Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị mà nòng cốt là lực lượng công an và sự đồng tình ủng hộ của quần chúng nhân dân, tình hình an ninh trật tự (ANTT) tại các "điểm nóng” đã có những chuyển biến tích cực. Phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” được củng cố, phát huy hiệu quả; phạm pháp hình sự, tội phạm ma túy giảm... Đó là tín hiệu tích cực trong công tác chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự an toàn xã hội (TTATXH), góp phần giữ vững cuộc sống bình yên cho nhân dân.
Cán bộ công chức xã Ngọc Thanh (Phúc Yên) phối hợp với lực lượng công an xã tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân. Ảnh: Trường Khanh
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Công an về phòng, chống tội phạm, Công an tỉnh tham mưu Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tỉnh thường xuyên quan tâm chỉ đạo Ban Chỉ đạo cấp huyện, cấp xã quán triệt, thực hiện nghiêm túc việc rà soát, chuyển hóa các địa bàn trọng điểm, phức tạp về TTATXH.
Ban Chỉ đạo các cấp giao công an là cơ quan thường trực, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức tuyên truyền, vận động và thực hiện các biện pháp nhằm chuyển hóa tại các địa bàn.
Năm 2024, trên cơ sở kết quả rà soát các địa bàn trọng điểm, phức tạp về TTATXH, Hội đồng thẩm định địa bàn trọng điểm, phức tạp về TTATXH tỉnh chọn xã Ngọc Thanh, thành phố Phúc Yên và thị trấn Gia Khánh, huyện Bình Xuyên để thực hiện công tác chuyển hóa địa bàn trọng điểm.
Tại 2 địa bàn được lựa chọn chuyển hóa, lực lượng công an tăng cường triển khai các biện pháp nghiệp vụ; tổ chức rà soát, lên danh sách các ổ nhóm tội phạm, các đối tượng có biểu hiện nghi vấn hoạt động phạm tội; xây dựng kế hoạch phòng ngừa, răn đe các loại đối tượng, đấu tranh triệt xóa các ổ nhóm tội phạm, tệ nạn xã hội.
Thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về ANTT ở địa bàn cơ sở. Tăng cường quản lý cư trú, nhân khẩu. Nắm chắc hoạt động của các cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT; tiến hành rà soát, lên danh sách các cơ sở có biểu hiện hoạt động phức tạp để lên phương án đấu tranh, triệt xóa hoặc vô hiệu hóa, không để phát sinh phức tạp.
Trong năm 2024, lực lượng chức năng đã tiến hành kiểm tra 54 lượt cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT, từ đó phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm.
Công an đã huy động lực lượng, sử dụng đồng bộ các biện pháp để đấu tranh, trấn áp, xử lý mạnh các loại tội phạm xảy ra trên địa bàn. Năm 2024, Công an xã Ngọc Thanh và Công an thị trấn Gia Khánh đã tiếp nhận 45 tố giác, tin báo tội phạm; giải quyết 36/45 tin, đạt tỷ lệ 80%; 100% tin báo đều được giải quyết theo đúng quy định. 100% vụ phạm tội về trật tự xã hội được điều tra, làm rõ.
Nhờ đó, tình hình ANTT trên địa bàn thực hiện chuyển hóa tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực; không để hình thành các tụ điểm, ổ nhóm phức tạp; không xảy ra các vụ việc nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Đến nay, 2 địa bàn được Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tỉnh công nhận chuyển hóa đạt.
Vĩnh Phúc là tỉnh có tốc độ phát triển kinh tế nhanh nên thu hút số lượng lớn công nhân, người lao động từ các địa bàn khác đến sinh sống, làm việc, trong đó có những đối tượng có nhân thân xấu nên gây khó khăn cho công tác quản lý nhân, hộ khẩu, quản lý đối tượng; tiềm ẩn phức tạp về ANTT...
Để phát huy kết quả đạt được trong công tác chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về TTATXH, các cấp, ngành tiếp tục quán triệt, thực hiện hiệu quả văn bản chỉ đạo của Trung ương, Bộ Công an về nhiệm vụ này.
Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền trong công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật. Đẩy mạnh đấu tranh, trấn áp, xử lý các loại tội phạm và vi phạm pháp luật nhằm kiềm chế, giảm tội phạm.
Nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước về ANTT, quản lý cư trú, quản lý ngành, nghề kinh doanh có điều kiện về ANTT… không để các đối tượng lợi dụng hoạt động phạm tội.
Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật với nhiều nội dung, hình thức phù hợp, tập trung vào các địa bàn trọng điểm, phức tạp cần chuyển hóa; kết hợp giữa tuyên truyền phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội với vận động nhân dân chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật.
Thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá việc chuyển hóa địa bàn; định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm và đề ra các biện pháp để thực hiện việc chuyển hóa địa bàn phù hợp với tình hình thực tế; kịp thời động viên, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về TTATXH.
Thu Nhàn