Để các lễ hội đầu Xuân diễn ra an toàn, văn minh, góp phần bảo tồn và tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống, ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch tích cực phối hợp với các cấp, ngành, chính quyền địa phương tăng cường quản lý Nhà nước trong công tác tổ chức lễ hội; đẩy mạnh tuyên truyền nhân dân và du khách thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh khi tham gia lễ hội.
Là vùng đất có bề dày lịch sử, huyện Vĩnh Tường có hệ thống di tích lịch sử, văn hóa và lễ hội truyền thống phong phú, đặc sắc. Mỗi dịp Xuân về là thời điểm các lễ hội diễn ra sôi nổi nhất, thu hút đông đảo sự tham gia của nhân dân cũng như du khách thập phương.
Để các lễ hội đầu Xuân năm 2025 diễn ra văn minh, lành mạnh, tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong nhân dân, huyện Vĩnh Tường đã ban hành văn bản tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội; xây dựng kế hoạch, chú trọng thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội.
Màn trình diễn "Trâu rơm, bò rạ" cầu cho một năm mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu trong lễ hội truyền thống đầu Xuân tại xã Đại Đồng (Vĩnh Tường). Ảnh: Trà Hương
Đồng chí Nguyễn Thanh Tùng, Phó trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Vĩnh Tường cho biết: “Thực hiện chỉ đạo của UBND huyện, Phòng Văn hóa - Thông tin phối hợp chặt chẽ với các địa phương xây dựng phương án, kế hoạch tổ chức các lễ hội đảm bảo an toàn, văn minh, tiết kiệm, hiệu quả, phù hợp với tính chất, đặc điểm lịch sử của di tích và thuần phong mỹ tục; tăng cường tuyên truyền các văn bản, quy định của Nhà nước, của tỉnh về thực hiện nếp sống văn minh trong công tác tổ chức lễ hội đến toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra và quản lý chặt chẽ các dịch vụ văn hóa diễn ra trong lễ hội, phát hiện và xử lý kịp thời những hành vi vi phạm trong lĩnh vực văn hóa, các hoạt động mê tín dị đoan; bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng, chống cháy nổ…”.
Trên địa bàn tỉnh có gần 400 lễ hội, chủ yếu thuộc các loại hình lễ hội truyền thống, lễ hội văn hóa, lễ hội ngành nghề. Trong đó có nhiều lễ hội tiêu biểu, thu hút số lượng lớn nhân dân và du khách tham dự như lễ hội Kéo song, huyện Bình Xuyên; lễ hội đền Ngự Dội, huyện Vĩnh Tường; lễ hội Đúc bụt, huyện Tam Dương; lễ hội Đả cầu cướp phết, huyện Lập Thạch; lễ hội Chọi trâu, huyện Sông Lô…
Cùng với phục dựng, bảo tồn nét đẹp truyền thống của các lễ hội, những năm qua, công tác quản lý và tổ chức lễ hội luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm chỉ đạo và đạt được những chuyển biến tích cực.
Hầu hết các lễ hội đã thực hiện tốt quy định của Nhà nước; hoạt động lễ hội ngày càng đi vào nền nếp, nội dung lễ hội phong phú, đa dạng, thiết thực, đảm bảo phát huy truyền thống văn hóa, thực hiện nếp sống văn minh.
Các nghi lễ được tiến hành trang trọng trên cơ sở bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, loại bỏ hoặc thay thế những tập tục không còn phù hợp; phần hội đảm bảo vui tươi, lành mạnh, với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ dân gian truyền thống phù hợp với quy mô, tính chất, đặc điểm lịch sử của di tích, thuần phong mỹ tục và tình hình kinh tế - xã hội của địa phương.
Các lễ hội đã tạo điểm nhấn quan trọng để thu hút du khách đến Vĩnh Phúc, góp phần phát triển du lịch - dịch vụ, nâng cao thu nhập cho người dân, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống độc đáo của dân tộc.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tổ chức lễ hội trên địa bàn tỉnh còn một số hạn chế như công tác tuyên truyền về giá trị, ý nghĩa của lễ hội chưa thực sự được chú trọng; ý thức, trách nhiệm của người dân về xây dựng môi trường văn hóa, văn minh trong lễ hội còn hạn chế; một số lễ hội còn tình trạng chen lấn, tranh cướp, tăng giá dịch vụ; việc thắp hương, đặt tiền lễ nơi thờ tự có lúc, có nơi còn chưa theo quy định…
Để khắc phục những hạn chế, đảm bảo các lễ hội đầu Xuân năm 2025 diễn ra an toàn, hiệu quả, phù hợp với nếp sống văn minh, truyền thống văn hóa của dân tộc và phong tục, tập quán tốt đẹp của từng địa phương, tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho nhân dân, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã có văn bản đề nghị UBND các huyện, thành phố phối hợp, chỉ đạo phòng chuyên môn và UBND các xã, phường, thị trấn tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội Xuân.
Trong đó chú trọng tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, nhân dân và du khách trong thực hiện quy định của Nhà nước về tổ chức lễ hội; nâng cao hiểu biết của nhân dân về nguồn gốc của lễ hội, di tích và các nhân vật được thờ phụng, tôn vinh; nâng cao ý thức, nhận thức của nhân dân về thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh trong hoạt động lễ hội gắn với làm tốt công tác bảo vệ, giữ gìn di tích, danh lam thắng cảnh.
Đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các vi phạm, hành vi không phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc; có phương án đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng, chống cháy nổ, bảo vệ, giữ gìn di tích, bảo đảm an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường tại các lễ hội…
Lê Mơ