Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 29 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Để tuyển sinh đủ chỉ tiêu, kế hoạch được giao, các nhà trường đã linh hoạt triển khai nhiều giải pháp nhằm thu hút học sinh quan tâm, lựa chọn ngôi trường có các khối, ngành đào tạo phù hợp với khả năng, sở trường của mình.
Với chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, những năm qua, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã khẳng định sức hút nhất định đối với phân khúc học sinh học lực trung bình, muốn học nghề sớm để tạo lập cuộc sống.
Do số lượng các trường nghề lớn, không tránh khỏi sự cạnh tranh gay gắt nên các nhà trường đã có nhiều giải pháp linh hoạt để chiêu sinh. Bên cạnh tăng cường tuyên truyền trực tuyến qua các nền tảng website, mạng xã hội, các phương tiện truyền thông đại chúng, nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã đưa các tổ công tác tuyển sinh trực tiếp đến các địa phương, cơ sở giáo dục phổ thông để tư vấn tuyển sinh; phối hợp với các trường THCS, THPT tham dự các buổi họp phụ huynh để giới thiệu, quảng bá về nhà trường; tổ chức cho học sinh và phụ huynh các trường THCS, THPT trên địa bàn và khu vực lân cận tham quan, trải nghiệm tại trường…
Thông qua các hoạt động nhằm mang tới những thông tin trực tiếp, cụ thể cho phụ huynh và học sinh về kế hoạch tuyển sinh, chương trình đào tạo, triển vọng việc làm, các chính sách ưu đãi… khi con em tham gia học tập tại trường.

Trường Cao đẳng Kỹ thuật - Công nghệ Vĩnh Phúc thường xuyên đón các đoàn học sinh THCS ở trong và ngoài tỉnh đến tham quan cơ sở vật chất.
Ví như Trường Cao đẳng Kỹ thuật - Công nghệ Vĩnh Phúc thời gian qua đã tổ chức nhiều buổi đón tiếp học sinh ở các trường THCS của huyện Tam Dương, Sông Lô, Lập Thạch, Tam Đảo… về thăm và tham quan cơ sở vật chất của nhà trường. Tại đây, các bạn được nghe thầy cô giới thiệu về ngành nghề đào tạo, thông tin nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp gắn với công tác giải quyết việc làm. Qua đó, giúp học sinh hiểu rõ hơn về các khối, ngành đào tạo, có định hướng để lựa chọn các lĩnh vực nghề nghiệp phù hợp với năng lực.
Không chỉ bó gọn công tác tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh trong tỉnh, Trường Cao đẳng Kỹ thuật - Công nghệ Vĩnh Phúc còn mở rộng địa bàn hoạt động ra các tỉnh, thành lân cận như Phú Thọ, Tuyên Quang… nhằm tăng cường công tác quảng bá hình ảnh nhà trường gắn với tuyển sinh năm học mới.

Việc tổ chức cho học sinh THCS tham quan các cơ sở giáo dục nghề giúp các em có điều kiện nắm bắt các ngành nghề đào tạo để đưa ra lựa chọn phù hợp.
Hay tại Trường Cao đẳng nghề Việt Xô số 1 (Phúc Yên) thời điểm này cũng đang ráo riết tuyển sinh với chỉ tiêu khoảng 800 sinh viên/năm. Hiện nay, nhà trường đang đào tạo 10 ngành nghề bậc cao đẳng, 14 ngành nghề bậc trung cấp, 28 ngành nghề bậc sơ cấp.
Để thu hút học sinh, một trong những chiến lược của nhà trường là chú trọng hoạt động đổi mới chương trình đào tạo với phương châm vừa đảm bảo chất lượng, hiệu quả, vừa đáp ứng nhu cầu đa dạng của người học, doanh nghiệp và thị trường lao động. Phấn đấu đạt tỷ lệ 100% học sinh, sinh viên ra trường có việc làm - con số ấn tượng này khẳng định chất lượng đào tạo, vị thế, uy tín của nhà trường, đồng thời là “thỏi nam châm” thu hút học sinh lựa chọn Trường Cao đẳng nghề Việt Xô số 1.
Được biết, hiện nay nhà trường đang liên kết với hơn 100 doanh nghiệp trong công tác tuyển sinh, đào tạo và tuyển dụng lao động, trong đó có nhiều doanh nghiệp lớn như Công ty TNHH Honda Việt Nam, Công ty Ô tô Toyota Việt Nam, Công ty cổ phần Tập đoàn sản xuất thép Việt Đức…
Với việc được trải nghiệm, thực tập, tiếp cận với hệ thống máy móc và văn hóa doanh nghiệp, sinh viên của trường không chỉ được trang bị kiến thức, mà còn được trang bị kỹ năng nghề nghiệp thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và yêu cầu của các doanh nghiệp.
Với tổng số 29 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, toàn tỉnh hiện có 5 trường cao đẳng, 3 trường trung cấp tư thục, 12 trung tâm giáo dục nghề nghiệp, 7 trung tâm GDNN-GDTX, 2 cơ sở khác có hoạt động giáo dục nghề nghiệp và 3 trường đại học.
Tham gia học tập ở các trường nghề, học sinh, sinh viên được áp dụng chính sách hỗ trợ giáo dục nghề nghiệp trình độ sơ cấp dưới 3 tháng (theo Quyết định số 46 của Thủ tướng Chính phủ); hỗ trợ đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng, cao đẳng chương trình chất lượng cao (theo Nghị quyết số 19 của HĐND tỉnh).
Mục tiêu của các chính sách trên nhằm thu hút nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Các chính sách góp phần giảm bớt khó khăn cho học sinh, sinh viên mới ra trường đi làm, khuyến khích các em học chương trình chất lượng cao, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp cận, tuyển dụng, sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao để phục vụ sản xuất; hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động tự tạo việc làm, tự tìm kiếm việc làm mới và phát triển các nghề đang có nhằm nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.
Nhờ nỗ lực thực hiện công tác tuyển sinh, năm học 2024-2025, toàn tỉnh có hơn 41.000 học sinh, sinh viên đăng ký tham gia đào tạo nghề tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với các trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp, chủ yếu trong các lĩnh vực điện công nghiệp, công nghệ ô tô, kỹ thuật máy lạnh, điều hòa không khí…
Năm học 2025- 2026, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh phấn đấu tuyển sinh đạt tỷ lệ bằng hoặc cao hơn so với năm học trước gắn với đẩy mạnh giải quyết việc làm nhằm phục vụ hiệu quả công cuộc công inghiệp hóa - hiện đại hóa của tỉnh, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của các nhà đầu tư, người sử dụng lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và mở rộng lưới an sinh.
Bài, ảnh: Hà Trần