Sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nhất là nguồn lực con người để phát triển nhanh, bền vững trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, Vĩnh Phúc tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp (GDNN) nhằm xây dựng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Sáp nhập Trường cao đẳng Nghề Vĩnh Phúc và Trường cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Vĩnh Phúc tạo tiền đề để xây dựng cơ sở giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong giai đoạn mới.
Thực hiện mục tiêu xây dựng cơ sở GDNN chất lượng cao đáp ứng yêu cầu cung cấp nguồn nhân lực chất lượng, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ hiện đại phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành Đề án sáp nhập Trường cao đẳng Nghề Vĩnh Phúc vào Trường cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Vĩnh Phúc và đổi tên thành Trường cao đẳng Kỹ thuật - Công nghệ Vĩnh Phúc.
Ngày 29/11/2024, Bộ LĐ-TB&XH đã ban hành Quyết định số 1974 về việc sáp nhập Trường cao đẳng Nghề Vĩnh Phúc vào Trường cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Vĩnh Phúc; 2 trường đang khẩn trương phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành các nội dung sáp nhập theo quy định.
Trước đó, Trường cao đẳng Nghề Vĩnh Phúc và Trường cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Vĩnh Phúc đều được Bộ LĐ-TB&XH phê duyệt đào tạo nghề trọng điểm, được UBND tỉnh giao đào tạo nghề chất lượng cao; chất lượng đào tạo được người học, doanh nghiệp, người sử dụng lao động, nhân dân tin tưởng, ghi nhận.
Tuy nhiên, chức năng, nhiệm vụ của 2 cơ sở GDNN cơ bản tương đồng; tổ chức bộ máy chưa thực sự tinh gọn, có các khoa, phòng, trung tâm trùng lặp; 2 đơn vị đều chưa đáp ứng đủ tiêu chí theo quy định để phát triển thành trường chất lượng cao; cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học chưa khai thác sử dụng hết công năng…
Việc sáp nhập 2 trường sẽ tạo điều kiện để thống nhất quy định chức năng, nhiệm vụ, sắp xếp đồng bộ các phòng, khoa chuyên môn, ngành nghề đào tạo.
Đồng thời tạo điều kiện để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu về đào tạo ở những chuyên ngành còn thiếu giáo viên, nhất là các mã ngành, nghề mới phù hợp với nhu cầu và xu thế phát triển của xã hội; phát huy lợi thế cơ sở vật chất, thiết bị, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên; tăng năng lực cạnh tranh, năng lực liên kết đào tạo, đào tạo theo yêu cầu… đáp ứng cung cầu nguồn nhân lực chất lượng cao cho thị trường lao động, yêu cầu phát triển của tỉnh trong giai đoạn mới.
Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tỉnh tích cực đổi mới chương trình đào tạo, đáp ứng nhu cầu thị trường và phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Ảnh: Trà Hương
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực luôn được tỉnh xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra mục tiêu định hướng phát triển kinh tế - xã hội là: “Thực hiện hiệu quả chiến lược phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao”.
Với định hướng đó, tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng GDNN; ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ đào tạo nghề; đẩy mạnh công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và trung học phổ thông; dành nguồn lực đầu tư, nâng cấp hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học theo hướng đồng bộ, hiện đại, chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở GDNN thuộc tỉnh đạt trình độ khu vực ASEAN và quốc tế.
Đồng thời rà soát, sắp xếp các cơ sở GDNN bảo đảm quy mô, cơ cấu và hợp lý về ngành, nghề, trình độ đào tạo, chuẩn hóa, hiện đại hóa, có phân tầng chất lượng, gắn với yêu cầu và xu hướng phát triển của thị trường lao động; chú trọng đào tạo các ngành, nghề, lĩnh vực có thế mạnh gắn với nhu cầu thị trường lao động; khuyến khích doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề, gắn hoạt động của doanh nghiệp với cơ sở GDNN...
Để nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu thị trường, các cơ sở GDNN tích cực đổi mới nội dung, chương trình, phương thức đào tạo; xây dựng giáo trình đào tạo tiên tiến, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; chú trọng đào tạo kỹ năng nghề gắn với kỹ năng mềm, văn hóa doanh nghiệp, tác phong công nghiệp; đẩy mạnh liên kết với doanh nghiệp trong các hoạt động đào tạo nghề.
Với các giải pháp đồng bộ, chất lượng GDNN trên địa bàn tỉnh ngày càng được nâng cao; quy mô đào tạo được mở rộng, cơ bản đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn lao động của tỉnh.
Trung bình mỗi năm, các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh tuyển sinh mới hơn 20.000 học sinh, sinh viên; tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm đúng ngành, nghề được đào tạo trong vòng 1 năm kể từ khi tốt nghiệp đạt hơn 80%, trong đó, các nghề trọng điểm đạt hơn 90%.
Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, nguồn nhân lực chất lượng cao càng có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng, là điều kiện tiên quyết bảo đảm thành công cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, duy trì tăng trưởng nhanh, bền vững của đất nước và mỗi địa phương.
Để tạo đột phá về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, Vĩnh Phúc tiếp tục rà soát, sắp xếp các cơ sở GDNN; tăng cường nguồn lực cho GDNN, nâng cấp và chuẩn hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện đào tạo theo hướng đồng bộ, hiện đại, tiếp cận với thiết bị đào tạo của các nước trong khu vực ASEAN và thế giới.
Chỉ đạo các cơ sở GDNN đổi mới nội dung, chương trình, phương thức đào tạo, kết hợp giữa lý thuyết và thực hành, đào tạo tại nhà trường kết hợp với đào tạo tại doanh nghiệp.
Đồng thời nâng cao hiệu quả liên kết, hợp tác về GDNN giữa nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của người dân và xã hội về tầm quan trọng của GDNN đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, của đất nước; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của toàn xã hội về ý nghĩa của việc học nghề, kỹ năng nghề trong tiếp cận việc làm, nâng cao thu nhập.
Lê Mơ