Du lịch Vĩnh Phúc ngày càng phát triển; các khu, điểm du lịch được mở rộng về quy mô, số lượng. Tuy nhiên, do các yếu tố khách quan và chủ quan, sự phát triển nhanh chóng của hoạt động du lịch cũng kéo theo một số tác động tới môi trường, đòi hỏi sự vào cuộc của các cấp, ngành và người dân để đưa du lịch Vĩnh Phúc phát triển bền vững.
Khu danh thắng Tây Thiên (Tam Đảo) luôn được vệ sinh môi trường sạch đẹp. Ảnh: Dương Hà
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL), kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5/2025, chỉ trong 5 ngày, toàn tỉnh đón hơn 150 nghìn lượt khách, tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái; doanh thu đạt khoảng 75 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2024. Những con số trên cho thấy sức hút ngày càng lớn của du lịch Vĩnh Phúc trên bản đồ du lịch trong nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những khởi sắc đó, hoạt động du lịch cũng tồn tại những hạn chế như tình trạng xả rác bừa bãi gây ô nhiễm môi trường tại các điểm du lịch mới nổi như suối, thác nước, hồ, rừng…; việc sử dụng tài nguyên quá mức; vấn đề chất thải, nước thải phát sinh chưa được xử lý kịp thời sau khi tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch; tình trạng ô nhiễm nước thải, chất thải nhựa gia tăng…
Vài năm trở lại đây, tại các điểm du lịch suối, thác nước trên địa bàn xã Đạo Trù, xã Tam Quan, thị trấn Đại Đình (Tam Đảo) không khó để bắt gặp tình trạng túi nilon, chai nhựa, vỏ lon bia, nước ngọt vứt dọc bờ suối cùng thức ăn thừa gây mất mỹ quan, ô nhiễm môi trường.
Tại các địa điểm du lịch nổi tiếng như thị trấn Tam Đảo, Tây Thiên, hồ Đại Lải, các công viên, vườn hoa ở thành phố Vĩnh Yên, Phúc Yên với cảnh quan đẹp, thu hút đông người dân ngắm cảnh, chụp ảnh, đã xuất hiện tình trạng du khách ngắt hoa, bẻ cành, vứt rác bừa bãi. Thậm chí có cả những hành vi rất đáng lên án như nhổ trộm hoa đỗ quyên ở thị trấn Tam Đảo, bê trộm hoa trang trí tại thành phố Vĩnh Yên… gây bức xúc trong nhân dân và đơn vị quản lý.
Để nâng cao ý thức, nhận thức về công tác bảo vệ môi trường khi đi du lịch, Sở VH,TT&DL tham mưu cho tỉnh ban hành Bộ Quy tắc ứng xử văn minh du lịch. Trong đó, xây dựng tài liệu về quy tắc ứng xử văn minh trong hoạt động du lịch làm “cẩm nang” bỏ túi cho khách du lịch khi đi tham quan tại các khu, điểm di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, du lịch cộng đồng, trải nghiệm trên địa bàn tỉnh.
Phát động chiến dịch ứng xử văn minh, thân thiện, lịch sự tới người dân, du khách, tổ chức, cá nhân cung ứng dịch vụ du lịch, nhất là tại các khu vực trọng điểm du lịch, các công ty lữ hành, cơ sở lưu trú, nhà hàng, khách sạn và đội ngũ hướng dẫn viên du lịch.
Tuyên truyền về Bộ quy tắc ứng xử văn minh trong hoạt động du lịch tới các đơn vị, địa phương, người dân, du khách qua tổ chức các sự kiện quốc gia hằng năm, các phương tiện truyền thông đại chúng, phát hành các tờ rơi, sách hướng dẫn du lịch của địa phương.
Khu du lịch Đại Lải được khai thác gắn với bảo vệ môi trường sinh thái. Ảnh: Dương Hà
Theo đồng chí Đặng Văn Hường, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Tam Đảo, huyện Tam Đảo: Xây dựng hình ảnh du lịch thị trấn Tam Đảo xanh, sạch, đẹp, tạo ấn tượng trong lòng du khách luôn là nhiệm vụ được cấp ủy, chính quyền thị trấn đặt lên hàng đầu. Ngoài tăng cường thùng rác tại nơi công cộng, trong các dịp lễ, Tết, mùa du lịch cao điểm, các sự kiện lễ hội tập trung đông người, thị trấn kết hợp tuyên truyền, vận động du khách, hộ kinh doanh nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh chung, không xả rác thải, nước thải; hạn chế dùng đồ nhựa 1 lần; bảo vệ cảnh quan môi trường sinh thái. Đồng thời tổ chức đào tạo, tập huấn ứng xử văn minh trong hoạt động du lịch đối với người dân, hộ kinh doanh nhà hàng, khách sạn… Đến nay, ý thức của người dân, hộ kinh doanh và du khách đã nâng lên; thị trấn luôn giữ được môi trường sạch, đẹp.
Khu du lịch Đại Lải là điểm vui chơi, nghỉ dưỡng đa dạng, trong đó, các dự án đầu tư đều hướng đến việc bảo tồn, gìn giữ cảnh quan, sinh thái với hồ nước, cây xanh, khí hậu trong lành, mát mẻ. Nhiều thiết kế tại đây còn đưa thêm không gian xanh tạo sự gần gũi với môi trường.
Đồng chí Nguyễn Thanh Quang, Trưởng Ban quản lý Khu du lịch Đại Lải cho biết: Ban quản lý đa dạng hóa các kênh thông tin, tuyên truyền về Bộ quy tắc ứng xử văn minh trong du lịch cho người dân, du khách; thường xuyên kiểm tra nhằm phát hiện, nhắc nhở và xử lý những hành vi thiếu tôn trọng môi trường. Chủ động hợp đồng với doanh nghiệp vệ sinh môi trường tăng cường tần suất, nhân lực vệ sinh khu vực công cộng và thu gom rác hằng ngày, không để tình trạng rác thải ùn ứ gây ô nhiễm. Nhờ làm tốt công tác đảm bảo môi trường, nhiều năm qua, lượng khách đến Khu du lịch Đại Lải ngày càng tăng.
Góp sức bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch, ngành Nông nghiệp và Môi trường, Đoàn Thanh niên ở nhiều địa phương đã phối hợp ra quân tổ chức các chiến dịch thu gom rác thải, vệ sinh môi trường ở các điểm du lịch; tuyên truyền người dân, du khách giữ vệ sinh môi trường bằng hành động nhỏ như bỏ rác vào thùng, không tự ý hái hoa, bẻ cành, tăng cường dùng đồ tái chế…
Nhiều đơn vị lữ hành triển khai các tour, chuyến “du lịch xanh” gắn với bảo vệ môi trường qua việc chủ động dùng túi giấy, túi vải tái chế trong mỗi hành trình và lan tỏa tới khách hàng về ý thức bảo vệ môi trường, cảnh quan. Tổ chức các tour du lịch sinh thái, thể thao, rèn luyện sức khỏe như giải leo núi trekking Tây Thiên, giải chạy bộ hồ Vân Trục, giải đua xe đạp thành phố Vĩnh Yên và các show diễn thời trang về làng nghề truyền thống…
Những mô hình, sáng kiến, cách làm của các cơ quan, đơn vị đã góp phần nâng cao nhận thức về công tác bảo vệ môi trường, giữ gìn cảnh quan để Vĩnh Phúc phát triển du lịch bền vững.
Phương Loan