Vĩnh Phúc được đánh giá là địa phương có độ “mở” kinh tế lớn, thu hút nhiều doanh nghiệp, tập đoàn có vốn đầu tư nước ngoài uy tín, vốn lớn. Trên cơ sở đó, tỉnh đã và đang triển khai nhiều giải pháp để nâng hệ thống logistics - “xương sống” của chuỗi cung ứng lên vị trí xứng tầm với tiềm năng, góp phần hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội (KT - XH) cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.
Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc đi vào hoạt động tạo điều kiện thuận lợi cho các khu công nghiệp, nhà máy trong việc thực hiện thủ tục thông quan hàng hóa. Ảnh: Nguyễn Lượng
Vĩnh Phúc có vị trí thuận lợi trong giao lưu phát triển kinh tế với các địa phương trong vùng và khu vực nhờ giáp ranh với Thủ đô Hà Nội, gần cảng hàng không quốc tế Nội Bài, hệ thống giao thông đường bộ kết nối các tỉnh phía Bắc thông qua tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai - Côn Minh (Trung Quốc)...
Hội tụ những điều kiện thuận lợi trong phát triển các ngành kinh tế, nhất là dịch vụ logistics, tỉnh thường xuyên quan tâm đầu tư, quy hoạch các trung tâm đấu nối vận chuyển; có cơ chế ưu đãi cho các đơn vị, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này.
Đến nay, toàn tỉnh có gần 500 doanh nghiệp hoạt động xuất, nhập khẩu, tập trung vào một số thị trường lớn như Hoa Kỳ, Trung Quốc, EU, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc… kéo theo đó là những dịch vụ logistics trọn gói như phân phối hàng hóa, trung chuyển container, thông quan hàng hóa nội địa, xếp dỡ, vận chuyển, kho ngoại quan... phát triển mạnh mẽ.
Chi cục Hải quan Vĩnh Phúc đẩy mạnh thực hiện biện pháp nghiệp vụ nhằm nâng cao hiệu quả thu ngân sách Nhà nước, chống thất thu thuế từ các hoạt động xuất, nhập khẩu của doanh nghiệp. Ảnh: Nguyễn Lượng
Cùng với đó, toàn tỉnh có hơn 1.300 đơn vị kinh doanh dịch vụ vận tải hàng hóa, đóng vai trò quan trọng giúp hệ thống logistics hoạt động hiệu quả.
Từ chủ trương thu hút đầu tư có chọn lọc, ưu tiên ngành công nghiệp công nghệ cao, thân thiện với môi trường, giai đoạn 2016 - 2020, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh tăng từ 4.328 triệu USD lên 13.951 triệu USD.
Riêng năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của tỉnh đạt 16,3 tỷ USD, tăng 12,55% so với năm 2023. Trong đó, các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực gồm hóa chất và sản phẩm hóa chất, gỗ và sản phẩm gỗ, linh kiện phụ tùng ô tô, xe máy, linh kiện điện tử, giày dép, quần áo, sắt, thép các loại…
Một trong những điểm nhấn trong chiến lược phát triển ngành dịch vụ logistics của tỉnh phải kể đến dự án Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc với quy mô hơn 83ha tại thị trấn Hương Canh và xã Sơn Lôi (Bình Xuyên) có tổng vốn đầu tư gần 3.800 tỷ đồng, công suất 530.000 TEU/năm do liên danh Tập đoàn T&T Group Việt Nam và Tập đoàn YCH (Singapore) làm chủ đầu tư.
Hiện, dự án đã đi vào hoạt động với 3 chức năng gồm cung cấp dịch vụ logistics, cảng cạn ICD, thông quan hàng hóa, cung cấp các dịch vụ gia tăng, đáp ứng tốt nhu cầu vận tải hàng hóa container trên địa bàn tỉnh và các tỉnh khu vực phía Bắc.
Để nâng tầm Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc trở thành trung tâm logistics lớn và hiệu quả nhất Việt Nam, chủ đầu tư dự án đã bắt tay với Tổng Công ty Hàng không Việt Nam tích hợp kho hàng không kéo dài vào 100% dịch vụ/mô hình thương mại của hãng; hợp tác với Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam dự kiến xây dựng nhánh đường sắt kết nối tuyến đường sắt quốc gia vào khu vực dự án; hợp tác với Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam khai thác lợi thế của “siêu” cảng, thúc đẩy vận tải đa phương thức.
Đồng thời tổ chức lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác phát triển các nền tảng tùy chỉnh, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ xuất khẩu hàng hóa sang thị trường châu Á với Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam nhằm từng bước xây dựng chuỗi cung ứng các dịch vụ logistics và giải pháp đô thị, dịch vụ hậu cần thông minh.
Trong tương lai, chủ đầu tư định hướng đưa công nghệ thực tế ảo với mô hình "Park within a Park" vào hoạt động quản lý, điều hành chuỗi cung ứng tại Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc dựa trên nền tảng tự động hóa như hệ thống lưu trữ và lấy hàng tự động, xe dẫn đường tự động điều hướng, hệ thống quản lý tồn kho bằng máy bay không người lái, robot di động… giúp tối ưu hóa không gian lưu trữ và giảm thiểu 95% thời gian vận chuyển hàng hóa trong kho.
Công ty TNHH công nghệ thông minh ASSA ABLOY Việt Nam (Bình Xuyên) xuất khẩu thuận lợi sản phẩm sang các nước Mỹ, Anh, Pháp, Colombia… thông qua chuỗi liên kết logistics. Ảnh: Nguyễn Lượng
Ngoài ra, máy bay không người lái và hệ thống camera cố định giúp rút ngắn thời gian hoàn thành việc kiểm đếm hàng hóa. Đây cũng là giải pháp được Tập đoàn YCH triển khai thành công tại Thành phố chuỗi cung ứng - Supply Chain City ở Singapore.
Qua đó không chỉ tạo đột phá cho ngành logistics của Việt Nam nói chung mà còn góp phần kết nối Vĩnh Phúc với các nước trong khối ASEAN và quốc tế nói riêng.
Tận dụng tối đa các cơ hội để đón đầu các chuỗi cung ứng, cụ thể hóa Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh đã quan tâm quy hoạch hệ thống logistics, kho hàng hóa tại huyện Vĩnh Tường với dự án xây dựng kho vận kết hợp với chợ đầu mối nông sản, thực phẩm Tân Tiến có diện tích 93 ha, trong đó khu vực kho vận chuyển hàng hóa có diện tích gần 17,5 ha.
Đồng thời định hướng 2 vị trí đất kho tàng bến bãi, logistics tập trung trên địa bàn xã Hoàng Đan (Tam Dương) có diện tích 39 ha và khu vực ga Hướng Lại (Vĩnh Tường) với diện tích 25 ha nhằm phát triển mạng lưới kết nối, thúc đẩy hình thành các chuỗi cung ứng xanh, hiện đại, đáp ứng nhu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.
Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông hiện đại, đồng bộ, thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa; hỗ trợ doanh nghiệp logistics chuyển đổi số, nâng cao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực... Từ đó tạo dựng nền tảng vững chắc để Vĩnh Phúc từng bước trở thành trung tâm cung ứng dịch vụ logistics tầm cỡ khu vực.
Ngọc Lan