Là tỉnh phát triển công nghiệp, Vĩnh Phúc thu hút được nhiều tập đoàn, doanh nghiệp đóng trên địa bàn nên nhu cầu tuyển dụng, sử dụng lao động ngày một tăng, nhất là từ đầu năm 2025 đến nay, nhiều doanh nghiệp nhận được đơn hàng lớn cho cả năm. Vì vậy, tỉnh đã và đang triển khai các giải pháp đáp ứng nhu cầu tuyển dụng lao động cho các doanh nghiệp.
Nhiều doanh nghiệp sản xuất linh kiện điện tử liên tục tuyển dụng lao động. Ảnh: Thế Hùng
Công ty TNHH Haesung Vina, khu công nghiệp (KCN) Khai Quang (Vĩnh Yên) là doanh nghiệp 100% vốn Hàn Quốc, hoạt động từ năm 2011, chuyên sản xuất camera và các loại linh kiện camera cho điện thoại thông minh. Những năm qua, công ty hoạt động hiệu quả và không ngừng tăng vốn đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất nhằm nâng công suất, đảm bảo cung ứng cho các khách hàng chủ đạo như Samsung, Huawei và Oppo.
Ông Lee Jong Young, Tổng Giám đốc công ty cho biết: Được sự quan tâm của tỉnh, hoạt động sản xuất, kinh doanh của Haesung Vina ngày càng phát triển, tạo việc làm cho gần 3.000 lao động với mức lương từ 8 - 10 triệu đồng/người/tháng. Từ năm 2024 đến nay, doanh nghiệp có nhiều đơn hàng mới nên nhu cầu tuyển dụng lao động lớn nhưng gặp khó khăn trong tuyển dụng lao động.
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang có nhu cầu tuyển dụng lao động số lượng lớn như Công ty TNHH BHFlex Vina, Công ty TNHH Jahwa Vina, KCN Khai Quang (Vĩnh Yên); Công ty TNHH Compal Việt Nam, KCN Bá Thiện (Bình Xuyên); Công ty TNHH Solum Vina, KCN Bá Thiện 2 (Bình Xuyên)...
Nếu như năm 2020, các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng gần 11 nghìn lao động, đến năm 2024 đã tăng lên gần 20 nghìn lao động và năm 2025 cần từ 20 - 25 nghìn lao động, tập trung vào 3 nhóm ngành gồm điện tử, thiết bị điện; dệt may, da giày; cơ khí, sản xuất kim loại.
Trả lời các câu hỏi của doanh nghiệp về nguồn cung lao động của tỉnh trong thời gian tới tại hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo UBND tỉnh với các doanh nghiệp cuối tháng 3 vừa qua, đại diện lãnh đạo Sở Nội vụ cho biết: Hết tháng 3/2025, trên địa bàn tỉnh có 17 KCN được thành lập, 13 cụm công nghiệp đi vào hoạt động, thu hút hơn 1.100 dự án đầu tư, tạo việc làm cho hơn 150 nghìn lao động.
Về nguồn cung lao động, tỉnh có hơn 613 nghìn lao động độ tuổi từ 15 trở lên, chiếm gần 34% dân số, trong đó hơn 98% đã có việc làm. Tuy nhiên, trước sự phát triển của các KCN, cụm công nghiệp và chế độ đãi ngộ của một số doanh nghiệp chưa cao dẫn đến nhiều doanh nghiệp khó tuyển dụng được lao động. Các doanh nghiệp thiếu hụt lao động chủ yếu là các doanh nghiệp lắp ráp linh kiện điện tử, gia công hàng may mặc, da giày.
Các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng số lượng lớn lại không thu hút được người lao động, trong khi tình trạng người lao động nghỉ việc, chờ tìm việc mới vẫn chưa được giải quyết. Nguyên nhân là do chính sách phúc lợi, tiền lương, tiền công của các doanh nghiệp chưa đảm bảo, thời gian tăng ca nhiều (bình quân lương, phụ cấp cho người lao động chỉ từ 8 - 10 triệu đồng/người/tháng), trong khi đó, chi tiêu sinh hoạt ngày càng tăng cao dẫn đến tình trạng lao động “nhảy việc”.
Cùng với đó, cơ sở hạ tầng như nhà trẻ, siêu thị, trường học gần KCN, các tiện ích công cộng thiết yếu, nhà ở cho công nhân còn thiếu đồng bộ và chậm được triển khai, ảnh hưởng đến việc thu hút lao động tại các doanh nghiệp.
Trường cao đẳng Kỹ thuật - Công nghệ Vĩnh Phúc ứng dụng công nghệ, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cho các doanh nghiệp. Ảnh: Thế Hùng
Để bảo đảm nguồn cung lao động, đáp ứng hoạt động sản xuất, kinh doanh cho các doanh nghiệp, tỉnh tiếp tục chỉ đạo đơn vị chức năng tăng cường mở rộng nguồn cung cho các doanh nghiệp; phối hợp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức kết nối, đào tạo nghề, bảo đảm nguồn cung cho các doanh nghiệp, nhất là nguồn lao động có tay nghề cao.
Đổi mới, ứng dụng công nghệ thông tin vào kết nối cung cầu lao động; chú trọng đào tạo lại, đào tạo thường xuyên để nâng cao trình độ, kỹ năng nghề, duy trì việc làm ổn định cho người lao động; hướng dẫn các doanh nghiệp xây dựng kế hoạch tuyển dụng, sử dụng lao động có trình độ theo ngành, nghề cụ thể trên phần mềm cung cầu lao động của tỉnh.
Cùng với đó, các doanh nghiệp cần chú trọng cải thiện mức lương, thu nhập và các phúc lợi đi kèm như chỗ ở, đi lại... để thu hút và giữ chân người lao động làm việc ổn định và gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.
Dự kiến, cuối tháng 4/2025, tỉnh sẽ tổ chức hội nghị phát triển nguồn nhân lực, đây là cơ hội để cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho các doanh nghiệp, thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển.
Mai Liên