Nhằm phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giải quyết việc làm mới đảm bảo về số lượng, chất lượng, tạo lợi thế để thu hút đầu tư, thúc đẩy sự phát triển KT-XH nhanh và bền vững, UBND tỉnh đã ban hành quyết định phê duyệt Đề án đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong giáo dục nghề nghiệp (GDNN) đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030.
Các sinh viên lớp chất lượng cao ngành Điện tử công nghiệp, Trường cao đẳng Nghề Vĩnh Phúc trong giờ thực hành mô hình điện tử công suất. Ảnh: Kim Ly
Năm 2016, sau khi được lựa chọn tham gia đào tạo thí điểm trình độ cao đẳng cho 12 nghề trọng điểm cấp độ quốc tế theo bộ chương trình được chuyển giao từ Học viện Chisholm-Úc, Trường cao đẳng Nghề Vĩnh Phúc đã triển khai thí điểm đào tạo nghề điện tử công nghiệp cho 20 sinh viên, tổ chức giảng dạy theo phương pháp và công nghệ đào tạo mới với sự giám sát của các chuyên gia đến từ Úc.
Tham gia chương trình, nhà trường đã cử 5 giảng viên đi đào tạo tại Học viện Chisholm-Úc, mua sắm trang thiết bị theo danh mục của chương trình; tổ chức bồi dưỡng nâng cao năng lực tiếng Anh cho sinh viên; liên kết với các DN trong và ngoài tỉnh đưa sinh viên đi trải nghiệm. Kết thúc chương trình, 100% sinh viên tốt nghiệp và được cấp song bằng, có việc làm đúng ngành, nghề đào tạo với mức lương trung bình từ 15-30 triệu đồng/người/tháng.
Thạc sĩ Phan Thị Hằng, Trưởng Phòng Đào tạo, Trường cao đẳng Nghề Vĩnh Phúc cho biết: "Hiện nay, nhà trường đang đào tạo trình độ cao đẳng chất lượng cao các nghề: Điện tử công nghiệp, Cắt gọt kim loại, Công nghệ ô tô, Kỹ thuật máy lạnh điều hòa không khí cho 115 sinh viên. 100% giáo viên tham gia giảng dạy chương trình chất lượng cao đều đạt trình độ đại học và trên đại học, có chứng chỉ kỹ năng nghề theo quy định và thường xuyên được cử đi tập huấn, đào tạo ở các nước như Đức, Úc, Malaysia…
Hệ thống cơ sở vật chất được nhà trường đầu tư đồng bộ, hiện đại; đổi mới nội dung, chương trình, phương thức đào tạo theo hướng ứng dụng, thực hành. Đặc biệt, thực hiện phương châm “Tuyển sinh gắn với tuyển dụng”, nhà trường đã mở rộng quan hệ liên kết, hợp tác đào tạo với hơn 50 DN trong và ngoài tỉnh như Công ty Honda Việt Nam, Công ty ô tô Toyota Việt Nam, Tập đoàn khoa học kỹ thuật Hồng Hải… tạo điều kiện để 100% sinh viên được đi thực tập tại các DN ngay trong quá trình đào tạo, được tiếp cận với hệ thống máy móc, công nghệ, trang thiết bị tiên tiến, hiện đại nhằm trau dồi kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm thực tế".
Theo đề án, giai đoạn 2021-2025, Vĩnh Phúc phấn đấu phát triển ngành nghề, quy mô đào tạo tại các cơ sở GDNN; tạo việc làm tăng thêm từ 80.000-85.000 việc làm mới, tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2025 đạt 82%. Trong đó, đào tạo nghề cho 125.000 lao động, đào tạo chất lượng cao cho hơn 2.900 lao động; bồi dưỡng ngoại ngữ và kỹ năng nghề cho giáo viên, giảng viên dạy nghề trọng điểm, chất lượng cao tiếp cận trình độ ASEAN và quốc tế; tập trung đầu tư cho 1-2 trường cao đẳng của tỉnh đạt chuẩn trường cao đẳng chất lượng cao.
Để thực hiện các mục tiêu của đề án đảm bảo đúng tiến độ, lộ trình đề ra, tỉnh xây dựng 5 nhóm giải pháp cụ thể, tập trung vào việc xây dựng, ban hành các chủ trương, chính sách về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; tuyên truyền, định hướng về đào tạo và tuyển dụng lao động; đổi mới, nâng cao chất lượng các cơ sở GDNN; tăng cường tư vấn, dịch vụ và giải quyết việc làm; ưu tiên mọi nguồn lực đầu tư cho đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Mức kinh phí để triển khai, thực hiện các mục tiêu của đề án trong giai đoạn 2021-2025 dự kiến là 209 tỷ đồng.
Vừa qua, Sở LĐ-TB&XH đã khảo sát nhu cầu tuyển dụng lao động chất lượng cao trình độ cao đẳng giai đoạn 2023-2030 của các DN trên địa bàn tỉnh. Đến nay, có 22 DN đăng ký với tổng nhu cầu tuyển dụng là 2.019 lao động thuộc 9 ngành, nghề: Công nghệ kỹ thuật cơ khí, cắt gọt kim loại, hàn, công nghệ ô tô, công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hóa, điện tử công nghiệp, điện công nghiệp, quản trị máy tính, truyền thông và mạng máy tính.
Phòng học thực hành tại Trường cao đẳng Nghề Vĩnh Phúc được trang bị đầy đủ máy móc, thiết bị đảm bảo đáp ứng yêu cầu các môn học. Ảnh: Kim Ly
Để kịp thời cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho các DN, các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh đã tập trung triển khai nhiều giải pháp, chủ động liên hệ với các DN đã đăng ký nhu cầu tuyển dụng lao động chất lượng cao nhằm giới thiệu, cung ứng lao động theo nhu cầu của DN; xây dựng kế hoạch, triển khai tuyển sinh đào tạo chương trình chất lượng cao theo từng năm; tập trung mở rộng tuyển sinh, đào tạo với nghề hàn, kỹ thuật điều khiển và tự động hóa.
Phối hợp với các DN rà soát, điều chỉnh, bổ sung chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu của DN, hợp tác với DN trong thực hiện chương trình đào tạo nhân lực chất lượng cao để người học tiếp cận, làm chủ dây chuyền công nghệ sản xuất theo nhu cầu của DN; tăng cường công tác truyền thông, tư vấn tuyển sinh, thông tin về nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao và các chương trình đào tạo chất lượng, đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH của tỉnh.
Đối chiếu với thực tế tuyển sinh, đào tạo trình độ cao đẳng chất lượng cao và năng lực tuyển sinh của các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh cơ bản đáp ứng nhu cầu của các DN. Năm 2022, toàn tỉnh giải quyết việc làm mới cho 19.700 lao động, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 79%. Tuy nhiên, quy mô đào tạo một số ngành, nghề như nghề hàn, công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hóa của các trường còn ít.
Để đảm bảo thực hiện các mục tiêu của đề án theo đúng lộ trình, tiến độ đã đề ra, thời gian tới, Sở LĐ-TB&XH tiếp tục đôn đốc các DN đăng ký nhu cầu tuyển dụng lao động trình độ cao đẳng chất lượng cao; chỉ đạo các cơ sở GDNN tăng cường tuyển sinh, phối hợp với các DN rà soát, điều chỉnh, bổ sung chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu của DN…
Phương Anh