Sau 75 năm thành lập và phát triển, trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, Vĩnh Phúc đã không ngừng nỗ lực vươn lên, đạt được những thành tựu quan trọng trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt, tỉnh đã vươn lên vị trí tốp đầu cả nước về chất lượng giáo dục.
Trường tiểu học Cao Minh (Phúc Yên) được đầu tư cơ sở vật chất khang trang.
75 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Vĩnh Phúc luôn đoàn kết, sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng phát triển toàn diện, trong đó, ngành GDĐT có vai trò nền tảng nên được tỉnh đặc biệt quan tâm.
Những năm đầu thành lập tỉnh, Vĩnh Phúc cùng các địa phương khác trong cả nước vừa đấu tranh chống thực dân Pháp vừa thực hiện mục tiêu xóa nạn mù chữ, nâng cao dân trí, xây dựng xã hội học tập theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau khi hợp nhất thành tỉnh Vĩnh Phú, người dân Vĩnh Phúc và Phú Thọ đoàn kết cùng nhân dân cả nước xây dựng chủ nghĩa xã hội và kháng chiến chống đế quốc Mỹ cứu nước; không ngừng quan tâm chăm lo sự nghiệp GDĐT để xây dựng đội ngũ trí thức, lao động có trình độ, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ đất nước.
Khi tỉnh Vĩnh Phúc được tái lập (ngày 1/1/1997), ngành GDĐT tỉnh đối mặt với nhiều khó khăn về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên; Trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc phải học nhờ tại điểm trường khác... Trước tình hình đó, tỉnh ban hành nhiều nghị quyết, đề án và chương trình phát triển GDĐT. Năm 1997, tỉnh ban hành Đề án 01 “Phát triển GDĐT của tỉnh đến năm 2000”, khẳng định “GDĐT là quốc sách hàng đầu, là khâu đột phá, là nhân tố quyết định sự phát triển của đất nước”. Tại các kỳ đại hội Đảng bộ tỉnh đều chủ trương đầu tư toàn diện cho ngành GDĐT.
Giáo viên Trường THCS Yên Bình (Vĩnh Tường) tăng cường cho học sinh thực hành thí nghiệm.
Cụ thể hóa các đề án, nghị quyết của tỉnh, ngành GDĐT tỉnh chủ động thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục. Trong đó, tập trung triển khai hiệu quả các cuộc vận động, phong trào thi đua; thực hiện “đổi mới căn bản toàn diện GDĐT" theo Nghị quyết số 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng; duy trì, đẩy mạnh công tác bồi dưỡng học sinh giỏi (HSG) quốc gia, quốc tế; đẩy mạnh dạy học ngoại ngữ, tin học theo chuẩn quốc tế; tăng cường hoạt động trải nghiệm, giáo dục kỹ năng sống; mở rộng quan hệ hợp tác trong và ngoài nước…
Với những giải pháp đó, sự nghiệp GDĐT của tỉnh ngày càng phát triển. Đến nay, mạng lưới trường học được mở rộng với tỷ lệ phòng học kiên cố đạt 92,6% ở bậc mầm non, gần 97% ở bậc tiểu học, 98,2% ở bậc THCS, 100% ở bậc THPT và GDTX; gần 80% số trường đạt chuẩn quốc gia, vượt chỉ tiêu đề ra.
Trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc được đầu tư xây dựng hiện đại, trở thành một trong những trường hàng đầu cả nước và có nhiều cơ chế đặc thù nhằm nâng cao hiệu quả công tác bồi dưỡng HSG quốc gia, quốc tế.
Chất lượng giáo dục của tỉnh có nhiều chuyển biến, vươn lên tốp đầu cả nước về phổ cập giáo dục; kết quả thi tốt nghiệp THPT ngày càng cao, luôn đứng trong tốp đầu cả nước, đặc biệt 2 năm qua, Vĩnh Phúc dẫn đầu cả nước về điểm trung bình các môn thi tốt nghiệp THPT; giáo dục nghề nghiệp phát triển; khuyến học - khuyến tài trở thành điểm sáng của cả nước...
Chất lượng giáo dục mũi nhọn đạt được nhiều thành tích cao. Từ khi tái lập tỉnh đến nay, học sinh Vĩnh Phúc đạt 1.630 giải HSG các môn văn hóa cấp quốc gia; 47 dự án đạt giải tại cuộc thi KHKT dành cho học sinh trung học cấp quốc gia; 1 dự án đạt giải thi KHKT cấp quốc tế; hơn 30 giải HSG các môn văn hóa cấp khu vực và quốc tế; nhiều năm liền có học sinh đoạt huy chương tại các kỳ thi Olympic quốc tế...
Học sinh Vĩnh Phúc cũng ghi nhiều dấu ấn trong các lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao. Tiêu biểu như tại Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc lần thứ X năm 2024, đoàn thể thao học sinh của tỉnh giành 54 huy chương, đứng thứ 12/63 tỉnh, thành phố.
Trường mầm non Hương Canh (Bình Xuyên) chú trọng công tác chăm sóc, giáo dục trẻ. Ảnh: Kim Ly
Công tác giáo dục đạo đức, lối sống và kỹ năng sống cho học sinh góp phần đào tạo những công dân có trách nhiệm và ý thức bảo vệ giá trị văn hóa dân tộc. Bắt nhịp với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ngành GDĐT tỉnh tích cực ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào giảng dạy và nghiên cứu khoa học; đã có nhiều dự án, sản phẩm ứng dụng AI của học sinh Vĩnh Phúc đạt giải Nhất, Nhì trong các cuộc thi về trí tuệ nhân tạo tổ chức phạm vi toàn quốc.
Phó Giám đốc Sở GDĐT Phạm Khương Duy khẳng định: “Ngành GDĐT Vĩnh Phúc phát triển mạnh mẽ qua từng giai đoạn lịch sử, vượt qua nhiều khó khăn và đạt được những thành tựu ấn tượng. Những yếu tố để tạo nên những thành công đó là truyền thống hiếu học của nhân dân, sự quan tâm đầu tư và chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền; sự nỗ lực của toàn ngành GDĐT.
Thời gian tới, ngành GDĐT tỉnh tập trung đổi mới công tác quản lý và giảng dạy, phát triển giáo dục theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, đào tạo những thế hệ trẻ có đủ đức - trí - thể - mỹ, góp phần xây dựng Vĩnh Phúc thành tỉnh giàu có, phồn vinh nhất miền Bắc như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn khi Người về thăm Vĩnh Phúc năm 1963".
Minh Hường