Thời gian qua, dù các cơ quan chức năng liên tục cảnh báo thủ đoạn mạo danh cảnh sát giao thông gọi điện thoại thông báo "phạt nguội" nhằm thực hiện các hành vi lừa đảo, nhưng tình trạng này vẫn còn xảy ra rất phổ biến. Hành vi trên không chỉ tạo ra "cái bẫy" với những người nhẹ dạ cả tin mà còn là mối phiền phức với những người đã đề phòng từ trước.
Theo quy định, tất cả các trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông đều được lực lượng cảnh sát giao thông gửi thông báo bằng văn bản (phạt nguội) tới chủ phương tiện
Những cuộc gọi phiền phức
Dù chưa có ô tô nhưng anh N.V.M, phường Đồng Tâm, thành phố Vĩnh Yên bất ngờ nhận được cuộc gọi từ “Cục Cảnh sát giao thông đường bộ” thông báo ô tô của anh vi phạm lỗi quá tốc độ và bị camera ghi lại, đề nghị bấm phím 9 để biết thêm chi tiết.
“Dù đã giải thích rằng tôi chưa có ô tô thì làm sao vi phạm được nhưng tư vấn viên của tổng đài vẫn yêu cầu tôi kết nối với Cục Cảnh sát giao thông để cung cấp thông tin, lấy số biên bản kiểm tra.
Nhận thấy dấu hiệu lừa đảo, tôi kiên quyết không thực hiện và ngỏ ý tắt máy thì đầu dây bên kia lập tức văng tục với thái độ gắt gỏng kèm theo những lời hăm dọa khiến tôi rất bực mình” - anh N.V.M chia sẻ.
Bức xúc trước các cuộc gọi “rác” mạo danh lực lượng cảnh sát giao thông nhằm lừa đảo, anh T.V.N, xã Thanh Vân, huyện Tam Dương cho biết: Dù đã đề phòng nhưng nếu ai không “cứng” rất dễ bị lừa. Đặc biệt, khi thấy người dân cảnh giác thì những đối tượng này chuyển sang dọa nạt, thông báo đây là yêu cầu “phạt nguội” cuối cùng cần phải khẩn trương chấp hành.
Theo anh N, không chỉ một lần mà thời gian qua liên tục nhận cuộc gọi từ các đầu số 0031, 0018, 0061… thông báo “phạt nguội” vi phạm giao thông. Nếu không sớm chuyển tiền đóng phạt thì khi phương tiện đi đăng kiểm sẽ không được chấp nhận, lưu thông trên đường sẽ bị cảnh sát giao thông xử lý rất nặng.
“Tôi thấy lạ là những cuộc gọi này tự xưng là tổng đài viên của Cục Cảnh sát giao thông thông báo vi phạm nhưng lại đặt ra những câu hỏi: Anh/chị đã nhận được biên bản xử phạt chưa? Hoặc anh/chị gây tai nạn giao thông (có thời gian, địa điểm)... đến nay đã quá thời hạn xử lý; đề nghị anh/chị cung cấp số biên bản, nếu chưa nhận được biên bản, yêu cầu anh/chị cung cấp tên, tuổi, địa chỉ, số chứng minh nhân dân/căn cước công dân, số hộ chiếu, số tài khoản ngân hàng... để Cục Cảnh sát giao thông, Phòng cảnh sát giao thông cung cấp cho anh/chị số biên bản, hành vi vi phạm, hình thức xử lý, số tiền xử phạt…” - anh T.V.N bức xúc.
Trao đổi với phóng viên, anh Nguyễn Mạnh Quỳnh, một kỹ sư công nghệ thông tin cho biết: Những cuộc điện thoại giả danh thường được các đối tượng sử dụng phần mềm công nghệ cao (voice over IP - cách gọi sử dụng ứng dụng truyền tải giọng nói qua mạng máy tính), giả số điện thoại hiện trên màn hình, giả số điện thoại công khai của các cơ quan nhà nước để gọi điện đến thuê bao di động, điện thoại bàn của người dân gây hoang mang, lo sợ nhằm khai thác thông tin cá nhân, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Đây là thủ đoạn không mới nhưng vẫn có rất nhiều người dân hoang mang, lo lắng thậm chí mất tiền vì nhẹ dạ cả tin.
Người dân cần cẩn trọng
Thực tế, chiêu trò mạo danh cảnh sát giao thông thông báo người vi phạm luật giao thông bị “phạt nguội” để thực hiện các hành vi lừa đảo không mới. Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã liên tục cảnh báo người dân không làm theo hướng dẫn của các đối tượng để tránh bị lừa đảo, mất tiền.
Theo quy định, tất cả các trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông được phát hiện thông qua hệ thống giám sát hoặc các thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ đều được lực lượng cảnh sát giao thông gửi thông báo bằng văn bản (phạt nguội) tới chủ phương tiện hoặc người điều khiển phương tiện vi phạm, đề nghị đến đơn vị phát hiện vi phạm để xử lý.
Ngoài ra, khi đăng kiểm phương tiện, người điều khiển, chủ phương tiện sẽ được các cơ quan đăng kiểm thông tin về trường hợp vi phạm và đề nghị tới đơn vị cảnh sát giao thông phát hiện vi phạm để xử lý rồi mới tiếp tục được đăng kiểm.
Các trường hợp vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông qua hình ảnh đều có thông báo vi phạm bằng văn bản của cơ quan chức năng đến chủ phương tiện.
Theo Phòng CSGT đường bộ - đường sắt, Công an tỉnh, đặc thù của việc xử lý phạt nguội phải thực hiện qua nhiều giai đoạn. Trước hết phải ghi hình các hành vi vi phạm, sau đó trích xuất hình ảnh để có đủ yếu tố xử phạt (thời gian vi phạm, địa điểm vi phạm, tín hiệu giao thông, biển số đăng ký phương tiện), hoàn thành hồ sơ phiếu báo xác định hành vi vi phạm kèm thông báo vi phạm và chuyển đến người vi phạm bằng thư gửi bảo đảm qua đường bưu điện.
Sau 15 ngày mà người vi phạm vẫn chưa đến cơ quan chức năng để phối hợp giải quyết vụ việc vi phạm hành chính thì Phòng CSGT đường bộ - đường sắt sẽ phối hợp với công an phường, xã, thị trấn để gửi lại thông báo vi phạm tới chủ phương tiện.
Thủ đoạn giả danh cơ quan chức năng, đơn vị giám sát camera giao thông, trung tâm đăng kiểm… gọi điện thoại cho người dân thông báo việc có liên quan đến biên lai xử “phạt nguội” về giao thông nhằm mục đích khiến người dân hoang mang, lo sợ để khai thác thông tin cá nhân.
Sau đó, các đối tượng yêu cầu người dân cung cấp thông tin hoặc chuyển tiền vào tài khoản của đối tượng lừa đảo để chấp hành quyết định nộp phạt hoặc phục vụ công tác xác minh, điều tra, xử lý “phạt nguội”.
Trường hợp người dân cung cấp tài khoản ngân hàng, mật khẩu, mã xác thực giao dịch OTP, địa chỉ email… cho các đối tượng xấu dễ dẫn đến nguy cơ mất tiền trong tài khoản ngân hàng.
Cơ quan chức năng khuyến cáo lực lượng cảnh sát giao thông không thông báo nộp phạt qua điện thoại; người dân hết sức cảnh giác với các cuộc gọi này. Đặc biệt, không cung cấp, chia sẻ thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng, thẻ tín dụng (tên người dùng, mật khẩu đăng nhập, mã xác thực giao dịch OTP, địa chỉ email)… cho bất kỳ ai với bất kỳ hình thức nào.
Khi nhận được các cuộc gọi này, người dân nhanh chóng báo tin cho cơ quan công an địa phương nơi gần nhất để lực lượng chức năng làm cơ sở điều tra, xác minh, đấu tranh.
Bài, ảnh: Thiệu Vũ