Trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, tỉnh Vĩnh Phúc cần tranh thủ sức mạnh thời đại, sức mạnh quốc gia, tận dụng tốt thời cơ để phát triển bứt phá, tạo nên giai đoạn phát triển hoàng kim trong thập kỷ tới.
Công ty Ô tô Honda Việt Nam là doanh nghiệp đóng góp lớn vào thu ngân sách Nhà nước hằng năm.
Ảnh Khánh Linh
Không ngừng mở rộng dư địa phát triển
Hơn hai thập kỷ qua, các cấp ủy đảng, chính quyền tỉnh đã khơi dậy, phát huy truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng của vùng đất, con người Vĩnh Phúc, lãnh đạo nhân dân trong tỉnh vượt qua mọi khó khăn, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.
Từ năm 2004, Vĩnh Phúc đã tự cân đối được chi ngân sách và bắt đầu có đóng góp, điều tiết về ngân sách Trung ương. Khu vực công nghiệp giữ vai trò đầu tàu, động lực cho phát triển kinh tế. Môi trường đầu tư và kinh doanh được cải thiện. Nông nghiệp, nông thôn được quan tâm, khởi sắc, làm thay đổi diện mạo các làng quê.
Hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, đô thị được quy hoạch, đầu tư xây dựng ngày càng khang trang. Nhiều công trình, dự án trọng điểm được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng. Các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, việc làm và an sinh xã hội được quan tâm. Giáo dục Vĩnh Phúc nhiều năm liền nằm trong top đầu cả nước. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới còn 0,44%.
Tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2024 có những tín hiệu tích cực. Thu nhập bình quân đầu người thuộc nhóm khá của cả nước. Thu ngân sách đạt 30.468 tỷ đồng. Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 600 triệu USD, qua đó tiếp tục khẳng định niềm tin của các nhà đầu tư với tỉnh.
Vĩnh Yên xanh. Ảnh Khánh Linh
HĐND tỉnh tăng cường giám sát việc triển khai chính sách pháp luật và kết quả thực hiện các nghị quyết đã ban hành. Các đại biểu HĐND qua tiếp xúc cử tri đã chuyển tải nhiều nguyện vọng, kiến nghị của cử tri, cùng góp ý, xây dựng chính quyền, triển khai các nhiệm vụ, đề xuất giải pháp phát triển kinh tế - xã hội.
UBND tỉnh đổi mới trong công tác điều hành, tập trung xử lý những vấn đề tồn tại, yếu kém, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, khơi thông nguồn lực, thu hút đầu tư với chất lượng mới. Đáng chú ý, ý thức làm việc, phương pháp công tác, tinh thần phục vụ nhân dân và doanh nghiệp của đội ngũ cán bộ, công chức được cải thiện.
Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể giữ được sự ổn định, phối hợp với các cơ quan, doanh nghiệp tổ chức nhiều hoạt động chăm lo cho nhân dân, đoàn viên, hội viên; bước đầu có chuyển biến về nhận thức, hoạt động theo hướng chú trọng hiệu quả thực tế.
Tuy nhiên, năm 2024, Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Phúc trải qua những khó khăn, thách thức chưa từng có về thay đổi nhân sự chủ chốt.
Trong những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh bị chững lại. Một số lợi thế của tỉnh chưa được khai thác, đạt hiệu quả như mong muốn. Nhiều vướng mắc, tồn tại chưa được tháo gỡ. Tiến độ của các dự án đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp chậm. Tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp mới đạt 44,62%.
Bên cạnh đó, hạ tầng đô thị chưa theo kịp tốc độ đô thị hóa, chưa ngang tầm phát triển của tỉnh. Nhiều dự án đầu tư công bị chậm tiến độ, phải điều chỉnh gia hạn, hiệu quả chưa cao. Công tác khắc phục, tháo gỡ vướng mắc, khơi thông, giải phóng nguồn lực còn chậm. Việc thu hút nhân lực chất lượng cao, chuyên gia giỏi tầm cỡ quốc gia, quốc tế, việc ứng dụng khoa học – công nghệ trong sản xuất, kinh doanh còn hạn chế. Tỉnh thiếu nhân lực kỹ thuật có thể đáp ứng nhu cầu về sản xuất thiết kế chip, vi mạch, bán dẫn và các lĩnh vực điện tử…
Về diện tích, Vĩnh Phúc rộng hơn 1.200km. Trong đó, rừng quốc gia Tam Đảo rộng lớn nhưng chưa đem lại nguồn lợi kinh tế. Nhiều diện tích rừng sản xuất, đất ven sông Hồng, sông Lô hiệu quả canh tác rất thấp. Nhiều đồng ruộng bị bỏ hoang hóa, kém hiệu quả, chậm được chuyển đổi. Nguồn lực đất đai chưa được khai thác hiệu quả.
Nguồn nhân lực, nguồn lực trong nhân dân, nguồn lực khoa học - công nghệ được phát huy còn khiêm tốn. Vĩnh Phúc chưa tranh thủ được nhiều lợi thế nằm trong vùng Thủ đô, khu vực kinh tế năng động ở miền Bắc. Nhìn chung, dư địa về tài nguyên, khoáng sản của tỉnh, nhân tố con người chưa được tỉnh khai thác hiệu quả. Trong khi đó, dư địa về khoa học, công nghệ, về nhân lực chất lượng cao là vô tận, nhưng khai thác chưa được nhiều.
Lịch sử chứng minh, sự phát triển của một quốc gia, một vùng đất không phụ thuộc nhiều vào diện tích và dân số, mà phụ thuộc vào sự phát triển khoa học, công nghệ, vào yếu tố con người (như đất nước Singapore chỉ với 712 km2 nhưng đã trở thành một trung tâm tài chính quốc tế, người dân có thu nhập cao bậc nhất châu Á).
Do đó, một mặt Vĩnh Phúc cần thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về tỉnh, mặt khác phải coi trọng ứng dụng khoa học, công nghệ theo tinh thần Nghị quyết số 57, ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Bên cạnh đó, tỉnh cần sử dụng tài nguyên có hiệu quả. Tiềm năng của Vĩnh Phúc cần được đánh thức càng sớm càng tốt bởi những người có tâm, có tầm, dám nghĩ, dám làm; cần kết hợp sức mạnh thời đại, sức mạnh quốc gia với nội lực của tỉnh để dư địa phát triển không ngừng tăng lên.
Kỳ vọng ở giai đoạn phát triển mới
Sự phát triển của Vĩnh Phúc trước hết phụ thuộc vào thế nước, vận nước. Trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, thế nước đang lên, Vĩnh Phúc cần tranh thủ sức mạnh thời đại, sức mạnh quốc gia, tận dụng tốt thời cơ để phát triển bứt phá, tạo nên giai đoạn hoàng kim mới.
Cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, cùng với cuộc cách mạng về chuyển đổi số, ứng dụng khoa học, công nghệ đang tạo ra những cơ hội to lớn để nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy Bhà nước. Đại hội Đảng các cấp cần đặt ra mục tiêu “tìm người hiền tài”, “tìm người dám dùng người tài”.
Vừa qua, có người nêu quan điểm “Vĩnh Phúc đã qua thời kỳ hoàng kim”. Thực tiễn cho thấy, 2 doanh nghiệp Honda, Toyota đóng góp ngân sách nhiều nhất cho tỉnh đều được quyết định thành lập và khởi công xây dựng từ năm 1995, 1996 của thế kỷ trước. Công tác chuẩn bị đầu tư, giải phóng mặt bằng thậm chí được triển khai từ trước đó. Công sức đưa các doanh nghiệp này về tỉnh trước hết thuộc về Trung ương, Chính phủ, sau đó là quyết tâm của Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phú (cũ). Sau khi tách tỉnh, Vĩnh Phúc thừa hưởng di sản này và phát triển thêm các khu công nghiệp, nhưng chỉ thu hút được những doanh nghiệp quy mô nhỏ hơn, đóng góp ngân sách thấp.
Để phát triển nhanh, tăng thu ngân sách, đội ngũ cán bộ, đảng viên của tỉnh cần đổi mới tư duy, đổi mới thu hút đầu tư và đổi mới cách làm. Tỉnh Vĩnh Phúc không chỉ dựa vào nhân lực của tỉnh mà cần dựa vào nguồn nhân lực chất lượng cao, nhân sĩ, trí thức, nhà khoa học, các chuyên gia, chiến lược gia, kỹ sư bậc cao từ trong nước và nước ngoài.
Tam Đảo - Thị trấn trong mây. Ảnh Khánh Linh
Trong những tháng gần đây, một số sự kiện được tổ chức tại tỉnh hé lộ những cách nghĩ mới, tư duy mới về phát triển kinh tế. Tỉnh đã tổ chức thành công Hội nghị Phát triển bền vững khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc, đặt ra mục tiêu cụ thể trong giải phóng mặt bằng, giao đất; giải quyết nguồn đất san lấp; phát triển công nghiệp bán dẫn. Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ II, năm 2024 gợi ý định hướng phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo.
Cuối năm 2024, nhiều tập đoàn kinh tế và doanh nghiệp lớn tìm đến Vĩnh Phúc như Tập đoàn VPV, Công ty TNHH SDLINK, Tập đoàn Xây dựng Thái Bình Dương, Tập đoàn Samsung, Công ty TNHH iMarketVietnam, Tập đoàn KinderWorld, Công ty SK Hàn Quốc…
Đáng chú ý, Công ty cổ phần Vinhomes đề xuất dự án sử dụng 2.375ha để xây dựng tổ hợp đô thị, giải trí tầm cỡ quốc tế tại Vĩnh Phúc. Vừa qua, Công ty cổ phần Signetics của Hàn Quốc và Tập đoàn CNCTech đã ký kết thỏa thuận hợp tác đầu tư dự án nhà máy bán dẫn trị giá 100 triệu USD tại Khu công nghiệp Bá Thiện – Phân khu I, huyện Bình Xuyên. Một số nhà đầu tư trong lĩnh vực bán dẫn, điện tử đang tìm đến Vĩnh Phúc trong tháng đầu năm 2025. Nếu tiếp tục xu thế này, Vĩnh Phúc sẽ có thể tạo ra thời kỳ hoàng kim mới trong vòng một thập kỷ tới.
Năm 2025, khi đất nước bước sang kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc kỳ vọng, đội ngũ cán bộ mới được tái lập của tỉnh sẽ giải quyết hiệu quả những công việc còn tồn đọng, những bất cập từ thực tiễn, nhất là về tổ chức bộ máy, sử dụng ngân sách, khai thác tài nguyên, triển khai dự án.
Nhân dân mong muốn, toàn bộ hệ thống chính trị của tỉnh sẽ vận hành với tinh thần mới, quyết tâm cao, biến thách thức thành thời cơ, tìm hướng đi đột phá, không bỏ lỡ cơ hội phát triển trong giai đoạn mới./.
Hà Hồng Hà
(Trưởng Văn phòng đại diện Báo Nhân Dân tại Vĩnh Phúc)