Nhằm thúc đẩy ngành Du lịch phát triển một cách toàn diện, nhanh và bền vững với phương châm “Liên kết chặt chẽ - Phối hợp nhịp nhàng - Hợp tác sâu rộng - Bao trùm toàn diện - Hiệu quả bền vững”, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 119 triển khai thực hiện Chỉ thị số 08, ngày 23/2/2024 của Thủ tướng Chính phủ với các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, cụ thể.
Khu du lịch Tam Đảo dẫn đầu trong top 6 điểm đến nổi bật mới của Việt Nam. Ảnh: Khánh Linh
Vĩnh Phúc được thiên nhiên ban tặng nhiều cảnh quan cùng hệ giá trị lịch sử - văn hóa lâu đời. Hiện, trên địa bàn tỉnh có hơn 1.300 di tích, trong đó có 521 di tích được xếp hạng các cấp, 6 di tích quốc gia đặc biệt.
Khu du lịch Tam Đảo liên tiếp 2 năm được Tổ chức du lịch thế giới World Travel Awards vinh danh là “Thị trấn điểm đến hàng đầu thế giới” và dẫn đầu trong top 6 điểm đến nổi bật mới của Việt Nam.
Hệ thống sân golf Vĩnh Phúc được lọt top 5 sân golf được yêu thích nhất, tạo thế mạnh điểm du lịch hấp dẫn và độc đáo, góp phần tiếp tục nâng cao vị thế của du lịch Vĩnh Phúc không chỉ trong khu vực mà trên phạm vi toàn cầu.
Những năm gần đây, ngành Du lịch Vĩnh Phúc đã có những bước phát triển đột phá. Năm 2023, số lượng khách tới Vĩnh Phúc đạt hơn 9,2 triệu lượt người, tăng 13% so với năm 2022; tổng doanh thu đạt 3.610 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2022.
Hiện, toàn tỉnh có 563 cơ sở lưu trú du lịch, trong đó có 4 khách sạn 5 sao, 2 khách sạn 4 sao, 9 khách sạn 3 sao, 44 khách sạn 2 sao, 16 khách sạn 1 sao và 488 sơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 7799: 2017 về nhà nghỉ du lịch và Tiêu chuẩn quốc gia 7800: 2017 về nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê.
5 tháng đầu năm, du lịch Vĩnh Phúc đón hơn 4,7 triệu lượt khách, trong đó có 37.800 lượt khách quốc tế, doanh thu đạt 1.840 tỷ đồng. Các khu, điểm nghỉ dưỡng như khách sạn Venus Tam Đảo, Flamingo Đại Lải Resort, Sông Hồng Resort, FLC Luxury Resort Vĩnh Phúc được các công ty lữ hành chọn làm tour nghỉ dưỡng cuối tuần, thu hút ngày càng đông du khách trong nước và quốc tế.
Khu du lịch Đại Lải - điểm đến hấp dẫn của Vĩnh Phúc. Ảnh: Khánh Linh
Tuy nhiên hiện nay, du lịch Vĩnh Phúc còn phải đối mặt với nhiều khó khăn như công tác xã hội hóa về du lịch chưa cao; đầu tư cơ sở hạ tầng, nhân lực du lịch chưa đáp ứng yêu cầu; một số địa phương chưa quyết liệt chỉ đạo để phát triển du lịch…
Việc triển khai thực hiện Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 chưa đồng bộ và còn khó khăn, vướng mắc. Việc đa dạng sản phẩm du lịch, tổ chức nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật, thể thao du lịch đặc sắc để thu hút khách con hạn chế. Còn thiếu hoạt động phát triển kinh tế ban đêm để phát triển các loại hình sản phẩm du lịch mới.
Bên cạnh đó, các không gian làng nghề của Vĩnh Phúc bị phá vỡ bởi sự phát triển manh mún, thiếu tập trung và chưa có sự liên kết đồng bộ giữa doanh nghiệp du lịch và người dân tại các làng nghề. Nhận thức của một bộ phận cán bộ quản lý, người dân địa phương và doanh nghiệp du lịch về vai trò của di sản văn hóa, vai trò công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, tài nguyên du lịch phục vụ phát triển kinh tế-xã hội vẫn còn hạn chế…
Kế hoạch số 119 của UBND tỉnh được ban hành nhằm tiếp tục nâng cao nhận thức của đội ngũ công chức, viên chức, người lao động tại cơ quan, đơn vị, địa phương theo tinh thần "Nguồn lực bắt nguồn từ tư duy - Động lực bắt nguồn từ sự đổi mới - Sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân, doanh nghiệp"; đồng thời, tranh thủ thời cơ, tận dụng cơ hội để phát triển hệ sinh thái du lịch nhanh, toàn diện, bền vững, tạo động lực phát triển cho các ngành, lĩnh vực khác.
Theo đó, các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố cần tăng cường quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn, thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững.
Chỉ đạo các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch thực hiện nghiêm việc niêm yết giá công khai và bán đúng giá niêm yết. Tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, khuyến khích đổi mới, khởi nghiệp sáng tạo, phát triển lực lượng doanh nghiệp, hình thành nhiều doanh nghiệp du lịch có thương hiệu mạnh.
Triển khai hiệu quả các mô hình quản trị, hợp tác công - tư trong phát triển du lịch trên tinh thần “Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”; kịp thời ban hành các cơ chế chính sách ưu đãi nhằm huy động hiệu quả nguồn lực của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp đầu tư cho phát triển du lịch.
Khu sinh thái Nam Tam Đảo - điểm du lịch Golf ấn tượng của Vĩnh Phúc. Ảnh: Khánh Linh
Đặc biệt, cần nhận thức rõ du lịch là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng, xã hội hóa cao và nội dung văn hóa sâu sắc; đóng góp lớn vào phát triển kinh tế, tạo nhiều việc làm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tạo động lực cho các ngành, lĩnh vực khác phát triển, đem lại hiệu quả nhiều mặt về kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị, đối ngoại và quốc phòng-an ninh.
Nâng cao ý thức của người dân, doanh nghiệp và cộng đồng trong xây dựng, bảo vệ hình ảnh, môi trường, góp phần phát triển bền vững, không ngừng nâng cao uy tín, thương hiệu và sức thu hút của du lịch Vĩnh Phúc. Xác định rõ quan điểm, trách nhiệm phát triển du lịch là trách nhiệm của Nhà nước, của doanh nghiệp và của người dân.
Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa bản địa đặc sắc, cảnh quan tự nhiên độc đáo cho phát triển du lịch bền vững. Bảo đảm an ninh, an toàn cho khách du lịch, chú trọng vấn đề vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm; khuyến khích sự tham gia của người dân, doanh nghiệp trong xây dựng môi trường du lịch văn hóa, văn minh, thân thiện, mến khách theo phương châm “Mỗi người dân là một đại sứ du lịch”.
Ban hành theo thẩm quyền các chính sách ưu đãi, hỗ trợ cá nhân, tổ chức, cộng đồng tham gia kinh doanh và cung cấp dịch vụ, sản phẩm du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp - nông thôn; quy hoạch khu vực phát triển kinh tế ban đêm gắn với dịch vụ du lịch.
Đẩy mạnh liên kết vùng, liên kết giữa các địa phương để hình thành các động lực tăng trưởng du lịch theo phương châm “Một cung đường - Nhiều điểm đến”, hình thành sản phẩm, chuỗi sản phẩm du lịch đặc thù của từng địa phương.
Bố trí nguồn lực phù hợp cho công tác chuyển đổi số trong phát triển du lịch. Chủ động đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức xúc tiến, quảng bá du lịch; tăng cường kết nối hạ tầng dịch vụ, hỗ trợ và gia tăng trải nghiệm, giữ chân khách du lịch; chú trọng phát triển và khai thác phân khúc thị trường khách theo các sản phẩm chuyên đề mà Vĩnh Phúc có thế mạnh, như du lịch Golf, du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm, du lịch làng nghề…
Chủ tịch UBND các huyện, thành phố trên địa bàn phát huy vai trò người đứng đầu, đổi mới tư duy trong hoạch định chính sách, chỉ đạo điều hành quản lý phát triển du lịch theo phương châm “Nhà nước, doanh nghiệp, nhân dân đồng hành phát triển du lịch”.
Thu Thủy