Tết cổ truyền đến gần cũng là lúc những hoạt động an sinh xã hội, chăm lo cho người nghèo, người yếu thế trong xã hội được đẩy mạnh hơn bao giờ hết. Với những người này, ngày thường vốn đã khó khăn, ngày Tết trăm thứ phải lo nên khó khăn càng tăng gấp bội. Chăm lo cho họ chính là hành động thiết thực nhất để cùng san sẻ gánh nặng, giảm bớt ưu phiền trong một xã hội công bằng, văn minh…
Làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai) mới rồi một lần nữa trở thành tâm điểm của cả nước sau cái đận tang thương do bão Yagi gây ra cách đây ít tháng. Nhưng lần này, tâm điểm ấy không phải hướng về những mất mát, đau thương mà là sự xúc động dạt dào bởi hành động vô cùng giản dị nhưng chứa đựng cả một trời yêu thương khi một số người dân làng Nủ kiên quyết không nhận nhà tái định cư vừa được xây mới - những gì họ đáng được hưởng. Lý do là họ muốn nhường cho người khác khó khăn hơn.
Người Việt Nam có câu “Lá lành đùm lá rách. Lá rách ít đùm lá rách nhiều” chính là đây. Đau thương, mất mát, hoang mang, lo lắng… có đủ nhưng khi được Đảng, Nhà nước và nhân dân cả nước quan tâm, chăm sóc, người làng Nủ không vì thế mà ỷ lại. Từ chủ động nhường cơm, sẻ áo, cho ở nhờ những lúc bà con mình khó khăn đến từ chối nhận quà để dành cho người khác là cả một quá trình đi từ tự phát lên tự giác.
Tất nhiên, để có được quá trình ấy cần có sự tương tác từ 2 phía. Thứ nhất là sự quan tâm, chăm sóc kịp thời, đúng lúc, đúng chỗ, đúng thời điểm và đúng mức của Đảng, các cấp chính quyền và các tổ chức, cá nhân. Thứ hai là nhận thức đúng đắn về lòng biết ơn và tinh thần "uống nước nhớ nguồn" của người dân.
Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Tam Đảo hỗ trợ người dân thị trấn Hợp Châu vay vốn hộ nghèo để phát triển kinh tế.
Người xưa thường bảo cho đi tức là nhận lại. Nhưng người xưa cũng nhấn mạnh thêm rằng của cho không bằng cách cho. Công tác chăm lo cho người nghèo, người yếu thế vì thế được coi là hoạt động nhạy cảm. Huy động vốn để giúp đỡ không minh bạch và thiếu khoa học sẽ dẫn đến sự bất mãn trong xã hội, thậm chí vướng vòng lao lý. Chăm sóc không đúng đối tượng, sai mục đích và không phù hợp thời điểm dễ dẫn đến tình trạng tiền mất mà không mang lại hiệu quả.
Thực tế từng có chuyện “dê cho người nghèo đi lạc vào nhà quan xã” hay “vốn ngân hàng chính sách chảy nhầm vào nhà người thân lãnh đạo” là bởi người thực hiện công tác an sinh xã hội thiếu công tâm hoặc cố tình lập lờ đánh lận con đen để làm điều có lợi cho bản thân và người quen.
Thực tế cũng từng có chuyện người được hưởng chế độ chăm sóc không nhận quà vì thái độ trịch thượng của người trao tặng. Ấy là chưa kể giá trị phần quà nhận được chẳng bao nhiêu mà tổ chức lễ trao tặng rùm beng, không tương xứng khiến họ ngậm ngùi, tổn thương.
Có câu “Tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống”. Nhà đã rách, bịt chỗ này gió lùa chỗ kia, có khi chằng đụp sai cách lại làm chỗ rách rộng thêm. Thế nên việc chăm lo cho người nghèo, người yếu thế, bên cạnh tình đồng bào còn rất cần sự tính toán khoa học, biết đặt mình vào vị trí người thụ hưởng.
Ví như với người chăm chỉ và có đầu óc nhanh nhẹn, nên cung cấp vốn và cây, con giống cùng kiến thức sản xuất cho họ làm cần câu vươn lên thoát nghèo. Cũng hoàn cảnh ấy nhưng chủ sự lại chậm chạp trong tư duy mà cứ nhất quyết trao tiền, tặng bò cho họ thì chỉ dăm bữa nửa tháng, đảm bảo mọi thứ đâu lại hoàn đấy…
Thời gian gần đây, rút kinh nghiệm việc này, nhiều tổ chức, cá nhân trên cả nước đã chuyển sang làm công tác an sinh xã hội theo kiểu lấy hiệu quả làm đầu, hạn chế tối đa hình thức phô trương.
Chẳng hạn, người không có khả năng thoát nghèo vì điều kiện khách quan sẽ thường xuyên được hỗ trợ lương thực, thực phẩm. Người có khả năng thoát nghèo được hỗ trợ sinh kế. Người khó khăn về nhà ở thay vì thỉnh thoảng được nhận vài phần quà nhỏ sẽ được dồn kinh phí hỗ trợ xây nhà mới. Tóm lại là phải hỗ trợ những thứ họ cần chứ không thể trao tặng những thứ mình thích, mình sẵn có chỉ để lấy danh.
“Không để ai bị bỏ lại phía sau” thực sự là câu nói đầy ý nghĩa và trách nhiệm. Tuy nhiên, để câu nói này không nằm trên giấy, không phải hô khẩu hiệu thì trước hết mỗi người đừng “bỏ chạy về phía trước” mà hãy cùng dắt tay nhau tiến lên phía trước.
Quang Nam