Xin đồng chí cho biết những nét cơ bản về bức tranh tập hợp, đoàn kết các dân tộc của tỉnh ta? Tỉnh Vĩnh Phúc có 13 dân tộc thiểu số ở 5/9 đơn vị hành chính cấp huyện: Tam Đảo, Lâp Thạch, Sông Lô, Bình Xuyên và thị xã Phúc Yên. Tuyệt đại bộ phận các dân tộc thiểu số ở Vĩnh Phúc đều sống ở vùng núi, là vùng có vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh của tỉnh, có tiềm năng về phát triển kinh tế du lịch. Bởi vậy, việc quan tâm đến việc đoàn kết dân tộc có ý nghĩa lớn, góp phần tạo lập sự đồng thuận xã hội, củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc theo đúng định hướng chiến lược cách mạng nước ta. Trong những năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã nhận thức sâu sắc ý nghĩa chiến lược của vấn đề dân tộc và đoàn kết dân tộc, luôn quan tâm thực hiện đầu tư, hỗ trợ vùng dân tộc thiểu số và miền núi, góp phần nhanh chóng xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào. Đồng thời mỗi dân tộc thiểu số trong tỉnh vẫn duy trì được các tập tục, sắc thái văn hoá riêng của mình nhưng lại kế thừa và chịu ảnh hưởng của văn hoá dân tộc khác; các dân tộc ở Vĩnh Phúc sinh sống hoà thuận, cùng nhau chia ngọt sẻ bùi, nêu cao tinh thần yêu nước, cần cù lao động sản xuất, đoàn kết để xây dựng Vĩnh Phúc ngày càng giàu đẹp. Chương trình 134 và 135 là cốt lõi của công cuộc xóa đói giảm nghèo, xin đồng chí cho biết những kết quả nổi bật trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc? Trong chương trình 135 giai đoạn II, tỉnh Vĩnh Phúc có 3 xã ĐBKK và 18 thôn thuộc 7 xã khu vực II được thụ hưởng chương trình 135. Thực hiện các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chương trình 135, từ năm 2006 đến nay đã đầu tư 53.695,87 triệu đồng để xây dựng 4 trung tâm cụm xã miền núi; đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu tại các xã, thôn vùng đặc biệt khó khăn; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cán bộ xã, thôn và cộng đồng của 3 xã ĐBKK và 18 thôn ĐBKK của tỉnh; hỗ trợ các hoạt động văn hoá, thông tin, trợ giúp pháp lý, nâng cao đời sống nhân dân; hỗ trợ cải tạo vệ sinh môi trường. Kết thúc CT135 giai đoạn II, tỉnh Vĩnh Phúc đã có 3/3 xã hoàn thành CT135. Trong chương trình 134, tính đến hết năm 2010 tỉnh đã đầu tư 39.726,734 triệu đồng (trong đó 15.836,1 triệu đồng vốn Trung ương, 23.874,634 triệu đồng vốn của tỉnh). Đã hỗ trợ xây dựng nhà ở cho 989 hộ, nước sinh hoạt phân tán cho 1.307 hộ; xây dựng 21 công trình nước sinh hoạt tập trung; vận động các dòng họ tạo điều kiện bố trí đất ở cho những hộ không có đất ở làm nhà ở. Với sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự vào cuộc của các cấp, các ngành, đến nay Vĩnh Phúc đã giải quyết cơ bản nhu cầu bức thiết về cơ sở hạ tầng các xã ĐBKK, hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển sản xuất; nâng cao ý thức cộng đồng, tương thân, tương ái, ý thức tự vươn lên; đời sống nhân dân được cải thiện, góp phần thực hiện mục tiêu xoá đói giảm nghèo, khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố; hệ thống tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể nhân dân vùng dân tộc thiểu số được chăm lo củng cố, quốc phòng an ninh được giữ vững ổn định phát triển. Hiện nay khoảng cách phát triển giữa vùng đồng bào dân tộc và các vùng trên địa bàn như thế nào? Được sự quan tâm của Trung ương, Tỉnh uỷ, HĐND và UBND tỉnh sau 5 năm thực hiện Chương trình 134 và 135 đối với các xã, thôn đặc biệt khó khăn của tỉnh đã được đầu tư bằng những dự án, chính sách cụ thể, làm thay đổi cơ bản diện mạo của các xã, thôn, bộ mặt của các xã có những chuyển biến rõ rệt, kinh tế bước đầu đã có bước phát triển theo hướng đa dạng. Cuối năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo bình quân của các xã, thôn đặc biệt khó khăn là 18,25% (so với bình quân chung của tỉnh là 5%), trung bình mỗi năm giảm từ 4,5-5%, thu nhập bình quân đầu người đạt 5-9 triệu đồng/người/năm, đời sống nhân dân được ổn định, từng bước được nâng cao, khoảng cách phát triển giữa vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi với vùng đồng bằng ngày càng được được thu hẹp. Nhiệm vụ tiếp theo của các cấp, các ngành và của dân cần làm gì để duy trì kết quả đạt được và tiếp tục nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc của tỉnh? Để duy trì kết quả đạt được và tiếp tục nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh, phải tập trung thực hiện có hiệu quả một số nhiệm vụ sau: Một là: Cấp ủy, chính quyền các cấp cần lãnh đạo, chỉ đạo nghiên cứu, quán triệt, tổ chức thực hiện các nghị quyết của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XV, trong đó đặc biệt quan tâm vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số để thực hiện có hiệu quả các mục tiêu Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ đã đề ra. Hai là: Tích cực huy động các nguồn lực, khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi để đẩy nhanh tốc độ phát triển KT-XH. Cần có chính sách cụ thể thu hút đầu tư vào vùng DTTS và miền núi, nhằm khai thác tốt tiềm năng, lợi thế ở vùng này. Ba là: Tiếp tục đẩy mạnh công tác giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là đồng bào ở các xã ĐBKK, xã khu vực II và 18 thôn đặc biệt khó khăn của xã khu vực II. Làm tốt công tác tuyên truyền, vận động đồng bào chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Bốn là: Tạo bước chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế, nông nghiệp, nông thôn theo yêu cầu sản xuất hàng hoá; mở rộng loại hình dịch vụ, thương mại; xây dựng thị trấn, thị tứ; bảo vệ môi trường, tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia phong trào xây dựng nông thôn mới. Năm là: Thực hiện có hiệu quả các chính sách xã hội đối với vùng dân tộc; phát triển văn hoá, giáo dục, y tế; nâng cao đời sống, vật chất và tinh thần cho đồng bào; giữ gìn và phát huy giá trị bản sắc văn hoá dân tộc, củng cố vững chắc khối đại đoàn kết dân tộc, hệ thống chính trị, quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội. Xin cảm ơn đồng chí! Nguyễn Trọng (thực hiện) |