Sáng 6/7, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức hội nghị trực tiếp kết hợp với trực tuyến toàn quốc quán triệt, triển khai Chỉ thị số 23, ngày 25/5/2023 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm TTATGT trong tình hình mới.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Hoàng Anh và các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Vĩnh Phúc. Ảnh: Trường Khanh
Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương dự và chỉ đạo hội nghị.
Các đồng chí: Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; Trần Lưu Quang, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia chủ trì hội nghị.
Dự hội nghị tại điểm cầu Vĩnh Phúc có các đồng chí: Phạm Hoàng Anh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Trung Hải, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Vũ Việt Văn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Đại tá Đinh Ngọc Khoa, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh.
Những năm qua, để tăng cường công tác bảo đảm TTATGT và khắc phục ùn tắc giao thông, ngày 4/9/2012, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 18 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm TTATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông.
Sau 10 năm triển khai thực hiện, Chỉ thị số 18 được khẳng định là chủ trương đúng đắn, kịp thời, có ý nghĩa quan trọng đối với công tác bảo đảm TTATGT nói riêng và sự nghiệp phát triển KT-XH của đất nước nói chung.
Chỉ thị số 18 được các cấp ủy Đảng, chính quyền từ Trung ương đến địa phương tổ chức quán triệt và triển khai nghiêm túc, được các tầng lớp nhân dân ủng hộ và thực hiện có hiệu quả. Ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn, các tuyến quốc lộ trọng điểm đã có xu hướng cải thiện; vi phạm về chở hàng quá tải trên đường bộ đã giảm mạnh; số vụ, số người tử vong và số người bị thương do tai nạn giao thông tiếp tục giảm sâu. Số vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe khách, xe tải đã được kiềm chế.
Từ năm 2012 - 2022 toàn quốc đã xảy ra 190.020 vụ, làm tử vong 76.439 người, bị thương 165.824 người; so với 10 năm trước giảm 37% số vụ, 29% số tử vong và 44% số người bị thương. Công tác tuần tra kiểm soát, xử lý hành vi vi phạm an toàn giao thông được đẩy mạnh. Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đã có bước phát triển mạnh mẽ…
Bên cạnh những kết quả tích cực, sau 10 năm thực hiện, Chỉ thị số 18 vẫn còn một số tồn tại hạn chế. Công tác quản lý nhà nước về TTATGT trong một số lĩnh vực chưa hiệu quả, chậm khắc phục; việc ban hành các văn bản dưới luật về công tác bảo đảm TTATGT còn nhiều bất cập, không đồng bộ; hạ tầng giao thông ở một số địa bàn chưa đáp ứng yêu cầu vận tải và đi lại của nhân dân; kết quả kiềm chế và làm giảm tai nạn giao thông chưa vững chắc; tình trạng ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn, trọng điểm còn phức tạp…
Việc ban hành Chỉ thị số 23 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm TTATGT trong tình hình mới là rất kịp thời và phù hợp với thực tiễn. Qua đó, góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ, tích cực hơn nữa trong bảo đảm TTATGT, phục vụ nhiệm vụ phát triển KT-XH của đất nước trong giai đoạn tới.
Tại hội nghị, các bộ, ngành, địa phương đã tập trung thảo luận, đánh giá các nội dung lớn: Tổng kết đánh giá, làm rõ những kết quả đã đạt được và kinh nghiệm, những cách làm hay, sáng tạo trong thực hiện Chỉ thị số 18 của Ban Bí thư để nhân rộng.
Phân tích làm rõ những vấn đề tồn tại, khó khăn, vướng mắc trong công tác bảo đảm TTATGT. Từ đó, kiến nghị các giải pháp khắc phục, góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm TTATGT thời gian tới…
Tập trung nghiên cứu, quán triệt, triển khai nội dung Chỉ thị số 23 của Ban Bí thư, nhất là những vấn đề mới. Đồng thời, thảo luận các biện pháp để thực hiện có hiệu quả những mục tiêu, yêu cầu mà Ban Bí thư đã đề ra trong chỉ thị…
Phát biểu kết luận hội nghị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai ghi nhận và đánh giá cao kết quả đạt được của cả hệ thống chính trị sau 10 năm triển khai Chỉ thị số 18 trong thực hiện công tác bảo đảm TTATGT.
Đồng thời, nhấn mạnh, tình hình TTATGT sẽ có nhiều yếu tố mới phát sinh, phức tạp hơn. Các loại tội phạm, hành vi vi phạm pháp luật trên các tuyến giao thông có xu hướng tăng. Do đó, để đảm bảo TTATGT, các cấp ủy, tổ chức Đảng trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tổ chức, quán triệt Chỉ thị số 23 và thực hiện nghiêm túc.
Xây dựng chương trình, kế hoạch hành động cụ thể, thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện, hướng đến 6 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong Chỉ thị số 23. Hằng năm, báo cáo Ban Bí thư kết quả thực hiện; 5 năm tổ chức sơ kết; 10 năm tổng kết, đánh giá toàn diện việc quán triệt và tổ chức thực hiện Chỉ thị số 23…
Kim Hiền