Tăng cường kết nối các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) với doanh nghiệp là một trong những giải pháp nhằm rút ngắn khoảng cách giữa lý thuyết và thực hành trong đào tạo, góp phần xây dựng lực lượng lao động có trình độ, kỹ năng, tay nghề, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động.
Nâng cao chất lượng đào tạo nghề, tăng cơ hội tìm kiếm việc làm cho học sinh, sinh viên (HSSV), những năm gần đây, Trường cao đẳng nghề Việt Xô số 1 (Phúc Yên) đã đẩy mạnh liên kết, hợp tác với hàng chục doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh như Công ty Honda Việt Nam, Công ty TNHH Ford Việt Nam, Công ty ô tô Toyota Việt Nam, Công ty cổ phần Prime Group…

Học sinh Trường cao đẳng Kỹ thuật - Công nghệ Vĩnh Phúc thực hành trên thiết bị được Công ty Honda Việt Nam trao tặng. Ảnh: Kim Ly
Đồng chí Dương Văn Thái, Giám đốc Trung tâm Hợp tác quốc tế, tuyển sinh và gắn kết doanh nghiệp, Trường cao đẳng nghề Việt Xô số 1 cho biết: Thông qua việc ký kết các biên bản ghi nhớ hợp tác, nhà trường tổ chức đào tạo theo đơn đặt hàng, yêu cầu của doanh nghiệp, cung ứng cho doanh nghiệp lực lượng lao động có trình độ, kỹ năng, tay nghề, đáp ứng yêu cầu của công việc. Trong quá trình đào tạo, nhà trường thường xuyên mời các doanh nghiệp tham gia xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo và giảng dạy trực tiếp cho HSSV; tiếp nhận giảng viên, HSSV của nhà trường đến tham quan, trải nghiệm, thực tập tại doanh nghiệp…
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp thường xuyên hỗ trợ, trao tặng nhà trường các trang thiết bị, máy móc phục vụ công tác giảng dạy, điển hình như Công ty Ford Việt Nam trao tặng động cơ, hộp số xe ô tô, Công ty Honda Việt Nam tặng 5 xe máy, 1 ô tô, 2 động cơ xe máy… Qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho HSSV được tiếp cận với các trang thiết bị tiên tiến, hiện đại, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nghề. Nhờ đó, hầu hết HSSV sau tốt nghiệp đều có việc làm ổn định với mức thu nhập khá.
Xác định việc tăng cường liên kết với doanh nghiệp là một trong những giải pháp quan trọng nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho HSSV, Trường cao đẳng Kỹ thuật - Công nghệ Vĩnh Phúc đã đẩy mạnh liên kết, ký kết hợp tác với hơn 50 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh như Công ty Honda Việt Nam, Công ty TNHH Piaggio Việt Nam, Tập đoàn Khoa học kỹ thuật Hồng Hải, Công ty TNHH Công nghệ Cosmos, Công ty hữu hạn công nghiệp Lâm Viễn Vĩnh Phúc…
Nhà trường phối hợp với doanh nghiệp tạo điều kiện cho HSSV tham gia các khóa học tiếng Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc; đưa HSSV đến tham quan, trải nghiệm, thực tập tại doanh nghiệp, giúp HSSV được làm quen với văn hóa doanh nghiệp, được tiếp cận với hệ thống trang thiết bị, công nghệ tiên tiến, hiện đại, từ đó, rút ngắn khoảng cách giữa lý thuyết với thực hành, góp phần nâng cao trình độ, kỹ năng, tay nghề.

Công ty Honda Việt Nam trao tặng xe ô tô đã qua sử dụng và các thiết bị động cơ xe máy cho Trường cao đẳng Cơ khí nông nghiệp. Ảnh: Kim Ly
Bên cạnh đó, nhà trường tổ chức đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp; thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo, trao đổi chuyên đề với sự tham gia, tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm của các doanh nghiệp; mời doanh nghiệp tham gia trực tiếp vào quá trình xây dựng chương trình đào tạo, hướng dẫn HSSV thực hành các kỹ năng nghề theo phương châm “cầm tay chỉ việc”; tiếp nhận các trang thiết bị, máy móc do doanh nghiệp tài trợ, tạo điều kiện để HSSV được thực hành trên mô hình thật ngay tại nhà trường…
Em Nguyễn Hoàng Nam, sinh viên Trường cao đẳng Kỹ thuật - Công nghệ Vĩnh Phúc cho biết: Trong quá trình học, em thường xuyên được tham gia thực tập tại các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Nhờ đó, em được trải nghiệm công việc thực tế, được hướng dẫn quy trình vận hành các loại máy móc, thiết bị. Đây cũng là cơ hội để em rèn luyện, hoàn thiện các kỹ năng mềm cần thiết như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng lập kế hoạch… giúp tăng khả năng tìm kiếm việc làm sau khi tốt nghiệp.
Xây dựng lực lượng lao động có trình độ, kỹ năng, tay nghề, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động, tỉnh đã kiện toàn Ban điều phối kết nối doanh nghiệp với nhà trường, thường xuyên tổ chức các hoạt động kết nối đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp, đào tạo theo địa chỉ gắn với giải quyết việc làm; chú trọng cập nhật thông tin về nhu cầu tuyển dụng, đào tạo, sử dụng lao động của các doanh nghiệp; từ đó, xây dựng các chương trình hợp tác cụ thể giữa doanh nghiệp và cơ sở GDNN.
Sở GDĐT quan tâm, nỗ lực gắn kết các cơ sở GDNN với doanh nghiệp thông qua việc ký kết các biên bản ghi nhớ về việc hỗ trợ phát triển công tác đào tạo. Các cơ sở GDNN đẩy mạnh liên kết, đa dạng các hình thức hợp tác với doanh nghiệp như đào tạo theo đơn đặt hàng; đưa HSSV tới tham quan, thực tập tại doanh nghiệp; tiếp nhận các trang thiết bị, máy móc từ doanh nghiệp tài trợ… góp phần nâng cao chất lượng GDNN, xây dựng nguồn nhân lực có trình độ, kỹ năng, tay nghề, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động.
Phương Anh