Chiều hè dịu nắng, quảng trường lồng lộng gió. Không gian rộng rãi, thoáng đãng nơi đây là chỗ vui chơi, giải trí lý tưởng của đủ mọi lứa tuổi. Khu lắp đặt dụng cụ thể thao ngoài trời luôn đông người, chủ yếu người lớn tuổi và trung niên luyện tập. Họ vừa tập vừa trò chuyện đủ thứ trên đời, từ tình hình thời sự đến chuyện con, chuyện cháu, chuyện sinh hoạt hàng ngày… Tuổi già có niềm vui riêng. Tôi hay đi bộ qua chỗ này, để ý thấy có những ông bà không vắng sân tập buổi nào (tất nhiên trừ trời mưa).
Thả diều trên quảng trường
Còn khoảng sân rộng lát đá trở thành “sân bóng” của nhóm thanh niên chiều nào cũng quần nhau với trái bóng tròn. Đứa nào cũng mồ hôi mồ kê nhễ nhại nhưng đôi chân thì thoăn thoắt rê dắt bóng. Không biết trong số những thanh niên này có ai trở thành cầu thủ chuyên nghiệp nay mai? Nhưng nhìn cách các cháu chơi bóng hoàn toàn có thể hi vọng. Nhiều cầu thủ chẳng trưởng thành từ bóng đá đường phố đó thôi! Cách đó không xa, các bà, các cô say sưa tập aerobic, tập nhảy theo điệu nhạc tưng bừng phát ra từ chiếc loa kéo.
Các ô cỏ rộng rãi ở giữa quảng trường là nơi mấy đứa trẻ hay chơi trò thả diều. Nhìn ánh mắt trẻ thơ háo hức dõi theo những cánh diều đủ màu sắc chao lượn trên không trung tôi chợt nhớ một thời mình trần chân đất thả diều triền đê của mình. Bấy giờ cứ nghỉ hè là đám trẻ con trong xóm rời xa hoàn toàn sách vở, thỏa thích với những trò nghịch ngợm.
Thả diều là trò dễ chơi, lớn bé già trẻ đều thích. Thích thú ở chỗ ai cũng có thể tự làm chiếc diều cho mình. Lũ trẻ lau nhau bọn tôi chỉ biết làm diều giấy vì dễ làm, chỉ cần mấy tờ giấy, thanh tre, nhựa cây hay cơm nguội để dán… cũng có chiếc diều để chơi.
Những quyển vở cũ dù viết hết hay viết dở đều mang ra làm diều. Cạy hai cái ghim ở giữa quyển vở ra, nhẹ nhàng lấy ra từng tờ giấy để làm đầu và đuôi diều. Làm đầu diều đơn giản nhất là gập chéo tờ giấy sao cho các cạnh bằng nhau, gấp phần thừa theo mép giấy, lấy dao dọc là có ngay mảnh giấy vuông vắn.
Đuôi diều to bé, dài ngắn thế nào cũng phải tính toán để cân với đầu diều. Nếu đuôi to quá, dài quá thì diều nặng không bay được. Nhưng nếu đuôi bé hoặc ngắn quá thì không cân, ra trước gió diều đảo thiên đảo địa rồi cắm xuống đất. Để có chiếc diều cân đối, bay cao thì diều cũng cần có bộ xương khỏe. Vì thế phải chọn những thanh tre cật già để khi khô thì nhẹ nhưng vẫn giữ được độ cứng và dẻo dai, khi gặp gió to không bị gẫy.
Xương diều gồm 2 thanh tre, một thanh tre bẹt đầu vót nhọn, đặt theo đường chéo tờ giấy vuông làm đầu diều để giữ cho diều cứng về chiều dọc và một thanh tre tròn uốn cong như cánh cung để diều cứng về chiều ngang và luôn hướng lên trên. Dán diều tốt nhất là dùng nhựa mít hay nhựa sung, phơi nắng cho quánh lại dán chỗ nào dính chỗ ấy. Nhưng lắm lúc cần diều chơi ngay chẳng kịp lấy nhựa thì cơm nguội cũng dán tốt.
Có diều rồi còn phải có dây nữa mới thả được. Tiện nhất là chôm ngay ống chỉ khâu của bố mẹ, quấn vào ống bơ sữa bò là có ngay dây thả diều. Nhưng chỉ chỉ giữ được diều những lúc gió nhẹ. Khi gió to hay quẩn một tí là đứt phựt. Mỗi lúc như thế lại phải đuổi diều ốm. Nếu nó rơi ngay chân đê thì may, nếu cuốn vào bụi tre hay xuống ruộng lúa thì đành bỏ.
Dùng chỉ làm dây diều không ổn, bọn trẻ chúng tôi nghĩ cách khác. Một đứa bảo thử tước tinh cây chuối phơi khô, se lại thành dây xem sao? Dây chuối đúng là chắc hơn thật nhưng cũng không dùng được lâu, nhất là gặp mưa nhanh bợt. Chúng tôi ước gì có cuộn dây cước hay dây dù như các anh lớn để thả diều? Các loại dây đó phải mua mà trẻ con bọn tôi lại không có tiền. Những lúc đang thả diều vui thì gặp mưa, bọn tôi cuống quýt thu diều, còn các anh ung dung mặc diều bay lượn vì chúng được làm bằng vải nhựa (nilon).
Trong làng, lũ trẻ chúng tôi ngưỡng mộ nhất là mấy ông chơi diều thuyền, diều sáo. Những chiếc diều của họ to và cong như chiếc thuyền hàng ngày vẫn chở các bà, các cô sang bãi đào khoai, hái đỗ. Mỗi khi thả diều phải đợi gió to và cần ít nhất hai người. Một người thả và giữ dây, người kia cầm diều đợi cơn gió đến là thả, người cầm dây giật để chiếc diều lao vút lên không trung.
Khi còn dưới thấp diều chao liệng nhưng khi lên đủ độ cao thì chỉ nghiêng theo chiều gió và có những lúc gần như đứng im. Chiều mát hay những đêm trăng sáng, ngả lưng ra bãi cỏ triền đê ngắm diều trôi trên không trung, nghe trong không gian tiếng sáo vi vu thì tuyệt cú mèo.
Giờ thú chơi diều ít người còn giữ. Một phần vì cuộc sống bận rộn, phần nữa vì không gian cho trò chơi này ngày càng thu hẹp. Tiếng sáo diều chỉ còn vọng về từ ký ức.
Bài, ảnh: Xuân Hòa