Theo số liệu thống kê, hiện nay toàn tỉnh có 30 dân tộc sinh sống, trong đó có 29 dân tộc thiểu số với trên 42.500 người, chiếm khoảng 4,3% dân số toàn tỉnh. Các dân tộc thiểu số sống tập trung chủ yếu tại 5 huỵên thị: Lập Thạch, Tam Đảo, Phúc Yên, Bình Xuyên, Sông Lô. Về tôn giáo, trên địa bàn tỉnh có 3 tôn giáo hoạt động chính thống và được công nhận hợp pháp là Phật giáo, Thiên chúa giáo và Tin lành. Đồng bào các tôn giáo luôn sống hoà thuận, đoàn kết. Thời gian qua, phát huy truyền thống yêu nước, cần cù, sáng tạo, các dân tộc, tôn giáo trong tỉnh đoàn kết, đồng thuận cao trong việc thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật cuả Đảng, Nhà nước và các quy định của địa phương; chung sức xây dựng nông thôn mới, hoàn thành xuất sắc các mục tiêu phát triển KT-XH của địa phương, của tỉnh. Thực hiện Chương trình công tác của Uỷ ban MTTQ tỉnh, MTTQ các cấp đã triển khai công tác dân tộc và tôn giáo với phương châm hướng mạnh về cơ sở, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyên vọng, kiến nghị chính đáng của đồng bào dân tộc thiểu số và các tôn giáo trên mọi lĩnh vực. Từ đó, các cấp Mặt trận đề nghị với cấp uỷ Đảng, kiến nghị với chính quyền xem xét, giải quyết, đáp ứng nguyện vọng chính đáng trên cơ sở quy định của pháp luật hiện hành. Uỷ ban MTTQ các cấp thường xuyên tổ chức thăm hỏi, chúc mừng các vị có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; các vị Chức sắc, chức việc, tăng, ni, phật tử, tín đồ các tôn giáo vào các ngay lễ trọng, lễ lớn của đồng bào, tổ chức tôn giáo. Đồng thời vận động các đồng bào dân tộc, tôn giáo tích cực tham gia thực hiện cuộc vận động: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”; “Ngày vì người nghèo”,…Thông qua những hoạt động hướng về cơ sở đối với công tác dân tộc, tôn giáo, MTTQ các cấp đã xây dựng được mối quan hệ thân thiện, thông cảm, tin tưởng với đồng bào vùng dân tộc thiểu số, người có uy tín tiêu biểu chức sắc, chức việc, tăng, ni, phật tử, tín đồ các tôn giáo. Khối đại đoàn kết các dân tộc, tôn giáo trong tỉnh được củng cố, tăng cường đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của địa phương. Tham luận tại hội nghị, các đại biểu đã nêu một số vấn đề khó khăn trong công tác dân tộc, tôn giáo: hoạt động tôn giáo một số nơi còn xẩy ra tình trạng chưa thực hiện đầy đủ các thủ tục theo quy định của pháp luật; trong hệ thống Mặt trận vẫn còn nhầm lẫn công tác dân tộc và tôn giáo là của chính quyền chư không phải của Mặt trận; công tác giám sát việc thực hiện các chính sách ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số có nơi, có lúc còn hạn chế. Để tăng cường hơn nữa khối đại đoàn kết các dân tộc, tôn giáo trong tỉnh, MTTQ các cấp tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào có đạo chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước; tiếp tục hướng về cơ sở, có biên pháp, hình thức phù hợp để nắm bắt tình hình, tâm tư nguyện vọng, kiến nghị chính đáng, hợp pháp của đồng bào các dân tộc thiểu số, đồng bào các tôn giáo để kiến nghị giải quyết theo thẩm quyền của pháp luật. Phát huy vai trò của người có uy tín, ảnh hưởng trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, chức sắc các tôn giáo trong công tác tuyên truyền, vận động của Mặt trận. Hoàng Nga |