Bạo lực học đường ngày càng có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp, để lại những tổn thương sâu sắc về sức khỏe thể chất, tinh thần cho nạn nhân. Trước thực trạng trên, các trường học trên địa bàn tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các cấp, ngành, đoàn thể và phụ huynh học sinh trong việc triển khai các giải pháp ngăn chặn, đẩy lùi, xóa bỏ tình trạng bạo lực học đường, hướng tới xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện cho học sinh.
Xây dựng tình bạn đẹp, đúng với lứa tuổi học trò là biện pháp hiệu quả giúp đẩy lùi, ngăn chặn tình trạng bạo lực học đường (Ảnh chụp tại Trường THPT Đội Cấn, huyện Vĩnh Tường). Ảnh: Kim Ly
Những ngày vừa qua, dư luận không khỏi bàng hoàng trước thông tin được chia sẻ trên mạng xã hội về việc nữ sinh N.T.Y.N, học lớp 10 tại Trường THPT chuyên Đại học Vinh (Nghệ An) tự tử tại nhà riêng nghi do bạo lực học đường.
Trước đó, em N đã từng nói với mẹ về việc sợ đi học, sợ đến trường do bị bạn bè bắt nạt, xa lánh, cô lập. N là học sinh ngoan, học giỏi, có thành tích học tập tốt, sự việc đáng tiếc xảy ra khiến gia đình, người thân, bạn bè vô cùng bất ngờ, đau xót.
Hồi tháng 3/2023, tại Trường THPT Đội Cấn, huyện Vĩnh Tường xảy ra sự việc một nữ giáo viên có hành vi dùng kéo cắt tóc nữ sinh trong lớp học. Sau khi vụ việc xảy ra liên tục được chia sẻ trên mạng xã hội, Trường THPT Đội Cấn đã triệu tập cuộc gặp để lắng nghe trao đổi trực tiếp giữa cô giáo, học sinh và cha mẹ học sinh. Tại đây, cả cô giáo và học sinh đều nhận ra lỗi sai của mình, bày tỏ mong muốn được cảm thông, thấu hiểu và hứa không tái phạm.
Từ những vụ việc trên cho thấy, bạo lực vẫn đang diễn ra trong môi trường học đường với hình thức, tính chất, mức độ khác nhau. Bạo lực học đường biểu hiện dưới nhiều dạng thức như bạo lực tinh thần (đe dọa, xúc phạm, xa lánh, nói xấu…); bạo lực thể xác (đánh đập, đăng clip lên mạng xã hội…). Các vụ bạo lực học đường gây ra nhiều hệ lụy đối với sức khỏe thể chất, tinh thần của nạn nhân.
Thầy Nguyễn Ngọc Long, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Đồng Đậu, huyện Yên Lạc cho biết: "Vài năm trước, ở trường có xảy ra một số vụ bạo lực học đường xuất phát từ mâu thuẫn giữa các em học sinh. Một số học sinh cá biệt có hành vi bắt nạt, xa lánh, cô lập, thậm chí chặn đường để đánh các bạn khác.
Nắm bắt sự việc trên, nhà trường kiên quyết triển khai nhiều biện pháp nhằm xử lý, ngăn chặn các vụ bạo lực học đường xảy ra. Nhà trường xây dựng nội quy, quy chế, trong đó, nghiêm cấm các hành vi bạo lực học đường; học sinh vi phạm sẽ bị xử phạt tùy theo mức độ nghiêm trọng của vụ việc".
Thông qua giáo viên chủ nhiệm, nhà trường tích cực phối hợp với cha mẹ học sinh trong việc tuyên truyền, giáo dục các em không thực hiện các hành vi bạo lực học đường; trang bị kỹ năng bảo vệ bản thân khi không may trở thành nạn nhân của bạo lực học đường.
Nhà trường phối hợp với các cơ quan, tổ chức hướng dẫn cán bộ, giáo viên, nhân viên trong trường kỹ năng xử lý tình huống khi xảy ra bạo lực học đường. Các nội dung về phòng, chống bạo lực học đường được tuyên truyền trong những buổi sinh hoạt ngoại khóa, tiết học môn Giáo dục công dân, các buổi chào cờ đầu tuần.
Trong buổi sinh hoạt ngoại khóa với chủ đề “Xây dựng tình bạn đẹp - Nói không với bạo lực học đường” được tổ chức vào tháng 9/2022, nhà trường đã mời diễn giả là chuyên gia tâm lý trao đổi với học sinh xung quanh vấn đề bạo lực học đường, về thực trạng, nguyên nhân, các giải pháp phòng, chống bạo lực học đường.
Thông qua các nội dung hỏi đáp, các tình huống cụ thể, diễn giả đã truyền tải những kiến thức, kỹ năng giúp các em nhận biết các hành vi bạo lực học đường; tác hại và cách phòng, chống bạo lực học đường; nắm bắt kiến thức pháp luật liên quan đến vấn đề bạo lực học đường; kỹ năng xử lý tình huống để ngăn chặn bạo lực học đường; tham gia giải quyết, đấu tranh với các hành vi bạo lực học đường; phương pháp xây dựng tình bạn đẹp, tự nhiên, trong sáng, đúng với lứa tuổi học trò.
Trường tiểu học Kim Xá, huyện Vĩnh Tường thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt ngoại khóa về chủ đề xây dựng tình bạn đẹp, nói không với bạo lực học đường cho học sinh. Ảnh: Kim Ly
Trong trường hợp xảy ra vụ bạo lực học đường, Ban Giám hiệu nhà trường cùng giáo viên chủ nhiệm triệu tập các bậc phụ huynh và các em học sinh có liên quan tới làm việc, nghe các em tường trình về vụ việc, tìm hiểu nguyên nhân, phân tích sự việc giúp các em nhận ra sai lầm và cam kết không tái phạm.
Theo cô giáo Nguyễn Thị Trang, Phó Bí thư Đoàn Trường THPT Vĩnh Yên, ở lứa tuổi mới lớn, học sinh có nhiều thay đổi về tâm, sinh lý, thích thể hiện bản thân, chưa kiểm soát được cảm xúc... dẫn đến bạo lực học đường. Ngoài ra, môi trường giáo dục từ gia đình, các mối quan hệ trong xã hội, những tác động tiêu cực từ mạng xã hội khiến tình trạng bạo lực học đường có chiều hướng ngày càng gia tăng.
Để đẩy lùi vấn nạn bạo lực học đường, Đoàn Trường THPT Vĩnh Yên đã tham mưu Ban Giám hiệu nhà trường tổ chức các hoạt động ngoại khóa, lồng ghép các nội dung về tâm lý học đường, xây dựng tình bạn đẹp, nói không với bạo lực học đường; chú trọng giáo dục tư tưởng, đạo đức, lòng nhân ái, nếp sống văn hóa trong trường học.
Nhà trường thành lập Phòng Tư vấn tâm lý học đường do các thầy, cô giáo có nhiều kinh nghiệm trực tiếp tham gia tư vấn tâm lý, lắng nghe, thấu hiểu, chia sẻ, gợi ý giải pháp trên nguyên tắc giữ bí mật, tôn trọng quyền quyết định của học sinh.
Nhờ đó, nhiều vấn đề khúc mắc trong cuộc sống gia đình, về học tập, các mối quan hệ với thầy, cô giáo, bạn bè của các em đã được giải tỏa. Qua đó, góp phần xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện cho học sinh, giúp các em yên tâm học tập, rèn luyện.
Bạch Nga