Năm 2022, Vĩnh Phúc được đánh giá là địa phương chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng chuyển đổi số, ứng dụng mạnh mẽ, tiên phong các công nghệ số, dữ liệu số trong tất cả các lĩnh vực KT - XH, đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của chính quyền, góp phần xây dựng nền hành chính công hiệu quả, minh bạch.
Viettel Vĩnh Phúc đẩy nhanh công cuộc số hóa, ứng dụng trên thiết bị di động, cung cấp các dịch vụ thiết yếu phục vụ sinh hoạt hằng ngày cho người dân.Ảnh: Nguyễn Lượng
Trên cơ sở các văn bản của Trung ương, Tỉnh uỷ và tình hình thực tế triển khai nhiệm vụ về chuyển đổi số, năm 2022, các cơ quan thuộc Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh đã phối hợp, tham mưu với UBND tỉnh ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, cơ chế, chính sách liên quan đến triển khai thực hiện chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh gồm: 1 Chỉ thị của Tỉnh uỷ, 1 Nghị quyết của HĐND tỉnh; 1 Chỉ thị, 9 Quyết định và 11 Kế hoạch của UBND tỉnh. Đồng thời, giao chỉ tiêu, nhiệm vụ chuyển đổi số cho thủ trưởng các cơ quan, chủ tịch UBND các huyện, thành phố và thí điểm mô hình chuyển đổi số tại 4 xã, thị trấn.
Xác định hành động đầu tiên trong chuyển đổi số là chuyển đổi nhận thức, UBND tỉnh đã chỉ đạo các các cơ quan, đơn vị, địa phương tích cực tuyên truyền đến cán bộ, công chức, viên chức, doanh nghiệp (DN), người dân thay đổi nhận thức, coi chuyển đổi số thực sự là thời cơ, vận hội, từ đó ứng dụng các thành tựu của chuyển đổi số phục vụ cho chính cơ quan, đơn vị, cho cộng đồng và xã hội.
Hiện nay, công cụ tuyên truyền về chuyển đổi số của tỉnh rất đa dạng, phong phú thông qua các kênh như Website chuyển đổi số tỉnh Vĩnh Phúc (http://chuyendoiso.vinhphuc.gov.vn); chuyên trang chuyển đổi số của Cổng Thông tin-Giao tiếp điện tử tỉnh (https://vinhphuc.gov.vn/chinhquyendt/Pages/home.aspx); chuyên mục chuyển đổi số tỉnh Vĩnh Phúc của Báo Vĩnh Phúc (http://baovinhphuc.com.vn/chuyen-muc/cat/170/Chuyen-doi-so-tinh-Vinh-Phuc).
Thành lập nhóm Zalo “Chuyển đổi số Vĩnh Phúc”; 1.239 tổ công nghệ số cộng đồng tại các xã, phường, thị trấn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh với gần 5.000 người tham gia, lực lượng chủ chốt là đoàn viên thanh niên, hội phụ nữ, hội nông dân và 175 cán bộ của Bưu điện tỉnh, Viettel Vĩnh Phúc.
Nhằm phổ cập dạy học chuyển đổi số, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 177 ngày 8/7/2022 thực hiện Đề án "Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh".
Đến nay, đã có 331/331 trường từ tiểu học đến trung học phổ thông thực hiện chuyển đổi số, 100% cơ sở giáo dục khai thác, sử dụng các kho học liệu trực tuyến dùng chung trên các nền tảng số, 100% cơ sở giáo dục sử dụng các nền tảng số để thông tin, liên lạc với phụ huynh về tình hình học tập của học sinh (bao gồm cả ứng dụng mạng xã hội), 100% cơ sở giáo dục phổ thông triển khai công tác dạy và học trực tuyến trong thời điểm dịch Covid-19.
Là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông đã tham mưu với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản quan trọng liên quan đến nhiệm vụ chuyển đổi số của tỉnh; chỉ đạo các đơn vị viễn thông tập trung nâng cao chất lượng các dịch vụ, đầu tư hạ tầng phục vụ chuyển đổi số.
Từ ngày 1/1/2022, phần mềm một cửa, dịch vụ công (DVC) trực tuyến iGate của tỉnh chính thức sử dụng, truy cập tại địa chỉ dichvucong.vinhphuc.gov.vn.
Đến nay, đã kết nối 744 DVC trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 với Cổng DVC quốc gia, đã thực hiện trên 9.000 giao dịch thanh toán trực tuyến qua nền tảng thanh toán của Cổng DVC quốc gia, với tổng số tiền giao dịch hơn 8 tỷ đồng.
Tháng 4/2022, hệ thống LGSP tỉnh được cài đặt, vận hành tại Trung tâm Hạ tầng thông tin đã thiết lập nền tảng chia sẻ, tích hợp dùng chung tỉnh, kết nối với Cổng thanh toán tập trung Quốc gia và đến các cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành trung ương.
Ngày 4/10/2022, Sở Thông tin và Truyền thông đã khai trương nền tảng xã hội số Vĩnh Phúc ID, ứng dụng sử dụng trên thiết bị di động, cung cấp các dịch vụ thiết yếu phục vụ sinh hoạt hằng ngày cho người dân.
Đặc biệt, Trung tâm Hạ tầng thông tin tỉnh và các doanh nghiệp lớn trên địa bàn đều có trung tâm dữ liệu vận hành hiệu quả các ứng dụng và cơ sở dữ liệu. Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến gồm 1 điểm tập trung tại UBND tỉnh, 2 điểm tại các sở, ngành, 9 điểm tại UBND các huyện, thành phố, 136 xã, phường, thị trấn phục vụ các cuộc họp từ Trung ương đến cấp tỉnh, cấp huyện, xã bảo đảm linh hoạt, thuận tiện, góp phần tiết kiệm thời gian, kinh phí.
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh, hiện, phần lớn các sở, ngành, địa phương, DN và địa phương đều ứng dụng chuyển đổi số.
Hiện nay, Vĩnh Phúc có 11.250 chữ ký số, trong đó gần 8.000 chữ ký số của DN, 3.294 chữ ký số cá nhân do VNPT Vĩnh Phúc, Viettel Vĩnh Phúc cung cấp cho người dân, DN trên địa bàn tỉnh sử dụng để ký số, xác thực, thực hiện trong các giao dịch điện tử dưới các hình thức cung cấp thiết bị và sử dụng như Token, Sim, HSM, Smart.
Thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh tương đối phát triển, rất nhiều người dân có tài khoản điện tử, mua sắm hàng hóa trực tuyến; 100% các siêu thị, trung tâm thương mại có thiết bị thanh toán - POS không dùng tiền mặt; 55% người từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại tổ chức tín dụng; 65% cá nhân, tổ chức sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt mà sử dụng qua các kênh thanh toán điện tử; 100% DN sử dụng nền tảng hóa đơn điện tử.
Để đạt mục tiêu đến năm 2025, Vĩnh Phúc vào nhóm 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu về chuyển đổi số, thời gian tới, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh phát triển hạ tầng số phục vụ xây dựng nền tảng số, dữ liệu số; củng cố an toàn thông tin, an ninh mạng; phát triển dữ liệu số, nguồn nhân lực, tổ chức các chương trình đào tạo chuyên sâu cho cán bộ làm về công nghệ thông tin, hình thành đội ngũ chuyên gia có đủ năng lực tham mưu xây dựng chính quyền điện tử.
Mai Liên