Đó là tâm tư, nguyện vọng của nhiều học sinh, phụ huynh và cán bộ, giáo viên sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) ban hành Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT, lấy ý kiến góp ý từ dư luận xã hội.
Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT của Bộ GDĐT có nhiều nội dung quan trọng, trong đó, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm đến phương án tổ chức tuyển sinh lớp 10 THPT từ năm 2025.
Thầy và trò Trường THCS Đại Đồng (Vĩnh Tường) chủ động dạy và học, chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2025 - 2026. Ảnh: Kim Ly
Theo dự thảo, có 3 phương thức tuyển sinh vào lớp 10 THPT, gồm thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển; việc lựa chọn phương thức tuyển sinh thuộc thẩm quyền của địa phương; Sở GDĐT tham mưu UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt và lựa chọn phương thức thi.
Đối với việc tổ chức thi tuyển, dự thảo quy định 3 môn thi, gồm Toán, Ngữ văn và 1 môn thi thứ 3 hoặc bài thi tổ hợp do Sở GDĐT, cơ sở giáo dục đại học có trường THPT lựa chọn và công bố trước ngày 31/3 hằng năm.
Môn thi thứ 3 được lựa chọn trong số các môn học có đánh giá bằng điểm số trong chương trình GDPT cấp THCS và thay đổi qua các năm nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện trong giai đoạn giáo dục cơ bản.
Bài thi tổ hợp được lựa chọn trong số các môn học có đánh giá bằng điểm số của chương trình GDPT cấp THCS. Dự thảo quy định cụ thể thời gian thi các môn, nội dung thi, việc ra đề thi, tổ chức thi, chấm thi, phúc khảo bài thi và công bố kết quả, chế độ tuyển thẳng, chế độ ưu tiên...
Qua khảo sát, nhiều ý kiến bày tỏ đồng tình với phương án thi 3 môn hoặc bài thi tổ hợp trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT.
Thầy giáo Phan Thế Vinh, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Hồng Châu (Yên Lạc) cho biết: “Thi 3 môn phù hợp với thực tế, giảm tải áp lực cho học sinh. Thi bài tổ hợp đảm bảo sự phát triển toàn diện của học sinh và thuận lợi cho các em lựa chọn môn học theo định hướng nghề nghiệp cấp THPT cũng như công tác dạy học của các trường THPT. Bài thi tổ hợp có thể gồm các môn thành phần là Tiếng Anh, kiến thức môn Khoa học tự nhiên và kiến thức môn Khoa học xã hội. Thực tế, Vĩnh Phúc đã nhiều năm tổ chức thi bài tổ hợp, học sinh đạt điểm khá cao”.
Nhiều ý kiến lại mong muốn môn thi thứ 3 sớm công bố và cần mang tính ổn định. Thầy giáo Lê Trọng Thiều, Hiệu trưởng Trường THCS Đại Đồng (Vĩnh Tường) cho biết: “Dự thảo thông tư của Bộ GDĐT quy định môn thi thứ 3 công bố trước ngày 31/3 hằng năm, do đó, học sinh không còn nhiều thời gian ôn tập. Môn thi thứ 3 có thể rơi vào bất kỳ môn nào và học sinh sẽ áp lực nếu là môn tích hợp với kiến thức nhiều phân môn.
Hơn nữa, Bộ GDĐT yêu cầu môn thi thứ 3 thay đổi qua các năm vẫn có thể dẫn đến hệ quả học sinh học lệch, học tủ bởi sẽ loại trừ môn đã thi ở năm trước, chỉ tập trung ôn các môn còn lại, do đó, cần ổn định môn thi thứ 3 và công bố sớm môn thi, đề minh họa để giáo viên, học sinh chủ động dạy học, ôn luyện hiệu quả".
Nhiều ý kiến đưa ra các đề xuất môn thi thứ 3 của kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT nên do học sinh lựa chọn hoặc là môn Ngoại ngữ (chủ yếu là môn Tiếng Anh). Lý giải đề xuất này, các ý kiến cho rằng: Mỗi học sinh có năng lực, thế mạnh khác nhau nên được lựa chọn môn thi thứ 3 sẽ thuận lợi và đảm bảo công bằng cho các em, phù hợp với định hướng lựa chọn nghề nghiệp khi các em theo học bậc THPT; tuy nhiên, phương án này phức tạp và vất vả ở khâu ra đề thi, tổ chức thi.
Môn thi thứ 3 là ngoại ngữ hợp lý nhất, bởi môn ngoại ngữ được chú trọng đầu tư từ nhiều năm qua và là một trong những môn học bắt buộc cấp THPT cũng như đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế. Trước đó, nhiều địa phương đã tổ chức thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT với 3 môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh và cho kết quả tốt.
Tại Vĩnh Phúc, nhiều năm qua, tỉnh luôn quan tâm phát triển năng lực tiếng Anh cho học sinh; đã ban hành Đề án dạy học ngoại ngữ trên địa bàn tỉnh tạo thuận lợi cho các trường phổ thông nâng cao chất lượng môn Tiếng Anh.
Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT của Bộ GDĐT đang lấy ý kiến đóng góp từ dư luận xã hội, nhưng với tinh thần chủ động, các trường THCS trên địa bàn tỉnh đã tập trung nâng cao chất lượng giảng dạy, ôn luyện tất cả các môn để học sinh đảm bảo kiến thức, kỹ năng, tâm thế cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2025 - 2026. Các em học sinh đều nỗ lực học tập với quyết tâm đạt kết quả cao.
Em Bùi Thị Quỳnh Anh, học sinh lớp 9A, Trường THCS Đại Đồng chia sẻ: “Ngay từ lớp 6, em đã tập trung học tập theo sự hướng dẫn của các thầy, cô giáo. Lên lớp 9, em dành thời gian nhiều hơn cho việc ôn luyện, học đều tất cả các môn. Dù đã chủ động nhưng em vẫn hy vọng môn thi thứ 3 là môn Tiếng Anh hoặc chúng em được chọn môn học thế mạnh để thuận lợi khi thi tuyển sinh và học cấp THPT”.
Trưởng Phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Sở GDĐT Trịnh Văn Mừng cho biết: “Nhiều năm qua, dù phương án nào, ngành GDĐT tỉnh cũng luôn tổ chức tốt kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT. Hiện tại, cùng với việc chỉ đạo các trường THCS tổ chức hiệu quả công tác dạy học và tư vấn ổn định tâm lý cho học sinh, Sở GDĐT liên tục cập nhật các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ GDĐT; lắng nghe dư luận xã hội để tham mưu, đề xuất với tỉnh ban hành phương án thi tuyển sinh lớp 10 THPT từ năm 2025 phù hợp với thực tế; đảm bảo mục tiêu đổi mới giáo dục là giảm áp lực, tạo thuận lợi cho học sinh, đánh giá được chất lượng dạy và học Chương trình GDPT 2018, lựa chọn học sinh có năng lực vào học THPT...".
Minh Hường