Thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn theo kế hoạch của UBND tỉnh, các địa phương trong tỉnh đã chủ động thực hiện nhiều giải pháp và đạt được một số kết quả tích cực. Tuy nhiên, công tác thu gom và xử lý chất thải sau khi phân loại vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập do thiếu phương tiện vận chuyển, hạ tầng xử lý chất thải sinh hoạt theo phân loại chưa đồng bộ.
Với gần 7.000 nhân khẩu, hằng tuần, trên địa bàn xã Yên Dương (huyện Tam Đảo) có khoảng 1 tấn rác thải phát sinh. Để đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn, giảm áp lực cho công tác thu gom và xử lý chất thải, các tổ vệ sinh môi trường thực hiện thu gom, xử lý rác thải 2 - 3 lần/tuần.
Cán bộ xã Yên Dương (Tam Đảo) tuyên truyền, hướng dẫn người dân nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác bảo vệ mội trường, phân loại rác thải tại nguồn.
Cùng với đó, xã chỉ đạo các hội, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện phân loại, tái chế, tái sử dụng rác thải tại hộ gia đình. Tuy nhiên, đến nay, việc thực hiện phân loại rác tại nguồn vẫn chưa đi vào cuộc sống.
Chia sẻ về thực trạng trên, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Dương Nguyễn Thế Anh cho biết: "Thiếu các thiết bị thu gom, phương tiện vận chuyển chuyên dụng, hạ tầng cơ sở chưa đồng bộ cùng ý thức, trách nhiệm vì cộng đồng, vì môi trường của người dân chưa cao khiến việc thực hiện phân loại rác thải tại nguồn trên địa bàn xã vẫn gặp nhiều khó khăn, bất cập".
Năm 2023, các hộ dân ở Làng văn hóa kiểu mẫu thôn Hệ, xã Vĩnh Thịnh (Vĩnh Tường) đã được huyện hỗ trợ thùng đựng rác 2 ngăn, men vi sinh và kinh phí thu gom, xử lý rác thải thực hiện mô hình thí điểm phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Qua đó, người dân thôn Hệ đã nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác bảo vệ môi trường, phân loại rác thải và sản xuất phân bón hữu cơ từ rác thải. Tuy nhiên, đến nay, việc nhân rộng mô hình còn nhiều khó khăn.
Phó Chủ tịch phụ trách UBND xã Vĩnh Thịnh Nguyễn Ngọc Khánh chia sẻ: "Phân loại rác thải tại nguồn là giải pháp cấp thiết trong giai đoạn hiện nay, vừa khắc phục tình trạng quá tải tại các bãi rác tập trung, vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, việc thực hiện vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập do hạ tầng cơ sở chưa đồng bộ, kinh phí nhiều, đặc biệt ý thức của một bộ phận người dân chưa cao".
Thực hiện quy định của Luật Bảo vệ môi trường, Kế hoạch số 62 của UBND tỉnh đảm bảo chậm nhất đến ngày 31/12 toàn bộ chất thải rắn sinh hoạt tại các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh được phân loại tại nguồn, Sở Tài nguyên và Môi trường đã cung cấp, phổ biến tài liệu tuyên truyền tới các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, các hội, đoàn thể trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời biên soạn, cấp phát 2.970 cuốn sổ tay hướng dẫn thu gom, phân loại, giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng rác thải tại nguồn; tổ chức 10 lớp tập huấn tuyên truyền phân loại rác thải tại nguồn, nói không với túi nilon, hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần cho hơn 1.000 lượt người dân; phối hợp triển khai thí điểm 4 mô hình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn huyện Vĩnh Tường, huyện Yên Lạc.
Đến nay, toàn tỉnh có 40% hộ dân tại các địa phương thực hiện việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Tuy nhiên, chất thải phân loại chủ yếu là chất thải tái chế (giấy, nhựa, kim loại…), đối với các loại chất thải còn lại việc phân loại chưa được triệt để.
Cùng với đó, thiết bị thu gom, vận chuyển và hạ tầng kỹ thuật trong xử lý rác trên địa bàn tỉnh vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Kinh phí cho hoạt động thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt sau phân loại chưa có định mức, đơn giá thu gom, xử lý riêng cho từng loại rác thải sau phân loại. Do đó, việc thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt sau khi phân loại tại các địa phương vẫn còn nhiều khó khăn.
Nhằm góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của các đơn vị, tổ chức, cá nhân trong phân loại rác thải tại nguồn theo quy định, Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đã giao tại Kế hoạch số 62 của UBND tỉnh. Chú trọng tuyên truyền, hướng dẫn việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người dân.
Các địa phương cần quyết liệt và giám sát chặt chẽ hơn nữa trong việc triển khai thực hiện; chủ động phối hợp với các sở, ngành chức năng cập nhật, bổ sung các địa điểm dự án xây dựng nhà máy xử lý rác thải, điểm tập kết, trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn; xử lý nghiêm các trường hợp không chấp hành.
Bài, ảnh: Hồng Tính