Thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội (KT-XH), nâng cao thu nhập và phúc lợi của người dân, UBND tỉnh đã cụ thể hóa bằng việc triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách an sinh xã hội, chuyển thành quả phát triển kinh tế vào đời sống, đặt quyền lợi của người dân vào trung tâm mọi quyết sách.
Hạ tầng giao thông xã Vĩnh Phú (Vĩnh Tường) được quan tâm đầu tư, tạo diện mạo mới cho các khu dân cư. Ảnh: Chu Kiều
Triển khai Nghị quyết số 12 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về nâng cao thu nhập và phúc lợi của người dân Vĩnh Phúc đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, UBND tỉnh đã xây dựng kế hoạch, giao các sở, ngành, địa phương thực hiện 73 nhiệm vụ cụ thể với 22 chỉ tiêu. Đến hết năm 2024, đã có 17/22 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra.
Theo đó, nhiều chương trình, đề án, kế hoạch đã được tỉnh triển khai, trong đó, trọng tâm là phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập của nhân dân thông qua giải quyết việc làm, nâng cao năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh sản phẩm của các ngành kinh tế; kịp thời tháo gỡ khó khăn để nhà đầu tư, doanh nghiệp yên tâm phát triển sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập cho người lao động.
Đồng thời đẩy mạnh các hoạt động văn hóa - thể thao, tăng mức cung ứng các dịch vụ cơ bản và phúc lợi xã hội để tăng mức thụ hưởng và nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân; đảm bảo đa số người dân có việc làm bền vững, được bình đẳng tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ xã hội…
Năm 2024, tốc độ tăng GRDP của tỉnh đạt hơn 7,5%, cao hơn bình quân chung của cả nước, giá trị GRDP bình quân đầu người đạt 141,3 triệu đồng/người/năm, tăng 8,7% so với năm 2023; số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đạt 1.550 doanh nghiệp, tăng 1,8% so với năm 2023, góp phần tạo thêm việc làm mới cho hơn 20,5 nghìn lao động. Thu nhập bình quân trên địa bàn tỉnh năm 2024 đạt 69,5 triệu đồng/người/năm, tăng 4 triệu đồng so với năm 2023…
Lồng ghép cơ chế, chính sách nâng cao thu nhập và phúc lợi của người dân với việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), lũy kế đến hết năm 2024, toàn tỉnh có 100% xã đạt chuẩn NTM; 42 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 12 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, 200 thôn đạt thôn NTM kiểu mẫu, 13 thôn đạt thôn NTM thông minh; 1 huyện đạt chuẩn huyện NTM nâng cao...
Hiện nay, 9/9 huyện, thành phố có Trung tâm văn hóa - thể thao đảm bảo theo quy định, 100% xã, phường, thị trấn có nhà văn hóa, hội trường từ 250 chỗ ngồi trở lên, có khu thể thao; 100% thôn, tổ dân phố có nhà văn hóa, khu thể thao, trong đó có 90% đạt chuẩn theo quy định.
Các thiết chế văn hóa được đầu tư, tạo điều kiện cho phong trào thể dục thể thao phát triển, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân. Ảnh: Chu Kiều
Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng được tỉnh quan tâm đầu tư, đáp ứng tốt nhu cầu đời sống, sản xuất của người dân, doanh nghiệp. Trong đó, nhiều chỉ tiêu theo Nghị quyết số 12 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đạt và vượt mục tiêu đề ra đến năm 2025 như tỷ lệ giường bệnh/vạn dân đạt 43,6 giường bệnh (vượt 3,6 giường bệnh so với mục tiêu); tỷ lệ dân số đô thị loại IV trở lên được cấp nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung đạt 95% (vượt 15%).
Tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn của Bộ Y tế đạt 82,5% (vượt 12,5%); tỷ lệ hộ gia đình có internet băng thông rộng cố định đạt 86% (vượt 16%); 65% thủ tục hành chính của tỉnh được cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình và một phần…
Đặc biệt, năm 2024, HĐND tỉnh đã thông qua nghị quyết hỗ trợ 100% học phí cho trẻ em mầm non, học sinh phổ thông đang học tại các cơ sở giáo dục công lập, áp dụng bằng mức hỗ trợ học phí tại các cơ sở giáo dục công lập đối với học sinh đang theo học tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập theo quy định, khẳng định sự quan tâm đặc biệt của tỉnh đối với các chính sách an sinh xã hội.
Với phương châm “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, các cơ chế, chính sách về giảm nghèo bền vững được tỉnh đặc biệt quan tâm, đến hết năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 0,44%, giảm 0,17% so với năm 2023, tỷ lệ hộ cận nghèo giảm còn 1,2%, giảm 0,2% so với năm 2023.
Thực hiện các chính sách về bảo trợ, trợ giúp xã hội, đến hết năm 2024, trên địa bàn tỉnh có 45 nghìn người được hưởng trợ cấp xã hội tại cộng đồng, 500 người được chăm sóc, nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội, hơn 17 nghìn người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng được hưởng các chính sách trợ cấp, ưu đãi của tỉnh…
Để mọi người dân đều được hưởng thành quả của sự phát triển, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh thực hiện quy chế dân chủ, tạo điều kiện để nhân dân thực hiện quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm và lợi ích chính đáng; triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao thu nhập, phúc lợi, mức thụ hưởng cho nhân dân, tập trung thực hiện các chính sách giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội.
Đồng thời triển khai đồng bộ các nhiệm vụ cải cách hành chính, chuyển đổi số, xây dựng chính quyền hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tăng cường công tác đối thoại, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng, kịp thời giải quyết kiến nghị, đề xuất chính đáng của nhân dân, từ đó củng cố niềm tin vững chắc của nhân dân vào Đảng và chính quyền các cấp, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển KT- XH.
Hoàng Sơn