dục tiếng Việt cho trẻ em DTTS, từ đó áp dụng vào thực tế giảng dạy, giúp trẻ em DTTS phát triển ngôn ngữ tiếng Việt…
Thực hiện chỉ đạo của các cấp, ngành, các trường mầm non, tiểu học vùng đồng bào DTTS và miền núi chú trọng xây dựng môi trường học tập đa dạng, sáng tạo và chủ động triển khai kế hoạch giáo dục, trải nghiệm để trẻ em DTTS làm quen với tiếng Việt; đồng thời phát huy năng lực của đội ngũ giáo viên người DTTS, giáo viên biết nói tiếng dân tộc để nâng cao hiệu quả dạy tiếng Việt cho trẻ em DTTS...
Nhờ đó, 100% trẻ 5 tuổi vùng đồng bào DTTS và miền núi nói sõi tiếng Việt, nhận biết chữ cái và chuẩn bị tốt cho việc vào lớp 1, tạo nền tảng để các em tiếp cận hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông ở các lớp cao hơn.
Từ năm 2024, Vĩnh Phúc triển khai thực hiện Thông tư số 23 của Bộ GDĐT quy định về việc dạy và học tiếng Việt cho trẻ em là người DTTS trước khi vào lớp 1. Vận dụng hiệu quả, linh hoạt các điểm mới của thông tư, các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh điều chỉnh, xây dựng chương trình giáo dục linh hoạt, phù hợp với từng dân tộc và đặc điểm vùng miền. Các thầy, cô giáo xây dựng các bài học tiếng Việt sinh động, hấp dẫn kết hợp với các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm, các trò chơi, giúp học sinh tiểu học tiếp cận tiếng Việt hiệu quả...
Là điểm sáng trong thực hiện đề án tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học người DTTS, cô giáo Đào Thị Trúc Thúy Quỳnh, Hiệu trưởng Trường Mầm non Quang Yên (Sông Lô) cho biết: “Nhà trường có gần 30% trẻ là con em đồng bào DTTS, chủ yếu là dân tộc Cao Lan.
Để tăng cường tiếng Việt cho trẻ em DTTS, nhà trường đã xây dựng các góc học tập, vui chơi có hình ảnh kết hợp chữ cái để trẻ dễ nhận diện, luyện nói và phát âm chuẩn tiếng Việt; tổ chức hoạt động giao lưu, kể chuyện, đọc thơ cho trẻ em DTTS; phối hợp với người có uy tín tuyên truyền người dân tăng cường giao tiếp bằng tiếng Việt tại gia đình để trẻ có môi trường nói tiếng Việt… Đội ngũ giáo viên chủ động lồng ghép tiếng Việt vào các hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ, trong đó tăng cường giao tiếp và hướng dẫn trẻ phát âm từ khó, từ địa phương…”.
Với gần 75% học sinh DTTS, Trường Tiểu học Minh Quang (Tam Đảo) luôn chú trọng việc nâng cao khả năng sử dụng tiếng Việt cho các em. Nhà trường̃ quan tâm xây dựng môi trường giao tiếp tiếng Việt cho học sinh DTTS; đẩy mạnh các hoạt động học tập, trải nghiệm và sử dụng hiệu quả các trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi, sách, báo về tiếng Việt; khuyến khích học sinh DTTS tham gia các sân chơi phát triển tiếng Việt...
Hằng năm, nhà trường có 99% học sinh DTTS hoàn thành và hoàn thành tốt môn tiếng Việt, từ đó giúp các em thuận lợi trong việc tiếp thu kiến thức các môn học, góp phần̉ nâng cao chất lượng giáo dục.
Trong năm đầu tiên triển khai Thông tư số 23, nhà trường phân công các giáo viên là người dân tộc Sán Dìu đảm nhiệm dạy lớp 1 và tạo điều kiện để giáo viên tham gia đầy đủ chương trình tập huấn về thông tư. Trên cơ sở đó, giáo viên đã thực hiện tốt kế hoạch dạy tiếng Việt cho hơn 140 học sinh DTTS trước khi vào lớp 1, giúp các em vững bước vào năm học mới 2024 - 2025”.
Cô Lục Thị Huệ, giáo viên chủ nhiệm lớp 1B, Trường Tiểu học Minh Quang chia sẻ: “Qua các lớp tập huấn của ngành GDĐT, tôi nắm được phương pháp, kỹ năng triển khai tiếng Việt cho học sinh DTTS theo Thông tư số 23 của Bộ GDĐT. Trên cơ sở đó, tôi áp dụng vào thực tiễn trực tiếp dạy tiếng Việt cho học sinh trước khi vào lớp 1 trong thời gian hè giúp các em nhớ mặt chữ cái, luyện phát âm chuẩn.
Dạy chương trình chính khóa năm học 2024 - 2025, tôi tiếp tục lồng ghép dạy tiếng Việt vào các hoạt động giáo dục, các bài học; đồng thời tăng cường sự giao tiếp, tương tác của trẻ và hướng dẫn trẻ phát âm những từ khó, từ mang tính phương ngữ… Đến nay, trẻ đều phát âm tiếng Việt rõ ràng hơn, giao tiếp ngày càng tốt”.
Việc tăng cường tiếng Việt cho trẻ em DTTS, giúp các em nói và sử dụng thành thạo tiếng Việt, thuận lợi tiếp cận với chương trình giáo dục, nhất là Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 để lĩnh hội tri thức và vững bước trong hành trình học tập, góp phần nâng cao chất lượng GDĐT.
Minh Hường