Có nhiều cái lợi Là sinh viên năm thứ 2 khoa Toán trường Đại học sư phạm Hà Nội 2 (Phường Xuân Hòa, TX Phúc Yên), Hằng quê ở Tam Dương là một trong những sinh viên biết vượt lên hoàn cảnh. Gia đình nghèo, bố mẹ đều làm nông nghiệp nên đời sống rất vất vả, H đã quyết tâm thi vào ngành sư phạm để không phải đóng học phí. Dù đã rất cố gắng mỗi tháng bố mẹ chỉ có thể chu cấp vài trăm ngàn tiền ăn học, Hằng có chi tiêu tiết kiệm cũng không thể đủ. Thương bố mẹ, Hằng đã tìm lớp làm gia sư cho một học sinh cấp 2 cách trường vài km lấy tiền trang trải học hành. H chia sẻ “Mỗi tuần em đi gia sư 3 buổi, dạy từ 7h đến 9h tối” mỗi buổi được 50 ngàn, mỗi tháng cũng được hơn một triệu nên cũng đỡ được tiền bố mẹ gửi lên. Mùa đông thời tiết lạnh, nhưng vẫn phải cố, vì nghĩ thương bố mẹ ở quê làm ruộng cũng vất vả lắm mới có tiền nuôi mấy chị em ăn học”. H cho biết em tranh thủ dạy thêm buổi tối, còn ngày vẫn đi học và làm bài đầy đủ. Hơn nữa vì học sư phạm nên đi dạy thêm cũng là một cách để rèn luyện nghiệp vụ. Còn với Bằng, sinh viên khoa Công nghệ thông tin trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải (TP Vĩnh Yên) lại là một trường hợp khác. Bằng con nhà khá giả, tiền ăn học mỗi tháng bố mẹ chu cấp đầy đủ không thiếu một thứ gì. Dù là sinh viên nhưng bố mẹ đã mua cho chiếc xe máy đẹp để đi lại cho thuận tiện. Thế nhưng không vì thế mà Bằng ỷ lại, ngoài giờ đi học buổi sáng, Bằng xin làm thêm phụ trách kĩ thuật tại một công ty TNHH về máy tính và thiết bị văn phòng tại TP Vĩnh Yên. Bằng cho biết: Em đi làm thêm chủ yếu vì niềm đam mê tin học, hơn nữa em muốn tự mình học hỏi, trang bị cho mình những kiến thức chuyên môn, kiến thức xã hội trước khi ra trường”. Với con trai bọn em, nếu không đi làm thì cũng rất dễ sa vào điện tử, cờ bạc và nhiều tệ nạn xã hội khác, mình chịu khó đi làm thêm vừa có thêm thu nhập vừa có thêm kinh nghiệm sống, nhưng không để ảnh hưởng đến kết quả học tập. Em đi làm thêm từ năm thứ hai đến nay đã được hơn 2 năm kinh nghiệm, nhưng chưa một kì học nào em phải thi lại, và kết quả cuối năm đều đạt khá. Bằng vui vẻ chia sẻ thêm. Hệ lụy khôn lường Nhìn nhận một cách công bằng là làm thêm mang lại nhiều lợi ích cho sinh viên, tuy nhiên cũng không thể phủ nhận công việc làm thêm chi phối rất nhiều đến thời gian học tập của sinh viên, thậm chí có trường hợp tiền mất tật mang. Bạn H.T.Q, sinh viên năm thứ nhất một trường cao đẳng ở Phúc Yên xin làm bảo vệ trông xe cho một siêu thị gần đó. Không biết tên trộm xe đã bỏ thuốc mê hay do bạn còn đang tuổi ăn tuổi ngủ mà trong ca trực buổi tối hôm ấy một chiếc xe Lead mới cóng của khách hàng đã không cánh mà bay. Vừa đi làm được hơn hai tháng, mỗi tháng được hơn triệu đồng, vậy mà bay giờ bạn phải đền chiếc xe có trị giá gần 40 triệu đồng! Lo lắng đến mất ăn mất ngủ, không biết phải nói với bố mẹ thế nào, Q chẳng còn tâm trí nào cho việc học, như người mất hồn suốt mấy tuần liền… Trường hợp của Thanh Nhàn, sinh viên khoa Ngữ văn trường ĐH Sư phạm Hà Nội, quê ở Vĩnh Tường là một ví dụ. Qua một nhóm bạn học ở trường CĐ Du lịch giới thiệu cùng mấy cô bạn đi làm thêm tại một nhà hàng trên đường Cầu Giấy, thấy lương cũng khá cao, lại gần nên Nhàn rất mừng. Công việc chỉ là bưng bê đồ ăn, lau rửa cốc chén tại nhà hàng nhưng thời gian thì thực sự là gò bó. Buổi sáng phải có mặt từ 6h30 đến 11h30, buổi chiều đi học, buổi tối cũng từ 6h30 đến 11h đêm mới được về. Về đến phòng trọ rồi thì người mệt nhừ chỉ muốn lăn ra ngủ chẳng còn tâm trí nào ôn bài. Kết quả là có đến 3 môn học Nhàn phải thi lại đến lần thứ hai mà vẫn không qua. Chán nản, sẵn có tiền và chút nhan sắc, Nhàn đầu tư quần áo, son phấn rồi nghe đâu yêu anh quản lý nhà hàng nên chẳng để ý gì đến chuyện học, chẳng cần biết đến bao giờ mới ra trường. Đến khi nhà tường gửi giấy kết quả học tập về gia đình thì bố mẹ mới tá hỏa về đứa con gái xinh đẹp, giỏi giang mà lâu nay bố mẹ vẫn tự hào với xóm, với làng… Có thể nói, chuyện đi làm thêm của sinh viên luôn có hai mặt. Với những người biết sắp xếp thời gian, thì đi làm thêm sẽ giúp các em có thêm thu nhập năng động, có thêm kinh nghiệm và tự tin hơn với cuộc sống. Tuy nhiên việc đi làm thêm cũng cần phải cân nhắc, suy nghĩ thật kĩ để tránh những hậu quả không hay xảy ra, nhất là không để sao nhãng việc học tập, rèn luyện của bản thân. Bài, ảnh Phương Loan |