Xác định chuyển đổi số là xu hướng tất yếu trong hoạt động tài chính, thời gian qua, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) chi nhánh tỉnh đã triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số vào hoạt động tính dụng. Qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận với các dịch vụ, tiện ích của ngân hàng số.
Cán bộ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Yên Lạc tích cực hỗ trợ, hướng dẫn khách hàng sử dụng các dịch vụ, tiện ích của ngân hàng số.
Ông Nguyễn Đức Hạnh, Phó Giám đốc NHCSXH chi nhánh tỉnh cho biết: Một trong những sản phẩm đã khẳng định tính ưu việt, hiệu quả trong tiến trình thực hiện chuyển đổi số của đơn vị là ứng dụng quản lý tín dụng chính sách.
Thông qua ứng dụng, từ Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị các cấp, Chủ tịch UBND các xã, thị trấn đến các hội, đoàn thể nhận ủy thác, trưởng thôn, tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn... dễ dàng tra cứu, nắm bắt thông tin từng khách hàng vay vốn, tổng dư nợ, thời gian trả lãi, gốc vay.
Đặc biệt, ứng dụng còn cung cấp kết quả đối chiếu cho vay, các hướng dẫn văn bản tín dụng, giới thiệu các mô hình sản xuất, kinh doanh tiêu biểu, điển hình. Hiện, 100% các tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn trên địa bàn đã cài đặt và sử dụng thành thạo ứng dụng quản lý tín dụng chính sách.
Có mặt tại phiên giao dịch ở xã Thanh Trù, thành phố Vĩnh Yên ngày đầu tháng 7, chúng tôi nhận thấy công tác đối chiếu, cập nhật số liệu thu lãi, gốc vay của các khách hàng tại các thôn của cán bộ NHCSXH nhanh hơn, chính xác hơn.
Chị Tạ Thị Lý, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Nam, xã Thanh Trù cho biết: Nếu như trước đây, phải mất 10 - 15 phút để cập nhật số tiền thu lãi, tiết kiệm và gốc vay đối với 1 tổ tiết kiệm và vay vốn trong mỗi phiên giao dịch tại xã thì hiện nay, với ứng dụng quản lý tín dụng chính sách, cán bộ NHCSXH chỉ cần một cú nhấp chuột, toàn bộ dữ liệu của từng khách hàng sẽ được đồng bộ và hầu như không có sai sót.
Đặc biệt, trên ứng dụng quản lý tín dụng chính sách, tổ trưởng có thể hỗ trợ khách hàng đóng lãi, gốc vay từ tiền tiết kiệm nếu khách hàng vắng nhà, chưa có thời gian đi nộp lãi hàng tháng.
Hiện thực hóa mục tiêu chuyển đổi số quốc gia, từ năm 2019, NHCSXH tỉnh đã triển khai ứng dụng giáo dục tài chính trên điện thoại di động. Ứng dụng hỗ trợ khách hàng nâng cao hiểu biết tài chính, cách sử dụng vốn vay hiệu quả, cách tiết kiệm và quản lý chi tiêu gia đình. Ngoài ra, khách hàng có thể tự tra cứu về đối tượng, quy trình từng chương trình cho vay của NHCSXH.
Tiếp đó, đầu năm 2023, NHCSXH triển khai ứng dụng giáo dục số. Tại ứng dụng, khách hàng có thể xem các kiến thức từ cơ bản đến nâng cao về các dịch vụ, tiện ích tài chính nói chung, của NHCSXH nói riêng; cách sử dụng internet, bảo mật tài khoản và phương thức kinh doanh online.
Cùng với đó, ngân hàng đã và đang triển khai ứng dụng VBSP Smart Banking. Đến hết tháng 6/2024, toàn chi nhánh mở được gần 3.500 tài khoản, phát sinh hơn 126.000 giao dịch.
Hiện nay, NHCSXH đang chỉ đạo các Phòng Giao dịch ngân hàng CSXH các huyện, thành phố tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn, mở tài khoản VBSP Smart Banking và cài đặt sinh trắc học cho khách hàng, đảm bảo hoạt động thanh toán, giao dịch không bị gián đoạn và an toàn, bảo mật, đồng thời giúp các đối tượng chính sách tiếp cận với tiện ích của ngân hàng số
Bà Vũ Thị Hồng Khuyên, Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Yên Lạc cho biết: Ứng dụng VBSP Smart Banking có thể chuyển tiền nội bộ, chuyển tiền nhanh ngoài hệ thống, chuyển tiền đến số tài khoản tại ngân hàng khác, chuyển tiền ủng hộ, thanh toán các dịch vụ…
Đặc biệt, VBSP Smart Banking còn giúp khách hàng trực tiếp vay vốn chương trình cho vay mua, thuê nhà xã hội, đi xuất khẩu lao động trả lãi, gốc vay ngay trên ứng dụng.
Lũy kế đến nay, trên địa bàn huyện Yên Lạc có gần 10 nghìn hộ nghèo, cận nghèo và gia đình chính sách đang được thụ hưởng vốn vay ưu đãi với tổng dư nợ 545 tỷ đồng.
Với phương châm “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, NHCSXH tỉnh tiếp tục nâng cấp ứng dụng Ngân hàng lõi (Core Banking), đáp ứng các yêu cầu nghiệp vụ mới phát sinh trong tình hình mới.
Phối hợp với chính quyền địa phương, các sở, ngành, hội, đoàn thể nhận ủy thác tăng cường tuyên truyền để nhiều hơn nữa các hộ dân, đặc biệt hộ nghèo, cận nghèo và đối tượng chính sách biết đến ứng dụng giáo dục tài chính, giáo dục số, VBSP Smart Banking...
Bài, ảnh: Nguyễn Hường