Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, hồi 7 giờ ngày 17/7, vị trí tâm bão số 1 ở vào khoảng 20,1 độ Vĩ Bắc; 113,1 độ Kinh Đông, cách bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc) khoảng 290km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (118-133km/giờ), giật cấp 15.
Dự báo đường đi của bão số 1 (bão Talim) .
Dự báo, từ gần sáng ngày 18/7, vùng ven biển khu vực từ Quảng Ninh đến Nam Định có gió mạnh dần lên cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8, vùng gần tâm bão cấp 9-10, giật cấp 13; khu vực sâu trong đất liền phía Đông Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9.
Từ đêm 17/7 đến ngày 19/7, ở khu vực Bắc bộ có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 200-350mm, cục bộ có nơi trên 500mm, ảnh hưởng đến các tỉnh Đông Bắc bộ, trong đó có tỉnh Vĩnh Phúc, đề phòng các hiện tượng mưa lớn, giông lốc, gió giật mạnh, sạt lở đất, ngập úng.
Đây là cơn bão đầu tiên năm 2023 với cường độ mạnh đổ bộ vào đất liền sau những đợt nắng nóng kéo dài nên dự báo sẽ có nhiều diễn biến bất thường với mức độ nguy hiểm tăng cao.
Để chủ động ứng phó với bão số 1, UBND tỉnh đã ban hành văn bản, công điện chỉ đạo các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan nêu cao tinh thần cảnh giác, khẩn trương triển khai các phương án, kế hoạch ứng phó với bão số 1.
Trong đó, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh (trực tiếp là Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh) tổ chức trực ban, nắm chắc tình hình, chủ động chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các sở, ngành, địa phương triển khai công tác ứng phó cụ thể, sát với diễn biến của bão, mưa lũ, kịp thời báo cáo, đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo những vấn đề vượt thẩm quyền.
Rà soát, chủ động triển khai sơ tán người dân ra khỏi các nhà yếu không đảm bảo an toàn, khu vực nguy cơ bị ngập sâu. Chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn hệ thống đê điều, nhất là vị trí xung yếu hoặc đang thi công. Sẵn sàng tiêu úng bảo vệ sản xuất nông nghiệp, khu đô thị và khu công nghiệp có nguy cơ ngập lụt.
Chỉ đạo, hướng dẫn, triển khai công tác bảo đảm an toàn, hạn chế thiệt hại về nhà ở, kho tàng, trụ sở, công trình công cộng, khu công nghiệp, nhà máy... Kiểm soát việc đi lại, tổ chức phân luồng, hướng dẫn giao thông, hạn chế người dân ra đường trong thời gian ảnh hưởng của bão, mưa lũ lớn.
Chủ động di dời, sơ tán dân tại khu vực ngập sâu, chia cắt, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất; chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm theo phương châm “bốn tại chỗ" để sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống.
Kiểm tra, rà soát, chủ động biện pháp đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ xung yếu; bố trí lực lượng thường trực để sẵn sàng vận hành điều tiết và xử lý các tình huống.
Kiểm soát, hướng dẫn, phân luồng giao thông, nhất là qua các ngầm tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy siết; bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi xảy ra mưa lớn. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời cứu hộ, cứu nạn và khắc phục nhanh hậu quả mưa, lũ.
Báo Vĩnh Phúc, Đài PT-TH tỉnh, Cổng thông tin giao tiếp điện tử tỉnh và các cơ quan thông tin truyền thông đóng trên địa bàn tỉnh tăng cường thời lượng phát tin về diễn biến của bão, mưa lũ để các cấp chính quyền, người dân biết, chủ động phòng tránh, ứng phó…
Tin, ảnh: Nguyễn Khánh