Mẹ “quên” hát ru con “Gió mùa thu... Mẹ ru con ngủ/ Năm canh chầy thức đủ vừa năm”. Những câu hát ru như thế đã trở thành giai điệu âm nhạc đầu tiên con người được nghe trong đời. Một trong những món quà vô giá mà các bà mẹ có thể tặng cho con trẻ là các bài hát ru. Nhớ ngày xưa, vào những buổi trưa hè oi ả hay những đêm đông lạnh giá, những đứa trẻ vẫn chìm sâu trong giấc ngủ bởi giai điệu ngân vang từ bài hát ru. Các mẹ dù có làm vất vả ngoài đồng cả ngày, nhưng tối về không quên ôm con vào lòng hát ru con. Đó là khoảng thời gian thiêng liêng nhất của tình mẫu tử, khi ấy bao yêu thương từ trái tim người mẹ dành trọn cho đứa con của mình. Nhưng thật đáng tiếc, ngày nay, những người mẹ trẻ đã “quên” mất “công việc” hát ru con. Nhiều gia đình ở thành phố có điều kiện, thì việc cho con ngủ được phó mặc luôn cho người giúp việc. Bên cạnh đó, trên thị trường lại xuất hiện khá nhiều đĩa nhạc thu sẵn các bài ru con và thay bằng hình thức ôm con hát thì nhiều bà mẹ đã bật đĩa nhạc cho con nghe và không cần quan tâm nó có tác dụng hay không. Thậm chí, nhiều bà mẹ muốn con ngủ sớm, đã tìm mọi cách rung, lắc, có khi còn quát tháo, dọa nạt con đến khóc để chúng… mệt quá, sẽ phải ngủ. Hiện nay đa phần các bà mẹ không biết hát ru con. Đặc biệt, nhiều bà mẹ trẻ không thuộc bất cứ một bài hát ru nào, còn một bộ phận thì cho biết vẫn biết hát ru, vẫn thuộc một vài bài, tuy nhiên đi làm cả ngày, tối về vẫn phải làm việc, thời gian chơi với con còn ít chứ nói gì việc ru con ngủ. Chị Nguyễn Thị Huyền, ở xã Tân Phong (Bình Xuyên) tâm sự: “Ngày còn nhỏ, trước khi ngủ tôi thường xuyên được mẹ hát ru, khi lớn hơn, lại được nghe tiếng hát ru vọng từ cửa sổ nhà hàng xóm. Hồi đó, tôi nhẩm theo và thuộc khá nhiều lời bài hát. Hiện giờ tôi cũng đang nuôi con nhỏ, nhưng lại rất ít khi hát ru con. Vì đi làm cả ngày, con thì gửi nhà trẻ, tối đến quanh cơm nước cho cả gia đình cũng đã mệt, nên hai mẹ con chỉ ôm nhau rồi con mình tự ngủ thôi”. Hãy hát ru con Trên thực tế, những bài hát ru có vai trò rất quan trọng cho cả mẹ và bé. Trong lúc ngân nga ru con ngủ, những lời ca có tác dụng nối kết tình mẫu tử thiêng liêng. Ngoài ra, những bài hát ru còn giúp trẻ phát triển khả năng ngôn ngữ ngay từ khi còn nhỏ. Bên cạnh việc bồi dưỡng cho tâm hồn trẻ thơ phát triển, bản thân những người mẹ khi cất tiếng ru con như tự nâng cao tâm hồn mình đồng thời còn giúp các bà mẹ giảm stress. Hầu hết lời của các bài hát ru đều có xuất xứ từ ca dao, đồng dao, hò vè, các bài thơ truyền miệng nên phong phú và mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Những bài hát ru thường có vần dễ thuộc, âm điệu nhẹ nhàng, ý nghĩa sâu xa, dạy con người điều hay lẽ phải, ca ngợi cái đẹp và phê phán cái xấu. Khi mẹ hát cho con nghe, những câu hát sẽ thấm nhuần trong trí não trẻ, tạo nên sự tương tác và tình cảm gắn kết giữa người mẹ và đứa con. Các nhà khoa học đã chứng minh, trẻ thơ ngay từ khi lọt lòng mẹ, thậm chí từ khi còn là bào thai nếu được sớm tiếp xúc với hát ru, một mặt sẽ nhanh chóng nảy nở năng khiếu âm nhạc vì đã sớm được làm quen với những âm trầm âm bổng trong lời hát, mặt khác sẽ tạo cho trẻ những yếu tố dịu dàng trong tính cách và hướng cho trẻ có một tâm hồn nhân hậu. Trong hát ru, người hát đã tạo lập cho trẻ một thế giới đặc biệt, nó không giống với thế giới của người lớn. Nó giản dị, mộc mạc nhưng kỳ diệu đến thần tiên. “à ơi! Cái ngủ mày ngủ cho ngoan…” mỗi đứa trẻ lớn lên từ lời ca tiếng hát của mẹ, dù đi đâu, những câu hát ru ngày nào luôn in đậm trong tâm hồn chúng, nhắc chúng nhớ về tuổi thơ, về nơi chôn nhau cắt rốn. Thúy Nga |