Mới đây, UBND tỉnh đã ban hành “Đề án Phát triển thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030” với mục tiêu đến năm 2025 đưa tỉnh Vĩnh Phúc là tỉnh có thị trường thương mại điện tử (TMĐT) phát triển, chỉ số TMĐT duy trì thuộc nhóm 15 tỉnh dẫn đầu của cả nước.
Người dân Vĩnh Phúc ngày càng sử dụng phương thức mua sắm trực tuyến trên sàn TMĐT nhiều hơn.
Phấn đấu đến năm 2030 đưa tỉnh Vĩnh Phúc là tỉnh có thị trường TMĐT phát triển, chỉ số TMĐT thuộc nhóm 10 tỉnh dẫn đầu của cả nước. Các chỉ tiêu đạt được phải cao hơn mục tiêu chung của cả nước.
Mục tiêu cụ thể đến năm 2025 đạt khoảng 55% người dân trên địa bàn 2 thành phố Vĩnh Yên, Phúc Yên và 30% người dân trên địa bàn các huyện tham gia mua sắm trực tuyến; doanh số TMĐT B2C (tính cho cả hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trực tuyến) chiếm hơn 10% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của tỉnh.
Đến năm 2030 đạt khoảng 80% người dân trên địa bàn 2 thành phố Vĩnh Yên, Phúc Yên và 50 - 60% người dân trên địa bàn các huyện tham gia mua sắm trực tuyến; doanh số TMĐT B2C (tính cho cả hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trực tuyến) chiếm hơn 20% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của tỉnh.
Để hoàn thành mục tiêu trên, tỉnh dự kiến bố trí nguồn kinh phí hơn 20 tỷ đồng, bao gồm hơn 60% nguồn ngân sách Trung ương, ngân sách cấp tỉnh, còn lại là nguồn vốn xã hội hóa.
Đồng thời, triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp như xây dựng chương trình, các cơ chế nhằm thúc đẩy phát triển TMĐT trên nên tảng chuyển đổi số, phát triển kinh tế số; nâng cao năng lực quản lý và tổ chức hoạt động TMĐT, đấu tranh chống các hành vi gian lận thương mại và cạnh tranh không lành mạnh trong TMĐT.
Phát triển thị trường TMĐT bền vững và xây dựng lòng tin của người tiêu dùng với TMĐT. Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh ứng dụng TMĐT và tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát, phát huy vai trò các hội, hiệp hội ngành nghề trong tỉnh và hỗ trợ quá trình chuyển đổi số của người dân, doanh nghiệp.
Tin, ảnh: Nguyễn Khánh