Lắng nghe trẻ em nói - để trẻ em được nói lên tiếng nói của mình và tiếng nói ấy sẽ được xem xét, giải quyết. Đây chính là quyền tham gia của trẻ em - 1 trong 4 nhóm quyền cơ bản của trẻ được quy định trong Công ước Liên hiệp quốc. Tỉnh Vĩnh Phúc đã và đang triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các quyền trẻ em. Trong đó, quyền tham gia của trẻ đóng vai trò quan trọng, là điều kiện đủ để bảo đảm thực hiện tốt nhất tất cả các quyền của trẻ em.
Giáo viên Trường tiểu học Đống Đa, thành phố Vĩnh Yên luôn lắng nghe, chia sẻ để thấu hiểu tâm tư, tình cảm của các em học sinh. Ảnh: Trà Hương
Với quan điểm “Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai”, các cấp, ngành của tỉnh đã thực hiện nghiêm túc hệ thống văn bản pháp luật, văn bản lãnh đạo, chỉ đạo công tác trẻ em do Chính phủ, các bộ, ngành ban hành; đồng thời, ban hành nhiều chính sách đặc thù để chăm lo, bảo vệ trẻ em.
Các đồng chí lãnh đạo đứng đầu tỉnh như Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành thường xuyên thăm hỏi, trò chuyện, lắng nghe tâm tư, tình cảm và nguyện vọng của thiếu niên, nhi đồng để kịp thời có những chương trình hành động bảo vệ quyền lợi của các em và động viên các em nỗ lực vươn lên trong học tập, cuộc sống.
Nổi bật như tỉnh đã ban hành các nghị quyết tăng cường đầu tư cơ sở trường lớp và các khu vui chơi an toàn cho trẻ em; đẩy mạnh xây dựng thư viện, không gian đọc và văn hóa đọc cho học sinh; quan tâm hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động ngay tại địa phương để các bậc phụ huynh có điều kiện quan tâm chăm sóc, gần gũi các con.
Hằng năm, ngân sách tỉnh cấp từ 3-6 tỷ đồng cho Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh để thực hiện các chương trình trợ giúp, chăm lo cho trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn…
Các sở ban, ngành và các đoàn thể cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của toàn xã hội và của trẻ em về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ; ý nghĩa, sự cần thiết phải thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em, những điểm mới của Luật Trẻ em; chủ động triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để chăm sóc, bảo vệ trẻ em.
Tỉnh Đoàn triển khai các phần việc thanh niên hướng tới chăm lo cho trẻ em; tổ chức chương trình trải nghiệm “Một ngày làm lính cứu hỏa”, Học kỳ Quân đội, Học kỳ Công an… nhằm đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của trẻ em muốn được học tập, vui chơi, trải nghiệm, tham gia vào các hoạt động xã hội.
Hội đồng Đội tỉnh tham mưu thành lập Câu lạc bộ (CLB) “Tư vấn trợ giúp trẻ em” với sự tham gia của các chuyên gia lĩnh vực luật pháp, tâm lý và các cơ quan chức năng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em; chỉ đạo Liên đội trong các nhà trường thành lập CLB “Quyền tham gia của trẻ em” và duy trì mô hình hòm thư “Điều em muốn nói” để các em bày tỏ ý kiến về vấn đề gia đình, nhà trường, bạn bè, xã hội…
Sở VH-TT&DL phối hợp với các cơ quan truyền thông duy trì chuyên mục “Văn hóa - Gia đình”, chuyên trang “Chung tay phòng, chống bạo lực gia đình” để nâng cao quyền tham gia của trẻ em trong gia đình và xã hội.
Sở LĐ-TB&XH phối hợp với các cơ quan, các đơn vị tổ chức các chương trình hưởng ứng Tháng hành động vì trẻ em hằng năm; triển khai chiến dịch truyền thông, vận động về biện pháp bảo vệ trẻ em trước tai nạn thương thích, đuối nước; bảo vệ trẻ em trong môi trường mạng; phối hợp với Sở GDĐT triển khai và phát huy hiệu quả 8 mô hình điểm CLB quyền trẻ em tại các trường…
Ngành GDĐT tích cực đổi mới dạy và học, lấy học sinh làm trung tâm; tổ chức và tạo điều kiện để học sinh tham gia các hoạt động Đoàn, Đội, CLB; tăng cường hoạt động ngoại khóa trang bị kỹ năng cho học sinh; tổ chức các diễn đàn học sinh với nội dung “Hãy lên tiếng để ngăn chặn mọi hành vi xâm hại, bạo lực trẻ em”, “Roi vọt không làm nên người, yêu thương mạnh hơn lời quát mắng”, gọi 111 để thông báo, tố giác mọi hành vi xâm hại, bạo lực trẻ em…
Các nhà trường nỗ lực xây dựng môi trường học đường thân thiện; đặc biệt chú trọng công tác tư vấn học đường để lắng nghe và kịp thời hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho học sinh; khuyến khích học sinh tham gia các sân chơi trí tuệ, các cuộc thi viết thư quốc tế UPU, cuộc thi “Thầy cô trong mắt em”… để được thỏa sức đam mê, sáng tạo và nói lên suy nghĩ, nguyện vọng, ước mơ của mình.
Trong năm 2022, nhiều sự kiện, chương trình phát huy quyền tham gia của trẻ em do Tỉnh Đoàn, Sở LĐ-TB&XH, Sở GDĐT và các đơn vị liên quan phối hợp tổ chức đã tạo dấu ấn sâu sắc. Tiêu biểu như chương trình “Tuổi trẻ ơi, bạn nghĩ gì?” giúp học sinh được chia sẻ những câu chuyện của cá nhân, những quan điểm, suy nghĩ về mối quan hệ gia đình, thầy cô, bạn bè, cách nhìn nhận các vấn đề xung quanh như bạo lực học đường, định hướng nghề nghiệp, áp lực học tập, thi cử…
Tại “Diễn đàn trẻ em”, các em đã gửi đến lãnh đạo các cấp, ngành những câu hỏi, kiến nghị về những vấn đề nóng như thực trạng bạo hành và lao động sớm ở trẻ em, vấn đề bình đẳng giới, vấn đề xâm hại trẻ em, tai nạn thương tích đối với trẻ em, lợi ích và tác hại của môi trường mạng đối với trẻ em…
Chương trình “Liên hoan Đội tuyên truyền măng non” giúp các em được nâng cao kiến thức, kỹ năng về phòng, chống đuối nước và Luật Trẻ em, được thỏa sức thể hiện tài năng và giao lưu, học tập, trao đổi kiến thức, kinh nghiệm.
Gia đình là môi trường sống, môi trường giáo dục đầu tiên và vô cùng quan trọng của các em, nên việc lắng nghe các em nói càng cần được quan tâm. Anh Hoàng Văn Tài, ở thị trấn Tam Hồng, huyện Yên Lạc chia sẻ: “Vợ chồng tôi luôn dành thời gian đồng hành với con trong học tập, khuyến khích, lắng nghe con bày tỏ suy nghĩ, ý kiến, từ đó, giáo dục, định hướng tương lai cho con. Thấu hiểu sự yêu thương, quan tâm, chăm sóc và tôn trọng của bố mẹ, nên các con tôi rất chăm ngoan, phát triển toàn diện, đạt nhiều thành tích cao trong học tập và có năng khiếu ở nhiều lĩnh vực”.
Giáo viên Tâm lý học Trường cao đẳng Vĩnh Phúc Nguyễn Thị Hợi cho biết: “Ở lứa tuổi nào, trẻ cũng có những mong muốn nhất định; đặc biệt, ở tuổi dậy thì, trẻ có sự thay đổi trong tâm sinh lý, dễ bị dao động, tổn thương. Nếu không lắng nghe trẻ em nói, người lớn sẽ không biết, không hiểu trẻ nghĩ gì, muốn gì.
Vì vậy, những người lớn hãy kiên trì, nhẫn nại lắng nghe trẻ em nói với tất cả sự yêu thương, tin tưởng. Khi được người lớn lắng nghe, tin tưởng và đồng hành, trẻ sẽ gạt bỏ được những lo lắng và có động lực, định hướng phấn đấu trưởng thành”.
Minh Hường