Đa dạng hình thức kết nối cung - cầu lao động; triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ giải quyết việc làm (GQVL); thúc đẩy công tác đưa người lao động (NLĐ) đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài… là những giải pháp tỉnh triển khai nhằm GQVL, duy trì và mở rộng việc làm, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống cho NLĐ, góp phần hoàn thành chỉ tiêu GQVL theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và kế hoạch phát triển KT-XH năm 2024 của tỉnh.
Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh phối hợp với Trường cao đẳng Kinh tế-Kỹ thuật Vĩnh Phúc tư vấn xuất khẩu lao động cho học sinh, sinh viên. Ảnh: Kim Ly
Là điểm sáng trong công tác GQVL của tỉnh, năm 2023, huyện Vĩnh Tường GQVL mới cho hơn 3.300 lao động, đạt 123% chỉ tiêu tỉnh giao; trong đó, GQVL trong nước cho hơn 2.960 người, đưa 363 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.
Để triển khai, thực hiện hiệu quả công tác GQVL, nâng cao thu nhập cho NLĐ, hằng năm, UBND huyện Vĩnh Tường ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, giao chỉ tiêu GQVL cụ thể cho từng địa phương.
Phòng LĐ-TB&XH huyện Vĩnh Tường thường xuyên phối hợp với các Trung tâm Dịch vụ việc làm trong và ngoài tỉnh, các đơn vị tham gia xuất khẩu lao động để giới thiệu, cung ứng lao động cho các công ty, doanh nghiệp cần tuyển dụng lao động; tranh thủ nguồn vốn triển khai các dự án phát triển sản xuất, thu hút lao động, tạo việc làm tại chỗ.
Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp có tiềm lực về kinh tế tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn huyện; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến tới NLĐ các quy định, chính sách mới về lĩnh vực lao động, việc làm, thông tin kịp thời tình hình thị trường lao động…
Năm 2023, Phòng LĐ-TB&XH huyện phối hợp với Phòng NN&PTNT, Trung tâm GDNN-GDTX huyện mở 5 lớp đào tạo nghề cho gần 150 lao động. Thông qua các lớp đào tạo nghề, người dân áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi, góp phần GQVL, cải thiện thu nhập.
Xác định GQVL là một trong những nhiệm vụ quan trọng thúc đẩy phát triển KT-XH, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ NLĐ tham gia học nghề, thụ hưởng các chính sách hỗ trợ GQVL.
Sở LĐ-TB&XH phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến tới NLĐ các chính sách hỗ trợ GQVL của Trung ương, của tỉnh. Đồng thời, thông tin kịp thời tới NLĐ tình hình thị trường lao động; các chương trình tuyển dụng lao động do Bộ LĐ-TB&XH triển khai thực hiện và đơn hàng của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đưa NLĐ đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Từ đó, giúp NLĐ nắm bắt đầy đủ thông tin và chủ động tham gia các chương trình phù hợp.
Đến hết tháng 4/2024, tổng dư nợ của Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Vĩnh Phúc đạt hơn 4.500 tỷ đồng cho 25.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn GQVL, phát triển sản xuất, góp phần GQVL cho hơn 11.500 lao động, 180 NLĐ vay vốn đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài và hơn 560 hộ gia đình vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.
Thực hiện Nghị quyết số 07 của HĐND tỉnh quy định chính sách vay vốn GQVL cho NLĐ và hỗ trợ một số chi phí đối với NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đến nay, đã có gần 1.500 NLĐ được vay với số tiền hơn 96,8 tỷ đồng để tạo việc làm tại chỗ và 279 người được vay hơn 31 tỷ đồng để đi làm việc ở nước ngoài.
Các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm được triển khai linh hoạt. Vĩnh Phúc đã ký biên bản hợp tác với các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Điện Biên, Sơn La, Lai Châu, Hòa Bình, Hà Giang, Tuyên Quang... để khai thác nguồn cung lao động ngoại tỉnh.
Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã tổ chức 11 phiên giao dịch việc làm với 100 lượt doanh nghiệp và hơn 1.500 lượt lao động tham gia.
Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đặng Phú Xuyên cho biết: "Từ đầu năm đến nay, thị trường lao động trên địa bàn tỉnh tương đối sôi động. Hiện nay, có 320 doanh nghiệp đăng ký tìm lao động tại trung tâm với nhu cầu tuyển dụng khoảng 1.800 lao động.
Để thực hiện tốt vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp và NLĐ, bên cạnh việc tổ chức các phiên giao dịch việc làm, trung tâm phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp chú trọng đào tạo kỹ năng nghề, kỹ năng trả lời phỏng vấn cho NLĐ… giúp NLĐ sớm lựa chọn được những ngành, nghề phù hợp với năng lực, sở trường của bản thân".
Với nhiều giải pháp hiệu quả, thiết thực, năm 2023, toàn tỉnh GQVL mới cho hơn 20.730 lao động (đạt 121,9% chỉ tiêu được giao). 4 tháng đầu năm, toàn tỉnh GQVL cho hơn 8.700 lao động, đạt hơn 51% chỉ tiêu kế hoạch. Trong đó, GQVL trong nước cho hơn 8.400 lao động, đưa 330 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.
Năm 2024, Vĩnh Phúc phấn đấu GQVL mới cho 17.000 lao động. Để hoàn thành mục tiêu đề ra, Sở LĐ-TB&XH tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến tới NLĐ các quy định, chính sách mới về lĩnh vực lao động, việc làm, thông tin kịp thời tình hình thị trường lao động, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp.
Triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ đào tạo, GQVL; chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tăng cường phối hợp với các doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh để đào tạo nghề gắn với GQVL; đa dạng các hình thức kết nối cung - cầu lao động…
Phương Anh