Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, ý thức sâu sắc về trách nhiệm trước Quốc hội và cử tri cả nước, ngay sau mỗi Kỳ họp, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và từng thành viên Chính phủ đã nghiêm túc chấp hành các Nghị quyết của Quốc hội; nhanh chóng nghiên cứu, cụ thể hóa thành các cơ chế, chính sách và khẩn trương tổ chức thực hiện gắn với việc triển khai đồng bộ các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và đến nay đã đạt được những kết quả tích cực; từng bước giải quyết những vấn đề mà Quốc hội, đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước quan tâm. Trong và giữa hai kỳ họp, các thành viên Chính phủ đã có văn bản trả lời các chất vấn của đại biểu Quốc hội... Về lĩnh vực giao thông vận tải, trong 10 tháng năm 2012, số vụ tai nạn giao thông giảm 27,61%, số người chết giảm 16,8% và số người bị thương giảm 27,85% so với cùng kỳ năm 2011; tình trạng ùn tắc giao thông tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh có chuyển biến rõ rệt. Mặc dù tai nạn giao thông giảm sâu cả 3 tiêu chí nhưng số vụ tai nạn, số người chết và số người bị thương vẫn ở mức cao, còn xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng; ý thức chấp hành pháp luật của người dân chưa đồng đều; một số địa phương chưa xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm. Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, tập trung khắc phục những hạn chế, phấn đấu giảm hơn nữa tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông; xác định năm 2013 là năm “Nâng cao tinh thần trách nhiệm của người thực thi công vụ và ý thức tự giác của người tham gia giao thông”. Về lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, vừa qua, vốn ngân sách đầu tư hàng năm cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đã tăng lên đáng kể với mức cao hơn mức tăng chung của nền kinh tế: Năm 2010 tăng 21,3%, năm 2011 tăng 34,7%, năm 2012 tăng 28%. Tỷ trọng chi cho lĩnh vực này trong tổng chi ngân sách nhà nước đã tăng từ 35,9% (năm 2009) lên 39,8% (năm 2011) và dự kiến 40,9% (năm 2012). Mặc dù thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, nhưng Chính phủ vẫn chỉ đạo ưu tiên tăng tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân với mức lãi suất thấp. Đến hết tháng 9 năm 2012, dư nợ trong lĩnh vực này tăng 5,3% và chiếm 18% tổng dư nợ (nếu tính cả dư nợ của Ngân hàng Chính sách xã hội thì tỷ trọng này là 22%). Ngoài ra, Chính phủ đã có chính sách thu hút, khuyến khích các nguồn lực khác (ODA, FDI...) đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được quan tâm chỉ đạo và đã trở thành phong trào chung của cả nước. Vốn ngân sách bố trí cho lĩnh vực này trong hai năm 2011 và 2012 đạt khoảng 18.300 tỷ đồng, trong đó, ngân sách Trung ương khoảng 3.300 tỷ đồng; ngân sách địa phương khoảng 15.000 tỷ đồng; đồng thời, chỉ đạo lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án khác trên địa bàn cho xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, vốn đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn nói chung và xây dựng nông thôn mới nói riêng chưa đáp ứng được yêu cầu; một số tiêu chí nông thôn mới đề ra còn bất cập. Để khắc phục, Chính phủ sẽ sửa đổi, bổ sung chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư và chính sách tín dụng trong nông nghiệp, nông thôn; tăng vốn đầu tư cho các chương trình hỗ trợ có mục tiêu đang triển khai; vận động các nguồn vốn khác và áp dụng cơ chế đầu tư đặc thù để đẩy nhanh việc thực hiện Chương trình nông thôn mới; sửa đổi bộ tiêu chí nông thôn mới cho phù hợp. Về lĩnh vực giáo dục và đào tạo, việc xây dựng Đề án đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế: Ban Cán sự Đảng Chính phủ đã trình Hội nghị Trung ương lần thứ 6 (khoá XI) và Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Kết luận về Đề án này. Về tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở đào tạo đại học vi phạm các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo: Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 50/2010/QH12 của Quốc hội khóa XII, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tập trung rà soát các cơ sở đào tạo đại học sau khi được thành lập và đi vào hoạt động, xử lý các cơ sở không bảo đảm các tiêu chí theo quy định. Trong năm qua, đã kiểm tra 62 trường đại học, cao đẳng; xử lý các trường hợp không bảo đảm chất lượng đào tạo, vi phạm quy chế đào tạo; đã dừng tuyển sinh năm 2012 đối với 4 trường đại học, đình chỉ tuyển sinh năm 2012 đối với 17 ngành của 9 trường. Về việc quản lý dạy thêm, học thêm: Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành các quy định mới nhằm ngăn chặn tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan, gây quá tải và áp lực cho học sinh và phụ huynh học sinh; đồng thời, từng bước điều chỉnh giảm tải nội dung dạy và học trong trường phổ thông. Đã tập trung chỉ đạo củng cố và phát triển hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú; phát triển giáo dục đối với các dân tộc ít người; hỗ trợ học sinh bán trú và trường phổ thông dân tộc bán trú; thực hiện chính sách phát triển giáo dục đào tạo và dạy nghề, ưu tiên tuyển sinh đại học, cao đẳng đối với con em các dân tộc thiểu số ở Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ. Về lĩnh vực tài chính, việc công khai giá điện hiện đã có kết quả kiểm toán độc lập giá điện năm 2011 và đang rà soát để xác nhận giá thành theo quy định. Thanh tra Chính phủ cũng đang tiến hành thanh tra tình hình sản xuất, kinh doanh của Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Đối với xăng dầu: Giá xăng dầu được thực hiện theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo Nghị định số 84/2009/NĐ-CP của Chính phủ. Theo đó, trong điều kiện bình thường, doanh nghiệp đầu mối được điều chỉnh giá bán lẻ trong phạm vi, trình tự, định mức quy định; liên Bộ Tài chính, Bộ Công Thương giám sát, hậu kiểm và xử lý nếu có vi phạm. Trong trường hợp cần thiết, Nhà nước bình ổn giá xăng dầu thông qua chính sách thuế và Quỹ bình ổn giá… Tuy nhiên, một số quy định về yếu tố cấu thành giá cơ sở đã lạc hậu so với thực tế; công tác quản lý chất lượng, đo lường, chống đầu cơ thiếu chặt chẽ; cơ chế phối hợp trong quản lý, điều hành giá chưa hiệu quả. Chính phủ đã chỉ đạo tổng kết, đánh giá toàn diện việc thực hiện Nghị định, trên cơ sở đó tiến hành sửa đổi, bổ sung chính sách về kinh doanh xăng dầu trong tháng 12 năm 2012. Về lĩnh vực tài nguyên và môi trường, công tác quản lý đất đai đã được tập trung chỉ đạo, một số quy định mới về quản lý đất đai đã được ban hành; đã đổi mới nội dung quy hoạch sử dụng đất, xác định rõ trách nhiệm của từng cấp đối với việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Việc giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đã bám sát và tuân thủ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Chính phủ đã ban hành chính sách quản lý, sử dụng đất trồng lúa; quy định cụ thể việc sử dụng đất làm khu công nghiệp, khu đô thị theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được duyệt, tránh gây lãng phí đất đai, ảnh hưởng đến đất sản xuất nông nghiệp; tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật đất đai của các tổ chức được Nhà nước giao đất, cho thuê đất nhưng sử dụng lãng phí. Về chính sách giá đất trong bồi thường giải phóng mặt bằng: Chính phủ đã quy định khi thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng phải thực hiện giá bồi thường theo nguyên tắc định giá đất sát với giá thị trường; đồng thời có chính sách hỗ trợ trong di chuyển, tái định cư, ổn định đời sống và sản xuất, đào tạo chuyển đổi nghề và tạo việc làm đối với trường hợp bị thu hồi đất nông nghiệp; bảo đảm cho người bị thu hồi đất có đất ở, đất sản xuất và việc làm. Tuy nhiên, công tác quản lý đất đai còn nhiều bất cập, hạn chế, nhất là trong quy hoạch sử dụng đất; xác định giá đất, tạo quỹ đất sạch; quản lý, sử dụng đất của nông, lâm trường; việc phân cấp giữa Chính phủ và chính quyền địa phương trong giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất; việc thực hiện cưỡng chế khi Nhà nước thu hồi đất; việc bồi thường, hỗ trợ cho người có đất bị thu hồi; việc thực hiện nguyên tắc định giá đất “sát với giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế trên thị trường trong điều kiện bình thường”... Chính phủ đã nghiên cứu, đề xuất các giải pháp tổng thể trong quá trình xây dựng Luật Đất đai (sửa đổi), trình Quốc hội tại kỳ họp này. Về lĩnh vực bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội; phòng, chống tội phạm, đã chỉ đạo quyết liệt công tác phòng, chống tội phạm; mở nhiều đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm; tập trung điều tra, xử lý các vụ án nghiêm trọng trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính, các vụ án tham nhũng, buôn bán ma túy, xâm phạm an ninh quốc gia, chống người thi hành công vụ, tội phạm công nghệ cao. Đã triệt phá nhiều băng nhóm tội phạm và các tụ điểm tệ nạn xã hội; kết thúc điều tra nhiều vụ án lớn kéo dài. Đã triển khai một số mô hình kết hợp giữa các lực lượng tuần tra, kiểm soát, phòng chống tội phạm đạt hiệu quả cao. Chú trọng giải quyết các vấn đề xã hội là nguyên nhân nảy sinh tội phạm; xây dựng lực lượng công an nhân dân trong sạch, vững mạnh, bảo đảm điều kiện vật chất, trang thiết bị và chế độ, chính sách, xử lý nghiêm vi phạm trong toàn lực lượng. Tuy vậy, tình hình trật tự an toàn xã hội còn diễn biến phức tạp; nhiều loại tội phạm vẫn đe dọa cuộc sống bình yên của nhân dân, xâm hại tài sản nhà nước; hệ thống thể chế còn nhiều bất cập, vướng mắc; sự quan tâm và phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị còn hạn chế; công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao ý thức cảnh giác, đấu tranh phòng, chống tội phạm chưa tốt; lực lượng công an có lúc, có nơi chưa làm tốt vai trò tham mưu, chưa chú trọng các biện pháp phòng ngừa và đấu tranh với tội phạm. Chính phủ sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả 3 chương trình mục tiêu quốc gia về phòng chống tội phạm, phòng chống ma tuý, phòng chống mua bán người; đẩy mạnh phong trào toàn dân phòng, chống tội phạm, tạo chuyển biến tích cực trong việc phòng ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi các loại tội phạm, tệ nạn, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Phiên chất vấn và trả lời chất vấn được phát thanh, truyền hình trực tiếp. Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ thường xuyên cập nhật thông tin về nội dung phiên chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội./. (Theo Nhân Dân) |