Ngăn chặn thực phẩm bẩn xâm nhập thị trường, nhất là dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, lực lượng chức năng tăng cường công tác thanh, kiểm tra tại các chợ dân sinh, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, cơ sở dịch vụ ăn uống, kiểm tra hoạt động vận chuyển thực phẩm... nhằm kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm, xử lý nghiêm theo quy định, tăng hiệu quả phòng, chống ngộ độc thực phẩm, góp phần bảo vệ sức khỏe cho nhân dân vui Tết, đón Xuân an toàn.
Công an huyện Vĩnh Tường kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật về an toàn thực phẩm tại Nhà hàng Trâu Việt, thị trấn Tứ Trưng. Ảnh: Trà Hương
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, Ban Giám đốc Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng Cảnh sát kinh tế, môi trường, công an các huyện, thành phố tăng cường công tác phòng ngừa, đấu tranh và kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực an toàn thực phẩm (ATTP).
Đồng thời chủ động tham mưu, kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về ATTP.
Năm 2024, lực lượng công an đã phát hiện, xử lý 319 vụ việc với 321 đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật về ATTP. Trong đó khởi tố 2 vụ việc với 2 bị can; xử phạt vi phạm hành chính 317 vụ với tổng số tiền hơn 940 triệu đồng; phối hợp với các cơ quan chức năng buộc tiêu hủy gần 13 tấn gia súc, gia cầm và các sản phẩm từ động vật không rõ nguồn gốc, không đảm bảo vệ sinh thú y và 30kg dược liệu; buộc kiểm dịch lại hơn 2,1 tấn gia súc, gia cầm không có giấy kiểm dịch thú y theo quy định.
Điển hình, tháng 8/2024, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường (Công an tỉnh) tiến hành kiểm tra xe ô tô BKS 89C - 265.64 đang lưu thông trên địa bàn xã Vũ Di (Vĩnh Tường), phát hiện trên xe vận chuyển hơn 5 tấn sản phẩm động vật (dạ dày, lòng trâu, bò) và gần 1 tấn gà ủ muối không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo vệ sinh ATTP. Các đối tượng vi phạm đã bị xử phạt hành chính 47 triệu đồng. Toàn bộ số hàng hóa trên đã bị tiêu hủy theo quy định.
Theo nhận định của lực lượng công an, thủ đoạn của các đối tượng phạm tội, vi phạm pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm ngày càng tinh vi, phức tạp. Để tiêu thụ các sản phẩm kém chất lượng với số lượng lớn, các đối tượng sử dụng công nghệ cao, lợi dụng không gian mạng để tiếp cận người tiêu dùng thông qua các chương trình khuyến mãi, tạo lập địa chỉ kinh doanh giả, thuê người nổi tiếng quảng cáo sản phẩm...
Một số cơ sở sản xuất, đóng gói thực phẩm kém chất lượng thường hoạt động vào ban đêm với thủ đoạn che giấu tinh vi gây khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng.
Đặc biệt, trước, trong và sau Tết Nguyên đán, lượng tiêu thụ thực phẩm tăng mạnh, các đối tượng tăng cường hoạt động sản xuất, kinh doanh, vận chuyển thực phẩm giả, kém chất lượng nhằm thu lợi bất chính.
Để chủ động ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật về ATTP, thực hiện cao điểm phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, tấn công trấn áp các loại tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường tăng cường bám sát địa bàn, nêu cao tinh thần trách nhiệm để phát hiện các hành vi vi phạm và có biện pháp ngăn chặn kịp thời.
Cùng với lực lượng công an, trong dịp Tết, lực lượng quản lý thị trường đẩy mạnh triển khai kế hoạch cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Trong đó tăng cường hoạt động kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, sản xuất hàng giả, hàng không đảm bảo chất lượng, không đảm bảo vệ sinh ATTP và gian lận thương mại.
Không chỉ kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn, các kho hàng, điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa, các phương tiện vận tải hàng hóa có dấu hiệu vi phạm pháp luật, lực lượng quản lý thị trường còn chú trọng kiểm tra hoạt động kinh doanh, buôn bán thực phẩm trên các sàn thương mại điện tử.
Tập trung kiểm tra việc thực hiện các điều kiện kinh doanh theo quy định; kiểm tra việc kê khai giá, đăng ký giá, niêm yết giá và bán giá theo niêm yết; kiểm tra hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ hợp pháp của hàng hóa.
Chủ động phát hiện hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng kém chất lượng, không đảm bảo vệ sinh ATTP, hàng hóa quá hạn sử dụng, không qua kiểm dịch theo quy định của pháp luật; sử dụng test, kit kiểm tra nhanh thực phẩm; lấy mẫu kiểm nghiệm các chỉ tiêu ATTP trong trường hợp cần thiết.
Thực hiện Chỉ thị số 18 của UBND tỉnh về việc mở đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, bảo đảm an ninh, trật tự Tết Nguyên đán Ất Tỵ và các lễ hội đầu Xuân năm 2025, từ ngày 15/12/2024 - 14/2/2025, cùng với công tác xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về ATTP, các ngành chức năng, địa phương tiếp tục tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật, cảnh báo nguy cơ mất ATTP đến người tiêu dùng, cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh ở người, đặc biệt là dịch bệnh có nguy cơ bùng phát trong mùa Đông - Xuân... góp phần đảm bảo cho nhân dân vui Xuân, đón Tết an toàn, vui tươi.
Quỳnh Hương