Trước sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ thời kỳ 4.0, việc ứng dụng các nền tảng công nghệ để bán hàng được xem là một lợi thế của doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc lựa chọn, ứng dụng các nền tảng số trong sản xuất, kinh doanh và quản lý của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh đang gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao thịt chua Friend Foods của Công ty cổ phần Đầu tư Friend Foods (Lập Thạch) được bán trực tuyến qua các phiên livestream. Ảnh: Thế Hùng
Triển khai Đề án xác định chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số (CĐS) doanh nghiệp và hỗ trợ thúc đẩy doanh nghiệp CĐS, UBND tỉnh chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền tới các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tham gia Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa CĐS, sử dụng các nền tảng số để CĐS tại địa chỉ http://smedx.mic.gov.vn và https://dbi.gov.vn/smedx.
Ban hành chính sách khuyến khích doanh nghiệp thực hiện CĐS, ứng dụng nền tảng số trong quản trị, sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử, tham gia các sàn thương mại điện tử, website có chức năng thương mại điện tử, kết nối, liên kết với các sàn giao dịch, kết nối cung - cầu theo từng ngành, lĩnh vực; tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp về chiến lược, kế hoạch CĐS.
Đến nay, toàn tỉnh có hơn 10.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng các nền tảng số trong quản lý, điều hành, sản xuất, kinh doanh. Trong đó, nhiều doanh nghiệp trực tiếp kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử như TikTok, Facebook, Google, Sendo, Tiki, Lazada, Shopee; sử dụng phần mềm kế toán, chữ ký số trong báo cáo, kê khai nộp thuế, nộp bảo hiểm xã hội... giúp tiết kiệm nhân lực, chi phí và tăng cường tính chuyên nghiệp của đội ngũ nhân viên, góp phần gia tăng giá trị thương hiệu của doanh nghiệp đối với khách hàng và nhà đầu tư.
6 tháng đầu năm 2024, tổng giá trị tăng thêm theo giá hiện hành của các ngành liên quan kinh tế số đạt 21% tổng giá trị sản phẩm (GRDP) của tỉnh.
Tuy nhiên, do đặc thù về quy mô và tiềm lực nên việc ứng dụng các nền tảng số trong thực hiện CĐS của một số doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, đó là rào cản về chi phí đầu tư, ứng dụng công nghệ; khó khăn thay đổi thói quen, tập quán kinh doanh; thiếu nhân lực nội bộ để ứng dụng công nghệ số; khó khăn trong tích hợp các giải pháp công nghệ số...
Ông Lê Văn Cường, Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư Friend Foods (Lập Thạch) chia sẻ: Hiện nay, sản phẩm thịt chua Friend Foods của công ty có mặt tại 60 đại lý, cửa hàng phân phối. Trung bình mỗi tháng, công ty cung cấp ra thị trường hơn 80.000 hộp thịt chua. Vì vậy, việc ứng dụng nền tảng số trong bán hàng và marketing là hai lĩnh vực doanh nghiệp rất quan tâm để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm.
Tuy nhiên, hạn chế về nguồn nhân lực và tài chính đang là rào cản rất lớn trong quá trình CĐS của doanh nghiệp. Vì thế, doanh nghiệp chỉ dừng lại ở việc bán hàng trực tuyến qua các phiên livestream, còn việc bán hàng qua các kênh Tiktok shop, Shoppe và các kênh thương mại điện tử khác vẫn rất hạn chế.
Công ty cổ phần dược liệu BIOVIMEX, phường Khai Quang, thành phố Vĩnh Yên cũng đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận và ứng dụng các nền tảng số phục vụ hoạt động quản lý của doanh nghiệp.
Theo Giám đốc công ty Nguyễn Văn Hảo: Để đưa sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng, công ty đã đầu tư cửa hàng trưng bày, giới thiệu, bán sản phẩm; xây dựng website https://dongtrunghathaobiovimex.com.
Hiện, doanh nghiệp sử dụng các phần mềm phục vụ hoạt động quản lý, sản xuất, kinh doanh như kê khai thuế điện tử, thanh toán hóa đơn điện tử. Tuy nhiên, việc ứng dụng các nền tảng số vào quản lý, điều hành vẫn còn hạn chế.
Nhằm tiếp tục tháo gỡ khó khăn và đạt mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đạt hơn 50%; doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử đạt hơn 80%, trong kế hoạch mới nhất về CĐS, phát triển chính quyền số, kinh tế, xã hội số đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, UBND tỉnh đã đề ra các giải pháp trọng tâm như xây dựng nền tảng thu thập dữ liệu về doanh nghiệp, sản phẩm, tiêu chuẩn kỹ thuật, nhân lực về sản xuất, phân tích, so sánh, đánh giá, dự báo hoạt động sản xuất; có chính sách ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp nỗ lực đạt mức độ CĐS cao để hình thành các doanh nghiệp số.
Triển khai nền tảng hóa đơn điện tử quốc gia, kết nối, liên thông với toàn bộ các cơ quan thuế, cho phép thanh toán hóa đơn điện tử, rút ngắn thời gian thực hiện giao dịch điện tử...
Cùng với đó, doanh nghiệp phải tiên phong đổi mới công nghệ, CĐS để nâng cao năng lực cạnh tranh, vị thế của doanh nghiệp và thương hiệu của sản phẩm tới gần hơn người tiêu dùng... góp phần đưa Vĩnh Phúc nằm trong top 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về CĐS.
Mai Liên