Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, trong 3 tháng đầu năm 2025 đã phát hiện 6 ổ dịch cúm gia cầm tại 4 tỉnh, thành phố; 84 ổ dịch tả lợn châu Phi tại 22 tỉnh, thành phố; 7 tỉnh có ổ dịch bệnh lở mồm long móng; 5 tỉnh có ổ dịch bệnh viêm da nổi cục; buộc tiêu hủy gần 19 nghìn con gia cầm và 5.200 con lợn; đặc biệt 20 người tử vong do bệnh dại tại 13 tỉnh và có 80 động vật tại 22 tỉnh, thành phố buộc phải tiêu hủy do nghi mắc bệnh dại.
Trên địa bàn tỉnh, từ đầu năm 2025 đến nay đã ghi nhận 1 trường hợp tử vong vì bệnh dại tại xã Liễn Sơn, huyện Lập Thạch; phát hiện 1 ổ dịch dại động vật tại xã Hương Sơn, huyện Bình Xuyên. Sở Nông nghiệp và Môi trường đã cấp hóa chất khử trùng, tiêu độc môi trường từ nguồn dự trữ để thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh dại; ban hành văn bản hướng dẫn, xử lý ổ dịch.

Tiêm phòng vắc xin là biện pháp bảo vệ an toàn đàn vật nuôi.
Thực hiện Công điện số 31 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, UBND tỉnh đã ban hành Văn bản số 2876 ngày 16/4/2025, yêu cầu UBND các huyện, thành phố triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật theo đúng quy định.
Chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, UBND cấp xã tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh động vật đến thôn, xóm, hộ chăn nuôi để phát hiện sớm, kịp thời báo cáo.
Tổ chức thông tin, tuyên truyền đến các cơ sở, hộ chăn nuôi và cộng đồng về nguy cơ, tác hại của dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn vật nuôi và chỉ đạo cơ quan chuyên môn hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện các biện pháp vệ sinh phòng bệnh cho đàn vật nuôi, áp dụng các biện pháp kỹ thuật chăn nuôi an toàn sinh học, chủ động tiêm vắc xin phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đạt tối thiểu trên 80% tổng đàn vật nuôi hiện có của huyện.
Chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh, trước pháp luật nếu thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo để xảy ra dịch bệnh gia súc, gia cầm phát sinh trên diện rộng, gây thiệt hại lớn trên địa bàn quản lý.

Các hộ chăn nuôi ở phường Hội Hợp (Vĩnh Yên) chủ động phun thuốc khử trùng môi trường chăn nuôi.
Sở Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với UBND các huyện, thành phố chỉ đạo cơ quan chuyên môn, UBND cấp xã kiểm tra, giám sát, xác minh dịch bệnh gia súc, gia cầm, nhất là các khu vực ổ dịch cũ, khu vực có nguy cơ cao để phát hiện sớm, cảnh báo và xử lý dứt điểm, không để dịch bệnh lây lan diện rộng.
Tăng cường thu thập mẫu, xét nghiệm giám sát chủ động mầm bệnh lưu hành trên địa bàn tỉnh. Phối hợp với các đơn vị chức năng như Công an, Quản lý thị trường... kiểm tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển, giết mổ động vật, sản phẩm động vật, đặc biệt là vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, các trường hợp không báo cáo, giấu dịch, làm lây lan dịch bệnh.
Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với cơ quan Thú y tăng cường giám sát để phát hiện sớm, kịp thời các trường hợp nhiễm, nghi nhiễm các loại bệnh lây từ động vật sang người, đặc biệt là bệnh dại động vật, cúm gia cầm A/H5N1. Trường hợp nghi ngờ, lấy mẫu bệnh phẩm gửi xét nghiệm theo quy định. Sẵn sàng thu dung, cách ly, điều trị ca bệnh và có biện pháp phòng, chống kịp thời.
Vĩnh Phúc là tỉnh có chăn nuôi phát triển, chiếm tỷ trọng 61,6% trong cơ cấu nông nghiệp của tỉnh. Riêng năm 2024, tổng giá trị sản xuất ngành chăn nuôi đạt gần 6,7 nghìn tỷ đồng, tăng 5,03% so với năm 2023. Hiện nay, ngành Nông nghiệp đang triển khai quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm nhằm bảo vệ an toàn đàn vật nuôi.
Mai Liên