Kính thưa toàn thể cử tri và nhân dân tỉnh nhà!
Hôm nay, HĐND tỉnh tổ chức Kỳ họp thứ 19, để đánh giá tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2024, quyết định phương hướng, nhiệm vụ năm 2025; dự kiến ban hành 32 nghị quyết và quyết định theo thẩm quyền.
Thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy, tôi chúc Kỳ họp thứ 19 HĐND tỉnh hoàn thành tốt nội dung, chương trình họp với chất lượng cao nhất!
Thưa các quý vị đại biểu, thưa toàn thể cử tri và Nhân dân!
Chỉ còn 3 tuần nữa là khép lại năm 2024, một năm chúng ta có nhiều khó khăn, thách thức chưa từng có, với những biến động lớn về nhân sự, tốc độ tăng trưởng của năm 2023 thấp, thu ngân sách giảm sâu, chỉ đạt 77,4% so với dự toán.
Được sự quan tâm của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ban, ngành trung ương và sự nỗ lực của Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương, chúng ta đã sớm ổn định tình hình, kiện toàn bộ máy, duy trì tốt công việc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Trong số 15 chỉ tiêu đặt ra cho năm 2024 về kinh tế - xã hội, có 14/15 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch đề ra.
(1). Trong đó, tốc độ tăng GRDP đã tăng trở lại, đạt 7,52% so với cùng kỳ, cao hơn tốc độ tăng bình quân chung của cả nước (6,8-7%) và đứng thứ 28/63 tỉnh, thành phố (trong khi năm 2023, tỉnh ta đứng thứ 55/63 cả nước).
Quy mô GRDP theo giá hiện hành tăng gần 10%, ước đạt khoảng 173 nghìn tỷ đồng; GRDP bình quân đầu người ước đạt 140-141 triệu đồng, vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra (từ 130-135 triệu đồng/người). Thu nhập bình quân đầu người thuộc nhóm khá của cả nước. Thu ngân sách đạt chỉ tiêu Trung ương giao và chặn được đà sụt giảm.
(2). Thu hút đầu tư tiếp tục được duy trì và đạt kết quả cao, đặc biệt là thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI đạt 600 triệu USD, tăng 150% so với kế hoạch, qua đó tiếp tục khẳng định niềm tin của các nhà đầu tư đối với tỉnh.
(3). Vĩnh Phúc tiếp tục giữ vị trí nhóm đầu cả nước về chất lượng giáo dục và thực hiện chính sách an sinh xã hội; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới toàn tỉnh còn 0,44%. Đặc biệt, tỉnh đã có nguồn lực để thực hiện việc miễn học phí cho trẻ em mầm non và tất cả học sinh trên địa bàn, Nhân dân phấn khởi và đồng tình ủng hộ rất cao.
(4). Xây dựng nông thôn mới tiếp tục được quan tâm, chú trọng. Đến nay, toàn tỉnh có 4/9 huyện, thành phố được công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; 42 xã đạt nông thôn mới nâng cao.
(5). An ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm. Hoạt động của chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội có chuyển biến tích cực.
(6). HĐND tỉnh đã tăng cường giám sát việc triển khai chính sách pháp luật và kết quả thực hiện các Nghị quyết đã ban hành. Các đại biểu HĐND qua tiếp xúc cử tri đã chuyển tải nhiều nguyện vọng, kiến nghị của cử tri, cùng góp ý, xây dựng chính quyền, triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội,…
Kính thưa các vị đại biểu, cử tri và Nhân dân trong tỉnh!
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém đã được thẳng thắn chỉ ra trong các báo cáo trình Kỳ họp lần này, trong đó:
(1). Thu nội địa ước đạt 25.068 tỷ đồng, bằng 95,1% so với dự toán. Dự báo những năm tiếp theo sẽ tiếp tục gặp khó khăn, nếu không nỗ lực, cố gắng và có các giải pháp hiệu quả thúc đẩy đầu tư, sản xuất, kinh doanh.
(2). Năng lực quản lý, điều hành và hiệu lực, hiệu quả hoạt động của một số cơ quan nhà nước cả ở tỉnh, huyện, xã còn yếu. Sự phối hợp giữa các cấp, các ngành, các địa phương có lúc, có nơi thiếu chặt chẽ. Cải cách hành chính còn nhiều hạn chế ở cả 6 nội dung, điển hình: Dịch vụ công trực tuyến trên toàn tỉnh đạt tỷ lệ thấp, mới đạt 41,22% (trong đó, một số sở, ngành có tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến rất thấp như: Sở Tài nguyên và Môi trường chưa đến 3%; Sở Lao động, Thương binh và Xã hội gần 4%; Sở Tư pháp gần 20%).
(3). Tình trạng ô nhiễm môi trường đã được chỉ ra, bàn nhiều nhưng vẫn chưa có giải pháp khắc phục hiệu quả, nhất là:
- Tình trạng ô nhiễm môi trường nguồn nước mặt trên các sông, hồ, đầm, do một số nguồn nước thải sinh hoạt chưa được xử lý trước khi thải ra môi trường tự nhiên.
- Vấn đề xử lý chất thải rắn sinh hoạt chưa được giải quyết, thiếu nhà máy xử lý rác thải tập trung. Hiện nay, chỉ có 12% lượng chất thải rắn sinh hoạt được xử lý qua nhà máy xử lý rác (với công nghệ cũ), một phần được xử lý bằng lò đốt quy mô cấp xã và phần lớn được xử lý bằng chôn lấp thủ công và tự đốt, không đảm bảo vệ sinh môi trường.
(4). Theo số liệu thống kê báo cáo của HĐND tỉnh, từ đầu nhiệm kỳ đến nay (từ tháng 8/2021 đến tháng 11/2024), HĐND tỉnh ban hành là 313 nghị quyết, trong đó có nhiều nghị quyết về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội.
Có thể khẳng định, những cơ chế, chính sách hướng đến người dân được phát huy rất hiệu quả như là: (1) hỗ trợ đối với hộ nghèo, học sinh, học viên thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; (2) chính sách về miễn học phí cho trẻ em mầm non, học sinh phổ thông; (3) cơ chế hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép trên địa bàn tỉnh; (4) cơ chế đặc thù trong công tác giải phóng mặt bằng, xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu...
Tuy nhiên, có nghị quyết của HĐND tỉnh ban hành nhưng thiếu giám sát dẫn đến tình trạng một số nghị quyết chưa thật sự hiệu quả, chưa đi vào cuộc sống. HĐND tỉnh chưa thực sự tập trung nhiều vào công tác giám sát, góp ý, kiến nghị với UBND tỉnh tập trung giải quyết, những kiến nghị của cử tri. UBND tỉnh và một số địa phương cũng chưa thật sự vào cuộc để giải quyết kịp thời nguyện vọng chính đáng của Nhân dân, cử tri.
Kính thưa quý vị đại biểu!
Tại kỳ họp này, HĐND tỉnh sẽ thảo luận nhiều nội dung để xác định chỉ tiêu, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2025. Đây là năm cuối nhiệm kỳ và là năm phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu, tạo nền tảng vững chắc để vững vàng, tự tin cùng cả nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Cả hệ thống chính trị tỉnh nhà sẽ vận hành với tinh thần mới, cán bộ phải quyết tâm hành động, đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm thì mới tạo ra động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân. Do vậy, tại kỳ họp này, đề nghị HĐND tỉnh, UBND tỉnh và các địa phương thông qua các Tổ đại biểu HĐND tỉnh quan tâm một số vấn đề sau:
1. Đề nghị các vị đại biểu HĐND tỉnh tập trung phân tích, nghiên cứu các báo cáo, đánh giá khách quan, thảo luận kỹ, toàn diện hơn nữa kết quả thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh năm 2024 gắn với đánh giá việc thực hiện các mục tiêu Nghị quyết Đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Nhất là những hạn chế, yếu kém, tồn tại, khó khăn, vướng mắc... Trên cơ sở đó, đề xuất chủ trương, giải pháp phù hợp để tập trung lãnh đạo, triển khai thực hiện, đảm bảo hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, làm cơ sở xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của năm 2025, năm cuối của nhiệm kỳ.
2. Thực hiện chủ trương của Trung ương, hiện nay, tỉnh ta đang tập trung sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Theo định hướng đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho chủ trương: Tỉnh ta sẽ kết thúc và giải thể 12 tổ chức Đảng, thành lập 2 đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy; hợp nhất 2 ban xây dựng Đảng; kết thúc nhiệm vụ của 1 sở; hợp nhất 10 sở, cơ quan và tương đương; hợp nhất 5 Ban Quản lý dự án cấp tỉnh còn 3 ban; nhập 4 công ty do Nhà nước quản lý thành 1 công ty. Như vậy, sau sắp xếp sẽ giảm được 15 tổ chức đảng, 1 ban đảng, 6 sở và giảm 6 đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước cấp tỉnh.
Chủ trương tinh gọn tổ chức, bộ máy được xem như cuộc Cách mạng, được Nhân dân đồng tình, ủng hộ và rất mong chờ kết quả. Tỉnh ta sẽ hoàn thành sớm, trước khi tiến hành Đại hội Đảng bộ cấp huyện và cấp tỉnh. Việc tinh gọn tổ chức bộ máy chắc chắn sẽ “đụng chạm” đến lợi ích của một số cơ quan, tổ chức và cá nhân. Song, như đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đã nói: "Đây là vấn đề rất cấp bách, bắt buộc phải làm, càng làm sớm càng có lợi cho dân, cho nước''. Vì vậy, qua Kỳ họp HĐND tỉnh tôi đề nghị UBND tỉnh - cơ quan chấp hành của HĐND tỉnh cần phải quyết tâm cao trong sắp xếp, tinh gọn bộ máy; động viên cán bộ, công chức, viên chức, người lao động phải nâng cao quyết tâm, trách nhiệm, chấp nhận hy sinh lợi ích cá nhân, nhường lại vị trí cho người khác được giao nhiệm vụ theo chủ trương sắp xếp, tinh gọn và coi đó như một sự cống hiến cho sự nghiệp phát triển của quê hương, đất nước.
Đề nghị HĐND tỉnh, các đại biểu HĐND tỉnh và HĐND các cấp thống nhất và quyết tâm, quyết liệt thực hiện chủ trương này, đồng thời lan tỏa đến Nhân dân và cử tri để tạo sự đồng thuận, ủng hộ của các tầng lớp Nhân dân. Đề nghị HĐND tỉnh giám sát việc thực hiện bảo đảm công khai, minh bạch, nhất là trong bố trí cán bộ, thực hiện cơ chế, chính sách của Trung ương khi sắp xếp, tinh gọn bộ máy. Đề nghị HĐND tỉnh sớm ban hành chính sách thuộc thẩm quyền cho những trường hợp vì lợi ích chung, thôi làm việc trong cơ quan hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Đồng thời tiếp tục nỗ lực triển khai đồng bộ các giải pháp, tăng cường công tác phối hợp để trước hết là hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ của mình và hoàn thành nhiệm vụ chung của tỉnh như chủ trương của Trung ương, đó là “Bộ máy mới phải tốt hơn bộ máy cũ và đi vào hoạt động ngay, không để ngắt quãng công việc, không để khoảng trống về thời gian, không để bỏ trống địa bàn, lĩnh vực; không để ảnh hưởng đến các hoạt động bình thường của xã hội, của người dân.”. Nhân đây, tôi kêu gọi toàn thể cán bộ, công chức, viên chức nêu cao tinh thần trách nhiệm vì sự nghiệp chung, chấp hành tốt các chủ trương, quyết định về sắp xếp, tinh gọn bộ máy, không ảnh hưởng đến công việc của địa phương và xã hội, không để ảnh hưởng đến công việc chung của cơ quan, đơn vị, địa phương, người dân và xã hội.
3. Trung ương xác định: Với những thành tựu sau 40 năm đổi mới và thời cơ, vận hội mới, chúng ta sẽ bước sang kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, thực hiện thắng lợi các mục tiêu 100 năm thành lập Đảng, hướng tới hiện thực hóa tầm nhìn đến năm 2045, hoàn thành mục tiêu 100 năm thành lập nước; xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Muốn vươn mình phát triển phải có giải pháp đột phá, Tổng Bí thư Tô Lâm đã yêu cầu: "Đột phá mạnh mẽ hơn về thể chế phát triển, tháo gỡ điểm nghẽn, rào cản, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm… tất cả vì sự phát triển kinh tế - văn hóa, xã hội của đất nước và phát triển nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân".
Hiện nay, Trung ương đã đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; nhiều quy định pháp luật đã được sửa đổi nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cấp thiết về thể chế, đơn giản hóa thủ tục hành chính với phương châm: “Địa phương quyết, địa phương làm, địa phương tự chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Trung ương, Quốc hội, Chính phủ giữ vai trò kiến tạo, tăng cường hoàn thiện thể chế và kiểm tra, giám sát; bảo đảm rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ kết quả; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, không để đùn đẩy trách nhiệm, tránh tạo cơ chế xin - cho”.
Do vậy, tôi đề nghị UBND tỉnh bám sát quy định pháp luật và nhiệm vụ để chủ động công việc, quyết định theo thẩm quyền, đảm bảo công khai, minh bạch, nâng cao trách nhiệm giải trình, không đùn đẩy, sợ trách nhiệm. Phải xác định những việc lớn lao với tầm nhìn xa, rộng, đột phá, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế (UBND tỉnh đặt ra chỉ tiêu tăng trưởng 8-9% trong năm 2025, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thống nhất với chỉ tiêu này bởi chúng ta đang còn rất nhiều khó khăn, thách thức, tuy nhiên phải nỗ lực hết mình, phấn đấu đạt mức tăng trưởng 2 con số, tăng thu ngân sách địa phương…) để đưa Vĩnh Phúc vươn mình cùng cả nước, phải là tỉnh giàu có, phồn vinh, đô thị, nông thôn hiện đại, văn minh, thông minh, xanh, sạch, đẹp; đời sống người dân ngày càng được nâng lên.
HĐND tỉnh cần tăng cường công tác thẩm tra, giám sát, đồng hành cùng UBND tỉnh trong quyết định những chủ trương thuộc thẩm quyền.
4. Cùng với việc nghĩ đến những công việc lớn với tầm nhìn xa, rộng, đột phá như nêu ở trên, chúng ta phải đồng thời tập trung giải quyết những công việc còn tồn đọng, những bất cập từ thực tiễn.
Ví dụ như: Việc đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn quá nhiều dự án với nguồn vốn vượt quá khả năng ngân sách của Vĩnh Phúc (57.000 tỷ đồng); hiện nay mới chỉ bố trí được hơn 47.000 tỷ đồng, còn thiếu 9.600 tỷ đồng không có nguồn để bố trí. Điều đó có nghĩa là phải cắt bỏ, không đầu tư nhiều dự án; điều chỉnh giảm đầu tư nhiều dự án hoặc kéo dài thời gian thực hiện nhiều dự án sang giai đoạn trung hạn sau. Dù thực hiện theo cách nào thì cũng làm hạn chế, suy yếu hiệu quả đầu tư; làm cho dự án không đạt được hiệu quả như ban đầu hoặc chậm phát huy hiệu quả do kéo dài thời gian đầu tư.
Do vậy, phải tính toán đề xuất các dự án cần thiết, tiết kiệm, hiệu quả; thực hiện dự án nào thì hoàn thành dứt điểm dự án đó, bố trí đủ vốn; thời gian đầu tư, thi công ngắn, sớm đưa vào sử dụng để phát huy hiệu quả với phương châm: Đầu tư công dẫn dắt và kích hoạt đầu tư tư, một đồng đầu tư công phải thu hút được nhiều đồng đầu tư tư. Phải rà soát các dự án chậm triển khai, đầu tư nhiều năm chưa hoàn thành như: Dự án công viên thành phố Vĩnh Yên (từ năm 2014); dự án Trường cao đẳng Văn hoá nghệ thuật (từ năm 2009); dự án đường Nguyễn Tất Thành đoạn qua thành phố Phúc Yên (từ năm 2010 đến nay vẫn chưa hoàn thiện, quyết toán); dự án đường song song đường sắt tuyến phía Nam thành phố Vĩnh Yên từ năm 2015 đến nay vẫn chưa thông tuyến...; sớm hoàn thành thủ tục thanh toán, quyết toán, đưa các dự án vào sử dụng hoặc duy tu sửa chữa tiếp để khai thác hiệu quả.
Một điểm nữa, trong thời gian qua, tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư nhiều dự án đầu tư ngoài ngân sách trên nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, cử tri phản ánh và bảy tỏ sự bức xúc khi có nhiều dự án không triển khai, chậm triển khai. Chẳng hạn, trong lĩnh vực đô thị, nhà ở có 80 dự án với tổng số vốn đăng ký trên 60.000 tỷ đồng, diện tích sử dụng đất khoảng 2.000 ha, thì có 47 dự án với vốn đã đăng ký khoảng 44.000 tỷ đồng và diện tích sử dụng là 1.350 ha chậm tiến độ. Có dự án khởi công với sự chứng kiến của nhiều lãnh đạo nhưng sau 7 năm vẫn không triển khai dù không hề có trở ngại gì, đến nay, tỉnh phải thu hồi chủ trương đầu tư.
Thực trạng trên đã làm lãng phí nguồn lực đất đai vốn rất nhỏ hẹp của Vĩnh Phúc và làm sai lệch các tính toán trong hoạch định chính sách của địa phương. Bên cạnh đó, nhiều dự án khu đô thị hiện chưa hoàn thiện hạ tầng khiến việc kết nối đô thị không đồng bộ, mất mỹ quan, không đảm bảo an toàn và điều kiện sống của người dân, làm sụt giảm các chỉ số phát triển đô thị văn minh của Vĩnh Phúc. Do vậy, UBND tỉnh phải rà soát các dự án chậm triển khai, không triển khai theo quyết định chủ trương đầu tư để xử lý vi phạm, thu hồi dự án theo quy định của pháp luật. HĐND tỉnh phải tăng cường giám sát việc thực hiện các Nghị quyết, Quyết định của HĐND tỉnh trong chấp thuận chủ trương đầu tư, về việc sử dụng đất, sử dụng rừng… để có giải pháp chấn chỉnh đầu tư, khai thác và sử dụng tài nguyên đất đai, khoáng sản, rừng, … có hiệu quả.
Do vậy, chúng ta phải đổi mới cách tiếp cận thu hút đầu tư, “chuyển trạng thái” từ việc chờ nhà đầu tư đến “xin” để “cho” sang chủ động mời gọi các nhà đầu tư có năng lực, nguồn tài chính đảm bảo, có kinh nghiệm, tâm huyết... để thực hiện các dự án quy mô lớn, đồng bộ, hiện đại, có tính liên kết, giá trị gia tăng cao. Trong thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp phải chú trọng mời gọi các nhà đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ mới, thân thiện với môi trường, như: thiết bị điện tử, bán dẫn, robot, tự động hóa, trí tuệ nhân tạo (AI), dược phẩm sinh học,... gắn với kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và chuỗi giá trị toàn cầu...
5. Thúc đẩy phát triển mạnh mẽ, nâng cao hiệu quả, tăng doanh thu ngành du lịch. Đa dạng hóa sản phẩm, bên cạnh các sản phẩm du lịch hiện có, cần phát triển du lịch văn hóa, lịch sử, vui chơi, giải trí...
Cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, chú ý phát triển nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, sinh thái, an toàn, gắn với chế biến, phát triển chuỗi sản phẩm. Tập trung xây dựng nông thôn mới gắn với nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân sống ở khu vực nông thôn. Chú trọng gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa, truyền thống, tình làng, nghĩa xóm.
6. Tiếp tục quan tâm đầu tư cho giáo dục - đào tạo, nâng cao chất lượng dạy học; không để các trường học xuống cấp mà không được đầu tư sửa chữa, cải tạo. Nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe, khám, chữa bệnh cho Nhân dân và công tác y tế dự phòng. Thực hiện tốt hơn nữa các chính sách an sinh xã hội, chăm lo cho các gia đình chính sách, hỗ trợ gia đình khó khăn, hộ cận nghèo, hoàn thành mục tiêu giúp các gia đình có nhà tạm, nhà dột nát sửa sang nhà cửa, nâng cao chất lượng cuộc sống.
7. Tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh; xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Tập trung xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện. Chủ động nắm bắt tình hình, xử lý kịp thời các vấn đề liên quan đến tôn giáo, dân tộc. Nâng cao chất lượng giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo; giải quyết hiệu quả các vụ việc, vấn đề nổi cộm đã tồn tại nhiều năm.
8. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh có Báo cáo tổng hợp đầy đủ, toàn diện những kiến nghị của cử tri tỉnh nhà. Đây là nguyện vọng và đề xuất chính đáng, xuất phát từ thực tiễn cuộc sống. Do đó, tôi đề nghị lãnh đạo UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành, địa phương nghiên cứu, tiếp thu, nêu cao trách nhiệm, tăng cường sự phối hợp để giải quyết có kết quả các kiến nghị chính đáng của cử tri và Nhân dân. Đề nghị Thường trực HĐND tỉnh, các ban của HĐND tỉnh, các Tổ đại biểu HĐND tỉnh và từng đại biểu HĐND tỉnh chú ý nhiều hơn việc giám sát kết quả giải quyết các kiến nghị, nguyện vọng của cử tri của các cơ quan nhà nước các cấp.
Kính thưa các đại biểu!
Kỳ họp HĐND tỉnh thường lệ cuối năm 2024 rất quan trọng, khối lượng công việc rất lớn. Tôi tin tưởng với tinh thần trách nhiệm, tâm huyết của từng đại biểu, HĐND tỉnh sẽ có những quyết định đúng đắn, phù hợp với điều kiện thực tế, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Vĩnh Phúc trong thời gian tới.
Xin chúc sức khỏe các đại biểu, chúc kỳ họp thành công tốt đẹp.
Xin trân trọng cảm ơn!