Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, Vĩnh Phúc đã đẩy mạnh các hoạt động chăm lo, đảm bảo đời sống nhân dân. Trong đó, các vấn đề an sinh xã hội được đặc biệt quan tâm, các đối tượng chăm lo ngày càng được mở rộng, từ đó tạo ra một khí thế mới, động lực mới vì một Vĩnh Phúc phồn vinh và phát triển bền vững.
Nhờ chú trọng công tác đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Vĩnh Phúc ngày càng chủ động được nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp lớn trên địa bàn. (Trong ảnh: Người lao động Vĩnh Phúc tại một phiên giao dịch việc làm)
Theo quan điểm của tỉnh, các hoạt động đảm bảo an sinh xã hội đều phải là những hành động, công việc cụ thể, hướng tới những con người, mục đích cụ thể, chứ không phải là những chương trình, kế hoạch nằm trên giấy, càng không phải những dự định tương lai. Chính vì vậy, nhiều năm gần đây, nguồn chi đảm bảo an sinh xã hội của tỉnh không ngừng được tăng lên.
Ví như năm 2023, giao dự toán chi khoảng hơn 1 nghìn tỷ đồng, tăng 1,13 lần so với năm 2022 và gấp 4,45 lần so với năm 2021. Trong 2 năm gần đây đã xây dựng 364 nhà đại đoàn kết với tổng kinh phí 25,5 tỷ đồng. Chi từ Hội Chữ thập đỏ cho công tác an sinh xã hội gần 2 tỷ đồng. Tỉnh cũng bổ sung từ ngân sách cấp tỉnh, cấp huyện cho ngân hàng chính sách cho vay giảm nghèo, tạo việc làm là 118 tỷ đồng; lũy kế nguồn vốn từ ngân sách tỉnh bổ sung cho vay giảm nghèo, tạo việc làm đạt hơn 655 tỷ đồng.
Đối tượng chăm lo được mở rộng, thể hiện rõ nét qua việc quan tâm, chăm lo của tỉnh đối với đồng bào gặp khó khăn do dịch Covid-19 ở Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương trong cả nước. Trong thời gian cao điểm dịch Covid-19, để đảm bảo an toàn cho người dân được về tỉnh, từ tháng 7/2021 đến tháng 12/2021, tỉnh đã đón hơn 30.000 công dân về tỉnh, đã thuê 7 chuyên cơ, chủ động đón hơn 1.200 công dân có hoàn cảnh khó khăn đang học tập, sinh sống tại các địa phương có dịch bệnh diễn biến phức tạp về tỉnh. Đối với công dân Vĩnh Phúc ở lại các địa phương có hoàn cảnh khó khăn, tỉnh đã hỗ trợ tiền mặt và gạo để đảm bảo đời sống của nhân dân.
Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 được tỉnh cụ thể hóa bằng các nghị quyết, quyết định, kế hoạch và tập trung thực hiện. Việc tổ chức chỉ đạo, triển khai lồng ghép các chương trình, dự án được thực hiện nghiêm túc, đi vào nền nếp đã phát huy hiệu quả các nguồn vốn từ ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và các nguồn vốn huy động khác. Các cấp, ngành và chủ đầu tư dự án đã có sự phối hợp tốt, chủ động triển khai thực hiện các nội dung của chương trình theo quyết định của UBND tỉnh đảm bảo đúng mục tiêu, mục đích sử dụng của nguồn vốn.
Các hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được quan tâm hỗ trợ từ các cấp chính quyền cùng sự tham gia của các đơn vị, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm. Chính sách hỗ trợ các đối tượng thuộc hộ gia đình không có khả năng thoát nghèo theo Nghị quyết 14/2020 của HĐND tỉnh tiếp tục được các địa phương tổ chức thực hiện.
Với sự vào cuộc mạnh mẽ từ các cấp chính quyền và sự nỗ lực vươn lên của chính các hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 1,51% năm 2021 còn 0,99% vào cuối năm 2022 và ước thực hiện năm 2023 còn khoảng 0,7%, vượt trước 3 năm so với mục tiêu đại hội đề ra (đến năm 2025 còn dưới 1%) và thấp hơn nhiều so với tỷ lệ chung toàn quốc năm 2022 là 7,52%. Tỷ lệ hộ cận nghèo giảm từ 2,1% xuống còn 1,7% (giảm 0,4%).
Công tác bảo trợ, trợ giúp xã hội tiếp tục được đặc biệt quan tâm, mức chuẩn trợ giúp xã hội được HĐND tỉnh ban hành tại Nghị quyết số 10/2021 cao hơn so với mức chuẩn của Chính phủ đã tạo điều kiện để đối tượng bảo trợ xã hội được hưởng mức sống ổn định. Cùng với đó, các mức chuẩn trợ cấp xã hội, mức trợ cấp nuôi dưỡng đối tượng được chăm sóc, nuôi dưỡng của tỉnh đều cao hơn 1,65 lần so với mức chuẩn trợ cấp do Trung ương quy định.
Bên cạnh đó, công tác xã hội hóa trong việc hỗ trợ đối tượng yếu thế, đặc biệt là người nghèo bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhận được sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là đối với nhóm người nghèo với mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội so với lực lượng lao động ước năm 2023 đạt 45%, vượt trước 2 năm so với mục tiêu nghị quyết.
Chế độ chính sách đối với người có công và thân nhân người có công được đảm bảo, việc giải quyết chế độ chính sách được thực hiện theo đúng quy trình về thủ tục hành chính và đã có 17.500 đối tượng chính sách được chi trả trợ cấp hằng tháng.
Các hoạt động thăm hỏi, tặng quà gia đình chính sách, đối tượng cứu trợ xã hội nhân dịp Tết Nguyên đán được triển khai thực hiện tốt, bình quân hằng năm có hơn 35 nghìn lượt đối tượng được trao quà với số tiền 70 tỷ đồng/năm.
Kế hoạch tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin được ban hành. Các hoạt động tri ân các anh hùng, thương binh, liệt sĩ, gia đình và người có công với cách mạng được thực hiện hiệu quả. Chính sách đặc thù hỗ trợ điều dưỡng phục hồi sức khỏe đối với người có công với cách mạng và hỗ trợ hằng tháng đối với thanh niên xung phong đã hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến trong và ngoài tỉnh được thực hiện tốt theo Nghị quyết số 20/2021 của HĐND tỉnh.
Tỉnh cũng chỉ đạo các cơ quan chức năng đổi mới phương thức, nâng cao hiệu quả hoạt động giới thiệu việc làm, cung cấp thông tin cung - cầu lao động, nhằm kịp thời kết nối thông tin giữa nhà tuyển dụng đến người lao động có nhu cầu việc làm nhanh chóng, thuận tiện. Tăng cường thực hiện hỗ trợ người lao động tìm việc làm phù hợp với trình độ, ngành nghề chuyên môn, độ tuổi; hỗ trợ các nhà đầu tư đầu tư trên địa bàn tỉnh tuyển dụng lao động, trong đó ưu tiên lao động là người địa phương; giảm thiểu tối đa tỷ lệ thất nghiệp, tỷ lệ thiếu việc làm. Vì vậy bình quân giai đoạn 2020-2023, toàn tỉnh giải quyết việc làm cho hơn 18.900 lao động/năm, vượt chỉ tiêu đại hội đề ra.
Công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em được quan tâm. Các hoạt động phòng, chống xâm hại, hành hạ, ngược đãi trẻ em được tăng cường, trong đó đã tổ chức hàng chục hội nghị truyền thông phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em, triển khai chiến dịch truyền thông lưu động, trao hàng nghìn suất quà cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn, trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt.
Các chính sách đối với đồng bào dân tộc được triển khai tốt. Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã được các cấp, ngành triển khai hiệu quả, qua đó đã cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc và nhân dân vùng sâu, xa, vùng miền núi khó khăn…
Với những kết quả quan trọng như trên, có thể khẳng định công tác bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được Vĩnh Phúc triển khai đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả, có tác động tích cực đến sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội bền vững của địa phương, được đông đảo nhân dân đồng tình ủng hộ.
Bài, ảnh: Quang Nam