Thực hiện chủ trương của Chính phủ về chuyển đổi xanh, lựa chọn không đánh đổi môi trường chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần, tỉnh đã và đang tập trung phát triển công nghiệp theo chiều sâu, nâng cao năng suất, chất lượng; thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài các dự án công nghệ có giá trị gia tăng cao; thúc đẩy tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, vì sự phát triển bền vững.
Công ty cổ phần CNCTech Thăng Long (KCN Thăng Long Vĩnh Phúc) tăng tỉ lệ tự động hóa các dây chuyền sản xuất, nâng cao hiệu quả lao động. Ảnh: Chu Kiều
Quý I năm 2024, hoạt động sản xuất công nghiệp của tỉnh gặp nhiều khó khăn khi kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm, kinh tế trong nước phục hồi chậm, song, đã liên tiếp tăng trưởng trong các quý còn lại đưa chỉ số sản xuất trong năm đạt mức tăng trưởng hơn 11% so với năm 2023, tiếp tục là ngành chủ lực đóng góp vào thu ngân sách của tỉnh. Đặc biệt, lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử với mức tăng từ 14 - 16% so với năm 2023, là động lực chính cho tăng trưởng ngành công nghiệp của tỉnh.
Với lợi thế nằm gần Thủ đô Hà Nội và được kết nối bởi hệ thống giao thông hiện đại, đặc biệt là tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai, Vĩnh Phúc đã trở thành điểm đến lý tưởng cho các nhà đầu tư. Trên cơ sở các ngành công nghiệp đã hình thành và hiện thực hóa quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỉnh đã và đang đẩy mạnh phát triển công nghiệp theo chiều sâu, đảm bảo tăng trưởng xanh, phấn đấu trở thành một trong những trung tâm lớn nhất của cả nước trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, sản xuất ô tô, điện tử.
Ưu tiên thu hút các dự án đầu tư vào các khu công nghiệp có hàm lượng khoa học công nghệ cao, thân thiện với môi trường; hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất sạch hơn nhằm giảm thiểu ô nhiễm, nâng cao và duy trì chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI), hướng đến mục tiêu tăng trưởng xanh. Đến nay, toàn tỉnh đã có 17 khu công nghiệp (KCN) được thành lập, trong đó 9 KCN đi vào hoạt động hiệu quả. Nhiều nhà đầu tư lớn thuộc các quốc gia, vùng lãnh thổ có nền công nghiệp tiên tiến đầu tư vào tỉnh như: Honda, Toyota (Nhật Bản),
Piaggio (Italia), Compal Đài Loan (Trung Quốc), Daewoo (Hàn Quốc)... hình thành nên các ngành công nghiệp chủ lực như: Sản xuất, lắp ráp ô tô, xe máy; sản xuất máy tính xách tay, điện thoại di động và ngành điện tử (công nghệ cao); công nghiệp cơ khí, chế tạo động cơ... góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh ngày càng phát triển bền vững, trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư.
Nhà đầu tư hạ tầng KCN Bá Thiện 2 (Bình Xuyên) cùng các nhà đầu tư thứ cấp nỗ lực tăng tỉ lệ cây xanh, bảo vệ môi trường. Ảnh: Chu Kiều
Trong giai đoạn phát triển mới của kinh tế toàn cầu, phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, chuyển đổi các KCN truyền thống sang mô hình các KCN theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất sạch hơn, sử dụng năng lượng hiệu quả hơn và thân thiện hơn với môi trường như: KCN sinh thái, KCN thông minh... được tỉnh xác định là một trong những yêu cầu mang tính cấp thiết, chung sức cùng các địa phương bước vào kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Năm 2024, tỉnh đã tổ chức thành công nhiều hội nghị, diễn đàn thúc đẩy phát triển công nghiệp theo hướng bền vững như "Hội nghị phát triển bền vững KCN tỉnh Vĩnh Phúc", Diễn đàn "Giải pháp xanh toàn diện KCN và xúc tiến đầu tư vào tỉnh"... Đồng thời, lãnh đạo tỉnh đã tham gia tiếp và làm việc với một số tập đoàn, doanh nghiệp đến tìm hiểu chính sách đầu tư, thủ tục đầu tư và triển khai dự án tại các KCN, trong đó, có nhiều nhà đầu tư chiến lược đứng đầu các chuỗi cung ứng ô tô, xe máy, linh kiện điện tử trong và ngoài nước như Công ty Honda Việt Nam, Công ty Ô tô Toyota Việt Nam, Tổ hợp Samsung Việt Nam, Công ty cổ phần Signetics (Hàn Quốc) và một số nhà đầu tư khác...
Tiếp nối những thành quả đã đạt được, tiếp tục khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, phát triển công nghiệp theo chiều sâu và phát triển bền vững, tạo nhiều việc làm cho người lao động và nâng cao đời sống người dân, tỉnh xác định cần đẩy mạnh việc hình thành các cụm liên kết ngành công nghiệp hỗ trợ trong thời gian tới để tạo hệ sinh thái sẵn sàng đón các dự án đầu tư công nghệ cao, hiện đại.
Hoàn thiện hệ thống hạ tầng KCN hiện đại, đảm bảo các yêu cầu về tiếp cận năng lượng, đặc biệt là điện sạch với các chính sách hỗ trợ phù hợp. Xây dựng chính sách ưu đãi cho các nhà đầu tư vào KCN theo hướng khuyến khích phát triển bền vững, hình thành các KCN sinh thái...
Lưu Nhung