Kỳ 3: Đánh thức “linh hồn” vùng đất thiêng
Sau hơn 2 năm không còn bóng dáng của những người tự nhận là khai phá và khôi phục lại ngôi chùa Địa Ngục do chưa được cấp phép, ngày 18/11/2021, UBND tỉnh đã có Văn bản số 10264 về việc phục hồi, xây dựng chùa Địa Ngục. Theo đó, Sở VH-TT&DL đã có kế hoạch thăm dò, khai quật khảo cổ tại địa điểm này.
Một trong những ngôi mộ cổ còn lại đã rêu phong nơi chùa Địa Ngục
Không biết vì lý do gì mà vị sư thầy Thích Thanh Toàn, nguyên trụ trì chùa Nga Hoàng, thị trấn Hợp Châu, huyện Tam Đảo trước đây đã từng tìm thấy ngôi chùa này vào năm 2008. Chuyến đi lần thứ 7 tìm chùa Địa Ngục cùng đoàn người kéo dài 4 ngày, đêm trên dãy núi Tam Đảo. Đến ngày thứ 4, khi lương khô đã cạn, nước uống cũng chỉ đủ cho nửa ngày thì trên ngọn núi cao nhất của dãy Tam Đảo hiện ra nền móng của một hoang tích. Khi ấy, những dãy đá làm móng vẫn còn nguyên vẹn nhưng đã chìm trong cỏ dại cao ngập đầu người.
Dù thế nhưng do nằm trong phạm vi Vườn Quốc gia Tam Đảo, nên ngôi chùa này không được phép phục dựng lại. Có thời gian, vị sư này cùng một số người đã tự ý dựng lên một cái lán tạm tại vị trí phế tích còn nền móng của ngôi chùa và thường xuyên tới đây.
Sau những sự việc đã gây ra tại chùa Nga Hoàng, sư thầy Thích Thanh Toàn đã phải chịu hình thức sám hối tăng, bãi nhiệm trụ trì chùa và xả giới hoàn tục. Đến nay, sư Toàn cũng không lui tới chùa Địa Ngục nữa. Dư luận vẫn rất quan tâm tới ngôi chùa Địa Ngục mà sư Toàn từng dựng trái phép một phần ở đây giờ ra sao? Người vào đó có còn bị bịt mắt khi ra như lời đồn không? Và những bí ẩn về ngôi chùa này bao giờ mới được khai phá?
Thời gian gần đây, có khá nhiều bạn trẻ ưa thích khám phá và khách du lịch “bụi” đã bắt đầu tới đây. Họ đi từ sáng sớm và ra về khi mặt trời bắt đầu xuống núi, chuyến đi vừa để khám phá khu “Rừng ma Ao Dứa” như lời đồn đại vừa để lý giải thực hư về ngôi chùa có tên kỳ lạ này. Cũng có nhiều du khách thích thú vì được trải nghiệm qua các cung đường và cảnh vật rừng sâu.
Anh N.V.Q, huyện Yên Lạc chia sẻ: “Tôi đã từng đến chùa Địa Ngục với mục đích khám phá, sau hơn 4 giờ đồng hồ, đi qua những con suối, đường dốc quả thật không hoài phí chuyến đi khi nhìn thấy cảnh vật quanh ngôi chùa. Nơi đây cho người ta cảm giác như chốn bồng lai, tránh xa những ưu phiền và lo toan trong cuộc sống để lòng lắng lại, bình yên. Đây quả là một điểm du lịch tâm linh và sinh thái đáng đến!”.
Hiện bên trong chùa có bàn để tượng thờ Phật, bên ngoài có chiếc chuông đồng lớn có trọng lượng 2,2 tấn, được cho là một trong những chiếc chuông lớn nhất Việt Nam hiện nay. Xung quanh là khung cảnh thơ mộng có suối, nước trong vắt, rừng trúc và những tượng thần, phật được đặt với khoảng cách vừa đủ để cảm nhận một không gian tâm linh, u tịch. Đứng từ đây nhìn lên có thể thấy toàn cảnh ngọn núi Tam Đảo và nhìn xuống thấy cả thành phố Vĩnh Yên.
Khu lăng mộ chưa rõ do ai xây dựng vẫn còn vẹn nguyên và quanh đó là các ngôi mộ cổ nằm trơ tuế giữa thời gian vẫn là một bí ẩn? Mộ của những người chết chưa rõ tên tuổi? Và khu lăng mộ được xây dựng bề thế kia vẫn là một dấu hỏi?
Nhằm làm rõ niên đại cũng như sự tích và những sự thật bí ẩn về ngôi chùa cổ giữa rừng già, đồng thời bảo vệ được di sản văn hóa dân tộc, việc phục hồi, xây dựng chùa Địa Ngục sẽ được ngành Văn hóa thăm dò, khai quật khảo cổ tại khu vực này dự kiến diễn ra vào tháng 6 và đến hết tháng 7/2022.
Giám đốc Sở VH-TT&DL Bùi Hồng Đô cho biết: “Việc thực hiện thăm dò, khai quật khảo cổ sẽ thu giữ, bảo quản và bàn giao đầy đủ di vật khảo cổ thu thập được cho cơ quan được giao trách nhiệm; đồng thời, bảo đảm không gây ảnh hưởng xấu đến môi trường tự nhiên và nơi thăm dò, khai quật khảo cổ; từ đó, sẽ cung cấp tư liệu phục vụ tổ chức Hội thảo khoa học về chùa Địa Ngục diễn ra vào tháng 9/2022.
Có thể nói, đây là hoạt động ý nghĩa, tránh được sự xâm lấn, phá hoại cũng như mục đích không lành mạnh đồng thời nhằm khôi phục và phát huy giá trị di sản văn hóa, lịch sử”.
Hiện, Sở VH-TT&DL chưa có tài liệu gì về lịch sử chùa Địa Ngục, cần thêm nhiều tài liệu điền giã và sử sách tìm lại để mở ra được nhiều bí mật của ngôi chùa, làm rõ được lịch sử, giá trị quý báu của nó.
Chùa Địa Ngục sau khi được phục dựng sẽ trở thành địa điểm tham quan du lịch lý tưởng dành cho những du khách thích khám phá cũng như tạo thành điểm kết nối hấp dẫn trong tour du lịch Tam Đảo. Ngôi chùa không đáng sợ như tên gọi của nó, khi đặt chân tới đây, nhiều du khách sẽ biết về “mật mã” nơi rừng thiêng, huyền bí này!.
Bài, ảnh: Nghĩa Thành