Phát huy lợi thế về vị trí địa lý, đất đai và chính sách thu hút đầu tư thông thoáng của tỉnh, những năm qua, Vĩnh Phúc đã thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư các dự án đô thị, công nghiệp, dịch vụ hiện đại, hướng tới trở thành trung tâm đô thị công nghiệp, dịch vụ hiện đại của cả nước.
Với hạ tầng đồng bộ, Khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc thu hút các dự án đầu tư có hàm lượng khoa học công nghệ cao, thân thiện với môi trường. Ảnh: Nguyễn Lượng
Với những chính sách ưu tiên phát triển công nghiệp, giai đoạn 2015 - 2025, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh chiếm hơn 70% tổng giá trị sản xuất của tỉnh. Tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2020 - 2022 đạt 8,8%/năm (Vĩnh Phúc là 1 trong nhóm 10 địa phương tăng trưởng cao nhất cả nước).
Sản phẩm công nghiệp chủ yếu giai đoạn 2020 - 2024 tăng từ 11% đến hơn 22%/năm. Năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng hơn 11,43% so với năm 2023; chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,91%; chỉ số tồn kho giảm 34,24% so với cùng kỳ 2023.
Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu năm 2024 đề ra mục tiêu phấn đấu trở thành một tỉnh công nghiệp phát triển - một trong những trung tâm đô thị, công nghiệp, dịch vụ hiện đại của vùng và cả nước gắn với phát triển bền vững; khai thác hiệu quả vị trí, tiềm năng và lợi thế của tỉnh, nâng cao chất lượng tăng trưởng ngành công nghiệp.
Mục tiêu phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP ngành công nghiệp bình quân đạt 13,5 - 14%/năm; năng suất lao động tăng bình quân 8,3%/năm; tỷ trọng kinh tế công nghiệp tiếp tục được nâng cao. Đến năm 2030, GRDP ngành công nghiệp đạt 120 nghìn tỷ đồng, chiếm 54,2% GRDP toàn tỉnh.
Vùng đô thị công nghiệp trung tâm tỉnh bao gồm địa bàn thành phố Vĩnh Yên, huyện Vĩnh Tường, Yên Lạc, Tam Dương, một phần thành phố Phúc Yên (trừ xã Ngọc Thanh) và một phần huyện Bình Xuyên (trừ xã Trung Mỹ).
Đây là khu vực có quỹ đất lớn, hạ tầng giao thông, năng lượng phát triển, có thể sử dụng các dịch vụ sẵn có từ thành phố Vĩnh Yên, thuận lợi cho phát triển đô thị, dịch vụ, thuận lợi cho hình thành các KCN, các trung tâm thương mại cấp vùng, trong khu vực có khu du lịch Đại Lải, đầm Vạc, hệ thống di tích lịch sử - văn hóa, có cảnh quan đẹp.
Trong đó, tỉnh tập trung phát triển thành phố Vĩnh Yên đóng vai trò là đô thị động lực của vùng đô thị - công nghiệp - thương mại, dịch vụ; có vai trò là trung tâm kinh tế - chính trị của tỉnh, đồng thời là một trung tâm đô thị, công nghiệp, thương mại, dịch vụ của vùng đồng bằng sông Hồng.
Tỉnh xác định các đô thị động lực gồm thành phố Vĩnh Yên - Phúc Yên và thị xã Vĩnh Tường trong thời kỳ 2021 - 2030 có vai trò lớn hơn trong đóng góp vào tỷ trọng giá trị kinh tế toàn tỉnh.
Dây chuyền sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty TNHH Star Engineer, Khu công nghiệp Bình Xuyên. Ảnh: Nguyễn Lượng
Vùng đô thị trung tâm sẽ đóng vai trò trọng yếu trong thúc đẩy đô thị hóa, công nghiệp hóa, chuyển dịch cơ cấu lao động trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của tỉnh. Qua đó thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu phạm vi toàn vùng tỉnh.
Vì vậy, tập trung quy hoạch, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị tại các phường, xã phía Nam của tỉnh, mở rộng quy mô đô thị, thúc đẩy đô thị hóa, hình thành các trung tâm thương mại, dịch vụ, các khu đô thị mới.
Quá trình phát triển các đô thị mới tại Nam Vĩnh Yên, Bình Xuyên, Vĩnh Tường và Ngọc Thanh được điều hành phát triển trong mối tương quan với tiến độ thu hút đầu tư phát triển các KCN, CCN Nam Bình Xuyên - Yên Lạc và Tam Dương.
Trên cơ sở quy hoạch mới, tạo địa bàn phát triển mới ở thành phố, tổ chức thu hút đầu tư, thúc đẩy mở rộng quy mô, nâng cấp phát triển thương mại, dịch vụ trên địa bàn.
Đầu tư các công trình hạ tầng lớn, có vai trò thúc đẩy thành phố phát triển gồm các tuyến đường kết nối với Hà Nội tại khu vực Yên Lạc - Vĩnh Tường, đường vành đai 5, đường kết nối Mê Linh sang Bình Xuyên, QL 2...
Xây dựng các trục đường, phố chính đô thị theo quy hoạch nhằm kết nối các phường nội thị (đô thị lõi) với các xã, phường nhằm sớm hình thành hệ thống hạ tầng khung đô thị, tạo động lực phát triển cho khu vực trung tâm tỉnh.
Quy hoạch, mở rộng, đầu tư hạ tầng kỹ thuật các KCN phía Nam Bình Xuyên, thu hút các ngành nghề công nghiệp công nghệ cao, thúc đẩy chuyển dịch lao động sang khu vực phi nông nghiệp, nâng cao năng suất lao động chung, thúc đẩy đô thị hóa ra các khu vực lân cận thành phố Vĩnh Yên và Phúc Yên.
Đặc biệt, sau khi cảng cạn ICD Hương Canh đi vào hoạt động sẽ tạo động lực phát triển cho các KCN, CCN tại Bình Xuyên, Tam Dương và Yên Lạc tăng mạnh.
Trên cơ sở quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh chủ trương “Lấy phát triển công nghiệp làm trụ cột nền kinh tế”, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch bổ sung thực hiện “Chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021 - 2030” và “Đề án thu hút nhà đầu tư chiến lược đến đầu tư tại tỉnh đến năm 2030”... Trong đó, xác định 40 nhiệm vụ và giải pháp cụ thể giao cho các cơ quan, đơn vị, người đứng đầu sở, ngành, địa phương thực hiện triển khai xúc tiến đầu tư của tỉnh.
Giai đoạn 2021 - 2030, tỉnh tập trung thu hút các dự án có hàm lượng khoa học công nghệ cao, thân thiện với môi trường, đóng góp lớn cho phát triển kinh tế - xã hội; các dự án có khả năng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu; các dự án trong các lĩnh vực lợi thế như công nghiệp hỗ trợ của ngành sản xuất, lắp ráp ô tô, xe máy, điện tử; công nghệ cao… thu hút mỗi năm thêm 20 - 25 dự án FDI thứ cấp với tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm 300 - 450 triệu USD; 10 - 12 dự án DDI thứ cấp với tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm 500 - 700 tỷ đồng/năm.
Với quyết tâm cao và thực hiện quyết liệt các giải pháp đã đề ra, phát triển Vĩnh Phúc trở thành trung tâm đô thị công nghiệp, dịch vụ hiện đại của vùng và cả nước đang trở thành hiện thực trong tương lai gần.
Xuân Nguyễn