Thời gian qua, các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh đã tích cực triển khai nhiều hoạt động đưa Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá vào cuộc sống và đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, việc thực thi các quy định của luật còn gặp nhiều khó khăn, nhất là trong việc xử lý hành vi hút thuốc lá ở nơi công cộng và tại các địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn.
Tình trạng hút thuốc lá nơi công cộng vẫn diễn ra phổ biến. Ảnh: Trà Hương
Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và các thông tư, nghị định bổ sung đã quy định rõ các địa điểm nghiêm cấm hành vi hút thuốc lá như Bệnh viện, trường học, nơi làm việc, phương tiện giao thông công cộng…
Tại các địa điểm này đều được treo biển cấm hút thuốc lá và đơn vị chủ quản đã phân công nhân lực thường xuyên giám sát, nhắc nhở người dân không hút thuốc lá. Tuy nhiên, việc thực hiện mới chỉ dừng lại ở mức tuyên truyền, nhắc nhở, khuyến cáo chứ chưa có trường hợp nào bị xử phạt.
Tại các cơ quan, đơn vị như bệnh viện, trường học, trụ sở làm việc… việc chấp hành quy định về không hút thuốc lá và xử phạt nghiêm các trường hợp không chấp hành quy định vẫn chỉ giới hạn trong phạm vi cán bộ, nhân viên đơn vị, cơ quan; còn với khách, công dân tới làm việc, việc xử phạt là rất khó.
Đồng chí Nguyễn Hữu Tuấn, Chánh Văn phòng Huyện ủy Bình Xuyên cho biết: “Không hút thuốc lá tại nơi làm việc đã được huyện đưa vào quy chế văn hóa công vụ, coi đây là một trong những tiêu chí để đánh giá cán bộ hằng năm; thường xuyên kiểm tra việc chấp hành quy định tại cơ quan. Tuy nhiên, với khách, công dân tới làm việc, việc giám sát, nhắc nhở và xử phạt hành vi hút thuốc lá khó thực hiện, bởi hành vi hút thuốc của người dân diễn ra bất chợt, vị trí không cố định nên khó có căn cứ để xử phạt”.
Đối với các cơ sở dịch vụ thì việc xử phạt người hút thuốc lá càng khó khăn hơn, bởi đa phần tâm lý các chủ nhà hàng, quán ăn đều tôn trọng khách, sợ ảnh hưởng đến việc kinh doanh nên e ngại, không can thiệp vào việc hút thuốc lá của khách hàng.
Chị Nguyễn Thu Huyền, chủ một quán cà phê trên đường Trần Quốc Toản, phường Ngô Quyền (Vĩnh Yên) chia sẻ: “Quán của tôi đã treo biển cấm hút thuốc lá nhưng thi thoảng vẫn có khách cố tình hút, có người hút xong còn gạt tàn thuốc bừa bãi. Nhắc nhở nhiều thì khách khó chịu, mất lòng khách nên tôi chỉ dám nhắc khéo và bật quạt, mở cửa để quán thông thoáng hơn”.
Thời gian qua, các cơ quan chức năng thường xuyên tổ chức hoạt động giám sát tình hình thực thi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá tại các sở, ban, ngành, đoàn thể, trường học... Qua kiểm tra, giám sát đã nhắc nhở, hướng dẫn để các cơ quan, đơn vị thực hiện tốt Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và các tiêu chí xây dựng môi trường không khói thuốc.
Bên cạnh đó, các sở, ban, ngành, địa phương tự kiểm tra, giám sát nội bộ hoặc lồng ghép về thực thi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá theo chức năng, nhiệm vụ. Tuy nhiên, công tác thanh tra, kiểm tra việc thực thi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, đặc biệt là công tác kiểm tra thực hiện quy định cấm hút thuốc lá, xử phạt các trường hợp vi phạm tại các địa điểm cấm hút thuốc theo quy định của luật chưa được thực hiện thường xuyên, việc xử phạt những hành vi vi phạm còn rất ít, chưa đủ sức răn đe.
Công tác kiểm tra, giám sát của các lực lượng chức năng, các cơ quan, đơn vị, địa phương còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm chứng minh vi phạm hành chính. Song, việc chứng minh để xử phạt hành vi vi phạm về hút thuốc lá là rất khó khăn do hành vi hút thuốc lá diễn ra nhanh, bất chợt, có thể chấm dứt hành vi vi phạm ngay lập tức, khó có căn cứ để ra quyết định và thi hành quyết định xử phạt.
Các quy định pháp luật về xử lý vi phạm hành chính hiện nay không quy định được phép giữ giấy tờ tùy thân đối với người vi phạm hút thuốc lá nên nếu có lập biên bản và xử phạt cũng khó thi hành do người vi phạm hút thuốc lá không nộp phạt.
Nhận thức về tác hại của thuốc lá và trách nhiệm đấu tranh với hành vi hút thuốc lá của người dân chưa cao, hút thuốc lá vẫn là thói quen của nhiều người; hầu hết người dân đều không báo cho lực lượng chức năng biết để xử lý khi gặp các hành vi vi phạm về hút thuốc lá.
Để hạn chế, tiến tới chấm dứt hành vi hút thuốc lá tại nơi công cộng, vấn đề cốt lõi là nhận thức, ý thức của người dân về tác hại của thuốc lá, từ đó thay đổi thói quen, hành vi sử dụng thuốc lá. Bên cạnh đó, các ngành chức năng cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý, giám sát, thực thi pháp luật trong phòng, chống tác hại của thuốc lá. Từ đó, xây dựng môi trường không khói thuốc, an toàn, lành mạnh, nâng cao sức khỏe cộng đồng.
Thùy Linh