Vài năm trở lại đây, đào rừng và mận rừng có sức hút lớn, được nhiều người ưa chuộng tìm mua về chơi Tết bởi vẻ đẹp hoang dã, phong sương mà đằm thắm. Thế nhưng, đằng sau những cành hoa rừng quý hiếm được bày bán trong thành phố là câu chuyện băng rừng, vượt núi hết sức vất vả của những tiểu thương hành nghề săn đào, mận rừng về bán dịp Tết.
Không thể phủ nhận, khi thú chơi đào rừng, mận rừng đang lên ngôi thì nghề săn và buôn bán cây rừng được xem là công việc “hốt bạc”. Để tìm được những cây đào, mận rừng đẹp, trước Tết cả tháng, tiểu thương phải tìm đến các làng bản nơi núi rừng Tây Bắc, tìm những cây thật nguyên sơ. Một cây đào rừng, mận rừng “hàng hiệu” phải có tuổi thọ từ 3-6 năm, thân cây xù xì, bám rêu xanh, trắng như thể đọng tuyết, cành có nhiều búp đang hé lộ, nụ lớn nhưng chưa xòe hoa....
Theo khảo sát, tại các điểm bán đào rừng, mận rừng tại thành phố Vĩnh Yên, phần lớn là những cành đào, mận rừng được thu mua từ các vùng núi như Mộc Châu, Vân Hồ (Sơn La), Sapa (Lào Cai), Sìn Hồ, Phong Thổ (Lai Châu)... Mỗi cành đào rừng, mận rừng có giá từ 500.000 đồng đến hàng triệu đồng, mỗi cây thì có giá đắt hơn từ vài triệu đồng đến hàng chục triệu đồng tùy thuộc vào hình dáng và ngoại hình, độ lâu năm của cây.

Đào rừng hút khách bởi cánh hoa to, dày, màu phớt hồng đẹp mắt và lâu tàn nên chơi được rất lâu.
Chúng tôi gặp anh Phạm Văn Chính, quê ở thành phố Lai Châu (tỉnh Lai Châu), tiểu thương bán đào rừng tại chợ hoa Tết thành phố Vĩnh Yên để tìm hiểu về những câu chuyện “săn” đào rừng đầy vất vả, gian nan.
Sau khi hỏi chuyện một hồi lâu, anh Chính mới tiết lộ: “Đào rừng Lai Châu có thể thu mua từ người dân bản địa ở các huyện Sìn Hồ, Tam Đường từ trước Tết cả tháng bởi họ sẽ mang đào đến cạnh đường quốc lộ để bán. Ngoài việc thu mua đào tại đây, chúng tôi cũng tự vượt rừng, vào tận trong bản sâu để tìm đào đẹp, những lúc đấy thì hết sức vất vả”.

Đường vào các bản vùng cao thu mua đào rừng của tiểu thương rất khó khăn, lầy lội
Với 8 năm trong nghề, từ tháng 11 âm lịch hằng năm là thời điểm anh Chính cùng các anh em trong nghề bắt đầu lặn lội đến các bản làng vùng cao của tỉnh Lai Châu tìm mua đào. Không giống như đào dưới miền xuôi, hầu hết đào ở đây được người dân trồng trên nương, triền núi hay bìa rừng nên đường đi rất khó, nhỏ hẹp và lầy lội.
Hơn nữa, để có những gốc đào đẹp, ưng ý, anh Chính phải di chuyển đến nhiều địa điểm khác nhau. Cuộc hành trình đôi khi kéo dài trong vài ngày nên anh thường xin nấu cơm và ăn nghỉ luôn ở nhà người dân trong bản.
“Đáng nhớ nhất là có một lần tôi phát hiện ra cây đào nằm ở vách núi cheo leo, nhưng thế và dáng của cây thì tuyệt đẹp. Vì cố tìm cách bứng cả rễ lẫn thân về mà tôi suýt ngã xuống núi. Còn những tai nạn như trẹo chân, trầy xước tay chân cũng nhiều không kể hết được. Làm nghề này vất vả thật, nhưng khi mang được đào về thì mừng lắm” - anh Chính chia sẻ.

Tiểu thương cẩn thận vận chuyển đào rừng sau khi thu mua thành công từ một gia đình đồng bào người Dao, xã Tả Phìn, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu.
Bên cạnh đào rừng, những cành mận rừng trắng muốt cũng hút khách chơi Tết không kém. Anh Đỗ Văn Công, phường Khai Quang, thành phố Vĩnh Yên, tiểu thương buôn mận rừng ngày Tết cũng chia sẻ, anh cũng phải vào tận các nhà vườn ở các bản vùng núi ở huyện Mộc Châu, Vân Hồ (tỉnh Sơn La) để săn mận rừng từ trước Tết âm lịch 1 tháng. Những chuyến tìm mận rừng ấy đã để lại trong anh rất nhiều kỷ niệm.

Mận được trồng nhiều trên các vùng đồi ở Mộc Châu (Sơn La).
Anh Công chia sẻ: “Mỗi chuyến đi săn tìm cây mận, đào rừng bán dịp Tết tôi thường đi cùng 3 người nữa để hỗ trợ tìm cây cũng như vận chuyển. Có lần tôi tìm được một cây mận rừng tuổi đời 15 năm xù xì, rêu mốc, ra hoa rất đẹp ở xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ nhưng để bứng cây cũng như vận chuyển cũng phải cần đến 4 - 5 người khiêng. Hơn nữa, con đường từ bản dẫn đến đường quốc lộ rất cheo leo và trơn trượt, giữa đường còn có mưa lớn, sương lạnh rơi nhiều, nhiệt độ trên núi cao lại thấp nên ai nấy vừa ướt vừa lạnh. Với nhiều cố gắng, rất may sau chuyến đi, cây mận được đưa về còn nguyên vẹn, không bị gãy cành và được bán thành công với giá 7 triệu đồng”.

Những gốc mận lâu năm có giá rất cao, không chỉ bởi hình dáng độc đáo, già cỗi mà còn bởi người thu mua mất rất nhiều thời gian, công sức để tìm và vận chuyển.
Dù giá đào rừng, mận rừng khá cao nhưng anh Chính, anh Công đều cho rằng nghề săn đào, mận rừng bán Tết cũng phụ thuộc vào may rủi, năm được, năm mất. Có năm trúng vụ, buôn bán thuận lợi có thể lãi được cả trăm triệu đồng nhưng cũng có năm, người bán trắng tay, thậm chí thua lỗ nặng.
“Năm nay, mận rừng có giá từ 1,6 - 6 triệu đồng tùy vào dáng cây, cành, giá thấp hơn năm ngoái nhưng việc tiêu thụ lại diễn ra khá chậm. Ngoài ra, khi chúng tôi đi lên các bản vùng cao, mận mới có nụ nhưng nếu thời tiết thay đổi thất thường, mận không nở hoa đúng thời điểm chơi Tết thì coi như toàn bộ số mận rừng sẽ phải bỏ đi, coi như mất Tết”. Anh Công nói thêm.
Bài, ảnh: Thảo My