Chiều 11/12, Kỳ họp thứ 19, HĐND tỉnh khóa XVII bước vào phiên chất vấn với 3 nhóm vấn đề là giáo dục và đào tạo; công thương; lao động, thương binh và xã hội. Phiên chất vấn diễn ra dân chủ, thẳng thắn, trách nhiệm, có sự trao đổi, tranh luận sôi nổi để làm rõ các vấn đề chất vấn. Các đại biểu HĐND tỉnh thể hiện tinh thần trách nhiệm của người đại biểu nhân dân, nghiên cứu kỹ các nội dung, đặt các câu hỏi ngắn gọn, trọng tâm. Các thành viên UBND tỉnh, thủ trưởng các ngành trả lời rõ ràng, đi thẳng vào kết quả đạt được, những hạn chế, yếu kém, chỉ rõ nguyên nhân, trách nhiệm và có giải pháp cụ thể để khắc phục.
Khắc phục khó khăn, nâng cao chất lượng dạy và học
Chất vấn “tư lệnh” ngành Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Phú Sơn, các đại biểu đặt nhiều câu hỏi xoay quanh những nội dung về công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động dạy và học hiện nay; quản lý biên chế, tuyển dụng và sử dụng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục; trang thiết bị đồ dùng dạy học; xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia; quản lý các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục trong các cơ sở giáo dục công lập; quản lý, phát triển các cơ sở giáo dục ngoài công lập; vấn đề tự chủ của các trường học hiện nay.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Phú Sơn trả lời chất vấn. Ảnh: Khánh Linh
Trả lời câu hỏi của các đại biểu liên quan đến vấn đề học sinh phải học trái tuyến và đầu tư cơ sở vật chất cho ngành Giáo dục, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Phú Sơn cho biết: Trên thực tế, số lượng học sinh vượt chỉ tiêu được chọn, phải đi học trường khác là có nhưng rất ít. Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ sớm phối hợp với Sở Nội vụ thành lập trường THCS mới trên địa bàn phường Khai Quang và phường Liên Bảo để giảm tải cho các trường hiện nay và phù hợp với sự phát triển.
Để có nguồn kinh phí đầu tư cho các trường đại trà, hiện nay, Sở Giáo dục và Đào tạo đã đề xuất tạm dừng việc chuyển địa điểm xây dựng mới các trường chất lượng cao. Đồng thời đề xuất UBND tỉnh quan tâm giải ngân để ngành Giáo dục tiếp tục tăng cường đầu tư cơ sở vật chất phục vụ việc dạy và học.
Liên quan đến biên chế cho ngành Giáo dục, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo chia sẻ: Trong những năm qua, biên chế của ngành đã được quan tâm bố trí, mặc dù còn thiếu, nhưng bằng nhiều giải pháp, ngành Giáo dục đã cơ bản đảm bảo tỷ lệ giáo viên tại các cấp học. Trong thời gian tới, nếu nghị quyết về việc hợp đồng với giáo viên theo quy định của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo được HĐND tỉnh thông qua cũng sẽ tăng cường thêm giáo viên cho các trường.
Trả lời những câu hỏi quan tâm đến vấn đề trang thiết bị dạy học, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Phú Sơn cho biết: Trên cơ sở các danh mục thiết bị dạy học tối thiểu của Bộ, sở sẽ rà soát căn cứ nhu cầu thực tế để tham mưu tỉnh bố trí đầu tư, đồng thời phân cấp việc đầu tư thiết bị theo phân cấp quản lý các trường học.
Theo ông Sơn, hiện nay, tỷ lệ phân luồng học sinh sau trung học cơ sở của cả nước là gần 18%, Vĩnh Phúc là một trong 6 địa phương đạt thành tích cao nhất cả nước về phân luồng học sinh với tỷ lệ trên 30%.
Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu học trung học phổ thông công lập phù hợp với nhu cầu, điều kiện thực tế của tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh điều chỉnh tỷ lệ phân luồng, tăng cường cơ sở vật chất để tăng số lượng học sinh trên mỗi lớp mà không làm tăng trường, lớp, tăng giáo viên. Như vậy sẽ tăng được số lượng học sinh được học trung học phổ thông.
Dự kiến trong 3 năm tới sẽ tăng thêm hơn 5.000 học sinh được tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông công lập, đạt tỷ lệ khoảng 70% học sinh trung học cơ sở được tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông công lập.
“Dự kiến ngay trong năm học 2025-2026 sẽ có thêm hơn 1.500 học sinh được tuyển vào học lớp 10 công lập, phấn đấu trong thời gian tiếp theo sẽ tăng tỷ lệ học sinh được học trung học phổ thông công lập lên khoảng 80% tổng số học sinh.
Việc này phù hợp với đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo, của các địa phương với Chính phủ là không giao cụ thể chỉ tiêu phân luồng học sinh mà tùy theo từng địa phương, theo yêu cầu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để phân luồng cho phù hợp…” - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Phú Sơn khẳng định.
Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về điện và thương mại dịch vụ
Chất vấn Giám đốc Sở Công thương Trần Quốc Huy, các đại biểu HĐND tỉnh đặt nhiều câu hỏi xoay quanh những nội dung về công tác quản lý nhà nước về điện; công tác quy hoạch, quản lý và phát triển hạ tầng thương mại trên địa bàn tỉnh.
Giám đốc Sở Công thương Trần Quốc Huy trả lời chất vấn. Ảnh: Khánh Linh
Trả lời câu hỏi của các đại biểu liên quan đến công tác quản lý nhà nước về điện, Giám đốc Sở Công thương Trần Quốc Huy cho biết: Việc cung ứng điện trên địa bàn tỉnh cơ bản đảm bảo, ổn định, đáp ứng yêu cầu phát triển. Với tình hình lưới điện và nhu cầu điện hiện nay, việc đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình điện đang thi công trên địa bàn tỉnh là rất quan trọng để đảm bảo chủ động cung ứng điện cho phát triển kinh tế, đảm bảo quốc phòng, an ninh, sinh hoạt của nhân dân.
Thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý điện trên địa bàn tỉnh trong những năm qua như một số công trình điện có tính chất cấp nguồn cho tỉnh Vĩnh Phúc chậm hoàn thành, dẫn đến một số đường dây 110kV đang hoạt động ở mức đầy tải vào thời gian cao điểm; việc đầu tư nâng cấp lưới điện chưa đáp ứng kịp tốc độ tăng trưởng phụ tải, dẫn đến một số xã vào thời gian cao điểm bị điện yếu, chất lượng chưa đảm bảo…
Giám đốc Sở Công thương Trần Quốc Huy đã trình bày những giải pháp tích cực nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước về điện trên địa bàn trong thời gian tới. Từ đó, đáp ứng được nhu cầu sử dụng điện của người dân, đặc biệt là đối với các khu vực chất lượng điện năng không đảm bảo, bán kính cấp điện vượt quá quy định.
Đối với những câu hỏi chất vấn liên quan đến quản lý và phát triển hạ tầng thương mại trên địa bàn tỉnh, Giám đốc Sở Công thương Trần Quốc Huy cho biết: Về cơ bản, hệ thống chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng kinh doanh thương mại trên địa bàn tỉnh đáp ứng được nhu cầu mua bán và trao đổi hàng hóa của người dân, chất lượng phục vụ ngày càng được nâng lên, góp phần quan trọng trong việc thay đổi diện mạo đô thị, phát triển thương mại của tỉnh.
Tuy nhiên, vẫn còn một số bất cập như nhiều công trình đã bị xuống cấp, không đáp ứng các yêu cầu theo quy định về an toàn phòng cháy, vệ sinh môi trường... nhất là đối với các chợ nông thôn; một số chợ chưa đưa vào sử dụng được, hoặc hoạt động không hiệu quả; trung tâm thương mại, siêu thị trên địa bàn tỉnh quy mô nhỏ, chưa có các trung tâm thương mại lớn, hiện đại, đa chức năng…
Để khắc phục những bất cập này, Giám đốc Sở Công thương Trần Quốc Huy đã chỉ ra những nguyên nhân, trách nhiệm cụ thể của các cấp, ngành đối với những tồn tại, hạn chế. Bên cạnh đó, đề ra những giải pháp cụ thể thực hiện trong thời gian tới nhằm đáp ứng các yêu cầu theo quy định hiện hành.
Chú trọng đào tạo nghề, giải quyết việc làm
Đặt câu hỏi với lãnh đạo ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tại phiên chất vấn, các đại biểu HĐND tỉnh đề nghị làm rõ kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ giải quyết việc làm giai đoạn 2022-2025 thông qua Nghị quyết số 19 và Nghị quyết số 07 của HĐND tỉnh.
Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Lưu Văn Dũng trả lời chất vấn. Ảnh: Khánh Linh
Trả lời nội dung này, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Lưu Văn Dũng cho biết: Chính sách hỗ trợ giải quyết việc làm giai đoạn 2022-2025 đã đi vào cuộc sống và mang lại lợi ích trực tiếp, thiết thực cho người lao động.
Thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, vướng mắc trong quá trình triển khai các nghị quyết của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ giải quyết việc làm như số lượng người được hỗ trợ còn thấp; thời điểm hỗ trợ chưa hợp lý…
Để giải quyết vấn đề trên, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết sẽ tiếp tục rà soát, nghiên cứu, tham mưu cho tỉnh ban hành chính sách thay thế để tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho các đối tượng được thụ hưởng.
Đối với câu hỏi liên quan đến việc phân luồng sâu nhưng nhiều trường nghề trên địa bàn không tuyển đủ học sinh, sinh viên, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng nguyên nhân chủ yếu là do những trở ngại về vị trí địa lý của người học; cùng với đó là hoạt động đào tạo nghề chưa thực sự hấp dẫn người học.
Để giải quyết vấn đề này, đồng thời nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ đào tạo nghề chất lượng cao, thời gian tới, sở tiếp tục tham mưu cho tỉnh đẩy mạnh truyền thông tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh về vai trò của đào tạo nghề, nhất là các ngành công nghệ cao, công nghệ bán dẫn, trí tuệ nhân tạo; xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ; đầu tư cơ sở vật chất, tổ chức đào tạo để nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên; tăng cường liên kết với doanh nghiệp trong đào tạo nghề thoe nhu cầu…
Trả lời câu hỏi của các đại biểu quan tâm đến kết quả thực hiện chính sách người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: Việc thực hiện chính sách người có công trên địa bàn tỉnh được triển khai đầy đủ kịp thời và đúng quy định của pháp luật. Ngoài chính sách của Trung ương, tỉnh Vĩnh Phúc có nhiều chính sách đặc thù đối với người có công trên địa bàn tỉnh đảm bảo thực hiện kịp thời, đồng bộ, chất lượng.
Thiệu Vũ - Nguyễn Khánh