Liên hiệp các Hội Kỹ thuật Việt Nam (gọi tắt là Liên hiệp Hội) được thành lập theo Quyết định số 121/HĐBT ngày 29/7/1983 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ). Ngày 26/3/1983, Liên hiệp Hội Việt Nam tổ chức hoa học và Kđại hội lần thứ nhất; đến nay đã 40 năm và trải qua 8 kỳ đại hội.
Ngày 11/4/1988, Bộ Chính trị ra Chỉ thị số 35-CT/TW “về củng cố tổ chức và đẩy mạnh hoạt động của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam”. Chỉ thị khẳng định: “Khoa học và kỹ thuật ngày càng chiếm vị trí quan trọng trong lực lượng sản xuất của xã hội. Đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật của nước ta đã được tập hợp lại trong các Hội khoa học và kỹ thuật và có vai trò vô cùng quan trọng trong cách mạng khoa học và kỹ thuật” và “Liên hiệp Hội có hệ thống tổ chức từ Trung ương đến tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương”; “Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật các tỉnh, thành phố đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, Thành ủy, đặc khu ủy”. Đây là văn bản đầu tiên của Đảng về tổ chức Liên hiệp Hội.
10 năm sau, ngày 11/11/1998, Bộ Chính trị ra Chỉ thị số 45-CT/TW “về đẩy mạnh hoạt động của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kkỹ thuật Việt Nam” đã biểu dương toàn hệ thống Liên hiệp Hội: “Liên hiệp Hội đã có những đóng góp tích cực vào đời sống chính trị, xã hội của đất nước”. Ở văn bản này, lần đầu tiên Đảng khẳng định:“Liên hiệp Hội là một tổ chức chính trị - xã hội của trí thức khoa học và công nghệ Việt Nam, cùng với các tổ chức chính trị xã hội khác tạo thành lực lượng nòng cốt trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước…”.
Quán triệt các quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, ngày 21/10/2002, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy có Tờ trình số 02-TTr/TG “về việc thành lập Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Vĩnh Phúc” gửi Thường trực Tỉnh ủy, trong đó, đề xuất thành lập Ban vận động thành lập Liên hiệp Hội gồm 11 người.
Ngày 24/10/2002, Thường trực Tỉnh ủy có Thông báo số 319-TB/TU đồng ý thành lập Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Vĩnh Phúc” và “giao UBND tỉnh quyết định thành lập Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật".
Thực hiện sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, ngày 28/7/2003, UBND tỉnh ra Quyết định số 2770/QĐ-UBND: “Thành lập Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Vĩnh Phúc (gọi tắt là Liên hiệp Hội Vĩnh Phúc). Liên hiệp Hội Vĩnh Phúc là tổ chức chính trị-xã hội của trí thức, hoạt động trong tất cả các lĩnh vực khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh…”; “Chỉ định Ban Chấp hành lâm thời của Liên hiệp Hội Vĩnh Phúc gồm Chủ tịch, 2 Phó Chủ tịch và các ủy viên”.
Như vậy, ngày 28/7/2003 là ngày ra đời của Liên hiệp Hội Vĩnh Phúc - ngôi nhà chung của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ tỉnh nhà. Từ đó đến nay, trải qua 20 năm xây dựng và đổi mới, vì mục tiêu phát triển, Liên hiệp Hội Vĩnh Phúc đã đạt được những thành quả tự hào.
20 năm qua, Liên hiệp Hội Vĩnh Phúc hoạt động trong bối cảnh có nhiều thuận lợi, khó khăn đan xen về nhiều mặt, nhưng cán bộ, hội viên đã đoàn kết, chung sức, đồng lòng vượt qua thách thức, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, được Tỉnh ủy đánh giá: “Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Liên hiệp Hội ngày càng phát triển, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động với nhiều hình thức phong phú, thiết thực, sáng tạo và đạt được nhiều kết quả nổi bật, góp phần vào nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh và ngày càng khẳng định rõ nét vị trí là tổ chức chính trị-xã hội của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ với vai trò tập hợp, đoàn kết, động viên đội ngũ trí thức của tỉnh”.
Thật vậy, trước hết về củng cố tổ chức bộ máy, phát triển hội viên và các hội thành viên của Liên hiệp Hội. Khi tiến hành đại hội lần thứ nhất (tháng 1/2004) có 6 hội thành viên. Sau 10 năm xây dựng và phát triển, Liên hiệp Hội Vĩnh Phúc có 19 hội thành viên với hơn 15.000 hội viên là những nhà khoa học, cán bộ quản lý, người lao động làm việc trong các trung tâm khoa học, cơ quan, đơn vị liên quan trực tiếp đến khoa học và công nghệ. Đến nay, vào tuổi 20 đầy sức sống, Liên hiệp Hội Vĩnh Phúc đã phát triển lên 21 hội thành viên và 3 trung tâm trực thuộc, với gần 20.000 hội viên.
Điều đáng chú ý là các hội thành viên được thành lập ở hầu khắp các cơ quan, đơn vị khoa học liên quan đến hoạt động khoa học và công nghệ.
Được sự quan tâm sâu sắc của Tỉnh ủy, ngày 3/12/2020, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra Quyết định số 70-QĐ/TU về việc thành lập và chỉ định thành viên Đảng đoàn Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025. Theo quyết định, Đảng đoàn Liên hiệp Hội gồm 5 đồng chí. Đồng chí Chủ tịch Liên hiệp Hội được chỉ định làm Bí thư Đảng đoàn. Đây là sự kiện rất có ý nghĩa bởi Liên hiệp Hội có Đảng đoàn đã khẳng định vai trò, vị trí và vị thế trong hệ thống chính trị của tỉnh.
Cùng với công tác xây dựng hệ thống tổ chức hội, những năm qua, Liên hiệp Hội đã làm tốt công tác tư vấn, phản biện và giám định xã hội theo tinh thần Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 16/4/2010 của Bộ Chính trị và Quyết định số 906/QĐ-UBND ngày 25/4/2012 của UBND tỉnh “Ban hành quy định về hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Vĩnh Phúc”.
Từ năm 2012 đến tháng 6/2023, Liên hiệp Hội đã tổ chức tư vấn, phản biện 70 nội dung, nhiệm vụ do Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh giao, đồng nghĩa với việc cơ quan thường trực tổ chức 70 hội nghị khoa học để các chuyên gia khoa học ở các cơ quan khoa học Trung ương và tỉnh nhà thực hiện tư vấn, phản biện các đề tài được giao. Hoạt động tư vấn, phản biện của Liên hiệp Hội được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đánh giá cao, tin tưởng tính khoa học của hoạt động này, đồng thời được các cơ quan, ban, ngành trong tỉnh tôn trọng.
Tổ chức Hội thi Sáng tạo kỹ thuật cũng là nhiệm vụ của Liên hiệp Hội. Hội thi do Quỹ Hỗ trợ Sáng tạo VIFOTEC thuộc Liên hiệp Hội Việt Nam tổ chức với quy chế 2 năm 1 kỳ. Đối với tỉnh, UBND tỉnh ra quyết định thành lập Ban Tổ chức hội thi gồm các đơn vị: Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật (cơ quan thường trực chủ trì) phối hợp với LĐLĐ tỉnh, Tỉnh Đoàn, Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức hội thi.
Từ năm 2007 đến nay, Liên hiệp Hội Vĩnh Phúc tổ chức 9 kỳ hội thi với 718 giải pháp kỹ thuật của 1.264 tác giả tham gia dự thi. Kết quả, có 243 giải thưởng được trao cho các tác giả và đồng tác giả (14 giải Nhất, 36 giải Nhì, 70 giải Ba và 123 giải Khuyến khích). Rất đáng tự hào bởi có một số giải pháp kỹ thuật đạt giải cao tại hội thi của tỉnh đã được xếp giải tại hội thi toàn quốc.
Hội thi Sáng tạo kỹ thuật đã thu hút nhiều đối tượng tham gia, điển hình là các thầy, cô giáo ở các trường: Đại học công nghệ giao thông vận tải Vĩnh Phúc, đại học Sư phạm Hà Nội II, cao đẳng Nghề Vĩnh Phúc, cao đẳng Công nghiệp và Thương mại Phúc Yên, cao đẳng Kinh tế-Kỹ thuật Vĩnh Phúc... cùng nhiều cơ quan, ban, ngành của tỉnh.
Do đạt được nhiều thành tích trong hoạt động, Liên hiệp Hội Vĩnh Phúc được UBND tỉnh, Hội đồng Trung ương Liên hiệp Hội Việt Nam nhiều lần tặng Bằng khen. Đặc biệt, năm 2019, Liên hiệp Hội Vĩnh Phúc được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng III.
Trong bối cảnh khó khăn nhiều hơn thuận lợi, nhưng 20 năm qua, không xảy ra những tiêu cực về phẩm chất chính trị, quan điểm tư tưởng, lối sống và vi phạm pháp luật Nhà nước trong hoạt động chuyên môn của toàn hệ thống Liên hiệp Hội. Có lẽ đó là thành quả lớn nhất, quan trọng nhất của những người trí thức khoa học và công nghệ.
20 năm chưa phải là dài, nhưng cũng đủ thời gian để tạo nên độ chín trong tư duy. Với Liên hiệp Hội, dù còn có những hạn chế, thiếu sót, nhưng chắc chắn trong những năm tới, Liên hiệp Hội sẽ biết “gạn đục khơi trong”, đoàn kết, phấn đấu hết mình với tư cách và năng lực của người trí thức để xây dựng Liên hiệp Hội trở thành tổ chức chính trị-xã hội vững mạnh, xứng đáng là ngôi nhà chung của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ tỉnh nhà.
Đỗ Việt Trì
(Nguyên Trưởng Ban vận động thành lập Liên hiệp Hội Vĩnh Phúc)