Kỷ niệm 60 năm Ngày Bác Hồ về thăm Vĩnh Phúc (1963-2023), ngành GDĐT tỉnh tự hào báo công dâng Bác khi là địa phương có chất lượng giáo dục đứng tốp đầu cả nước. Những yếu tố quan trọng để giáo dục Vĩnh Phúc đạt được thành tựu rực rỡ đó là truyền thống hiếu học của người dân, sự quan tâm đặc biệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền và sự nỗ lực của toàn ngành trong việc phát triển giáo dục theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Vĩnh Phúc quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học khang trang, hiện đại
Tự hào về thành tích với gần 400 người đỗ đạt khoa bảng từ thời Nho học phát triển và thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phát triển GDĐT, những năm qua, Vĩnh Phúc đã phát huy mạnh mẽ truyền thống hiếu học của cha ông, xây dựng nhiều công trình văn hóa lưu danh những bậc hiền tài để giáo dục thế hệ trẻ như Đền thờ nhà giáo Đỗ Khắc Chung tại Làng Tiến sĩ (Làng Quan Tử, xã Sơn Đông, huyện Lập Thạch); Đền thờ Trạng nguyên Phạm Công Bình (xã Đồng Văn, huyện Yên Lạc); Văn Miếu tỉnh thờ 86 vị đỗ hàng đại khoa… Theo dòng chảy nhân văn ấy, người dân Vĩnh Phúc ngày càng quan tâm, chú trọng việc học tập của con em; các nhà trường nỗ lực vượt khó, thi đua “Dạy tốt - Học tốt".
Với tư duy và tầm nhìn chiến lược về yếu tố con người, Vĩnh Phúc ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, xây dựng nhiều cơ chế chính sách, tạo động lực cho ngành Giáo dục làm tròn sứ mệnh "Nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài".
Điển hình như năm 1997, trước vô vàn khó khăn khi mới tái lập, tỉnh đã ban hành Đề án 01 về “Phát triển GDĐT đến năm 2000” tạo điều kiện để ngành Giáo dục tỉnh mở rộng và phát triển quy mô; đa dạng hóa các hình thức giáo dục; hình thành những vùng giáo dục phát triển mạnh, trường chất lượng cao… Nghị quyết số 10 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII về phát triển giáo dục tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 là kim chỉ nam hành động để Vĩnh Phúc phát triển giáo dục theo hướng đổi mới và hội nhập.
Xác định “GDĐT là quốc sách hàng đầu. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho sự phát triển", hằng năm, tỉnh và các huyện, thành phố bố trí từ 20-40% ngân sách đầu tư cho giáo dục. Nhờ đó, mạng lưới trường học phát triển rộng khắp. Nếu như năm 1997 (tính cả huyện Mê Linh đã thuộc Hà Nội), toàn tỉnh có 475 trường học với tỷ lệ phòng học cao tầng đạt 37%, thì nay toàn tỉnh có 509 trường học với tỷ lệ phòng học kiên cố đạt từ 93-100%, trang thiết bị dạy học đảm bảo.
Giáo viên các trường học tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng tăng thực hành, rèn kỹ năng
Đội ngũ cán bộ, giáo viên (CB, GV) được tuyển dụng, bổ sung hằng năm và được chú trọng bồi dưỡng, đào tạo. Đến nay, toàn ngành có khoảng 17.000 CB, GV, NV với trình độ đạt chuẩn trở lên cấp THPT là 100%, THCS 90%, tiểu học hơn 70%, mầm non 93%. Đội ngũ CB, GV có tư tưởng chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, tâm huyết với nghề. Cơ sở vật chất khang trang và đội ngũ vừa “hồng”, vừa “chuyên” là nền tảng vững chắc để ngành Giáo dục nâng cao chất lượng.
Tỉnh liên tục tăng mức khen thưởng đối với học sinh giỏi (HSG), sinh viên giỏi, cán bộ quản lý, giáo viên có HSG, sinh viên giỏi, đưa Vĩnh Phúc trở thành một trong các địa phương có mức khen thưởng cao nhất toàn quốc đối với học sinh đạt giải HSG quốc tế. Chính sách thu hút nhân tài của tỉnh cũng từng bước tạo “hạt giống đỏ” để nâng cao chất lượng giáo dục bền vững…
Lãnh đạo tỉnh còn dành sự quan tâm đặc biệt đối với ngành Giáo dục. Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan đã trực tiếp đối thoại với hơn 500 cán bộ quản lý của ngành và Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành đã nhiều lần làm việc, giao nhiệm vụ, truyền cảm hứng cho đội ngũ CB, GV về tính cấp thiết phải đổi mới, tạo sự đột phá trong giáo dục; đồng thời, tháo gỡ khó khăn, khơi thông "điểm nghẽn" để thúc đẩy GDĐT phát triển toàn diện.
Khắc ghi lời dạy của Bác, ngành Giáo dục Vĩnh Phúc luôn phát huy tính chủ động, sáng tạo của người học, lấy người học làm trung tâm. Đội ngũ CB, GV luôn nêu gương sáng cho học sinh; quan tâm chăm lo đến từng đối tượng học sinh.
Trong công tác chuyên môn, đội ngũ CB, GV tích cực đổi mới công tác quản lý, đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá theo Nghị quyết 29 của Trung ương về “Đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT”; tăng cường dạy học Tiếng Anh, Tin học, tạo nền tảng phát triển giáo dục trong thời đại số…
Quan điểm đề cao vai trò xã hội hóa giáo dục của Chủ tịch Hồ Chí Minh trở thành phương châm giáo dục để các cấp ủy Đảng, chính quyền, ngành Giáo dục và người dân Vĩnh Phúc chung tay chăm lo sự nghiệp "trồng người".
Bước tiến mới trong thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục thời gian qua đó là Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành được bầu làm Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh và chỉ trong hơn 2 năm, từ nguồn xã hội hóa, Quỹ Khuyến học-Khuyến tài tỉnh từ con số 0 tăng lên hơn 50 tỷ đồng, được sử dụng để khen thưởng, hỗ trợ hàng trăm học sinh, giáo viên có thành tích cao, góp phần thúc đẩy công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội trên địa bàn tỉnh phát triển ở tầm cao mới…
Học sinh đạt huy chương Olympic quốc tế năm 2021 được tỉnh khen thưởng
Sự quan tâm đầu tư của tỉnh, sự nỗ lực của toàn ngành GDĐT cùng sự đồng hành, ủng hộ của nhân dân giúp ngành Giáo dục tỉnh thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Từ năm 2019, Vĩnh Phúc là một trong những tỉnh, thành phố có tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia (CQG) cao nhất cả nước, 100% trường đạt CQG theo tiêu chuẩn của Bộ GDĐT giai đoạn 2015-2020 và hiện có 162 trường đạt CQG theo tiêu chí mới của Bộ GDĐT giai đoạn 2021-2025.
Bước đầu thực hiện có hiệu quả Chương trình Giáo dục phổ thông mới. Chất lượng giáo dục của Vĩnh Phúc vươn lên tốp đầu toàn quốc. Vĩnh Phúc là 1 trong 4 tỉnh của cả nước đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 3, đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 3; đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2
Kết quả thi tốt nghiệp THPT đạt cao, trong đó, năm 2022, đứng thứ 2 toàn quốc. Trong 25 năm qua, Vĩnh Phúc đạt hơn 1.460 giải HSG cấp quốc gia; 37 giải HSG khu vực, quốc tế, liên tục 4 năm vừa qua có học sinh đoạt huy chương Olympic quốc tế.
Tại các sân chơi trí tuệ khác, học sinh Vĩnh Phúc tạo dấu ấn mạnh, nổi bật là năm 2022, đạt giải Nhất khối học sinh THPT tại cuộc thi "Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp" cấp quốc gia; giành Cúp vô địch toàn quốc tại cuộc thi Vietnam Robotics Challenge…
Tiếp nối truyền thống hiếu học của dân tộc và những thành tựu đạt được, Vĩnh Phúc tiếp tục bám sát mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, trọng tâm là phát triển GDĐT theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế, từ đó, góp phần hiện thực hóa lời căn dặn của Bác Hồ khi về thăm Vĩnh Phúc năm 1963 “Phải làm cho Vĩnh Phúc thành một trong những tỉnh giàu có, phồn thịnh nhất ở miền Bắc nước ta”.
Bài, ảnh: Minh Hường