Theo dự báo của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, hồi 7 giờ ngày 06/8/2013 áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão (bão số 6). Hồi 10 giờ ngày 06/8, vị trí tâm bão (bão gần bờ) ở vào khoảng 14,3 độ Vĩ Bắc; 112,8 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 280km về phía Nam Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 đến 74km trên một giờ), giật cấp 9, cấp 10. Trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20 - 25km. Đến 10 giờ ngày 07/8, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,0 độ Vĩ Bắc; 109,0 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Nam đảo Hải Nam (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất gần vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 đến 74km trên một giờ), giật cấp 9, cấp 10. Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20-25km, đi dọc theo ven biển các tỉnh Trung Bộ. Như vậy, khoảng đêm 07/8, vùng tâm bão có khả năng đi vào đất liền các tỉnh phía Đông Bắc Bộ và suy yếu thành vùng áp thấp nhiệt đới. Đến 10 giờ ngày 08/8, vị trí tâm áp thấp ở vào khoảng 21,6 độ Vĩ Bắc; 105,5 độ Kinh Đông, trên khu vực đất liền các tỉnh phía Đông Bắc Bộ (trong đó có tỉnh Vĩnh Phúc). Từ ngày 07/8, ở các tỉnh Bắc và Trung Bộ có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to và dông; từ đêm 07/8, ở Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to đến rất to và dông, vùng núi đề phòng lũ quét và sạt lở đất. Hiện tại, mực nước trên hệ thống sông suối, nước đệm nội đồng và hồ đập trên địa bàn tỉnh ta ở mức cao, cụ thể: Trên Sông Hồng tại trạm Việt Trì, là: 12,18m, thấp hơn mức báo động I là 1,45m; Sông Lô tại trạm Then, là: 12,3m, thấp hơn mức báo động I là 2,5m; Sông Phó Đáy tại trạm Kim Xá, là: 12,62m, thấp hơn mức báo động I là 0,83m; Sông Phan, tại trạm Sáu Vó, là: 7,94m, cao hơn mức báo động I là 0,44m; Sông Cầu, tại trạm Chã, là: 7,91m. Tại hồ Đại Lải: 20,50m/21,50m (mực nước thực tế hồ so với mực nước dâng bình thường DBT); tại hồ Xạ Hương: 88,98m/91,50m; tại hồ Thanh Lanh: 76,70m/76,60m; tại hồ Làng Hà: 65,03m/65,00m; tại hồ Vĩnh Thành, là 82,10m/82,00m; tại hồ Vân Trục, là: 40,35m/40,15m; tại hồ Bò Lạc, là 51,55m/51,60m,… Để chủ động đối phó với bão số 6, đảm bảo an toàn cho người và tài sản, hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão, lũ gây ra, Ban chỉ huy PCLB tỉnh đề nghị Ban chỉ huy PCLB & TKCN các huyện, thành phố, thị xã, các sở, ban, ngành, các cơ quan đơn vị, các Công Ty TNHH một thành viên Thủy lợi và nhân dân trong tỉnh triển khai thực hiện một số nội dung công việc sau: 1. Theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 6. Triển khai thực hiện kế hoạch PCLB&TKCN và phương án phòng tránh lũ quét tỉnh Vĩnh phúc năm 2013 đã được phê duyệt; tăng cường tuần tra canh gác đê, kè, cống nhất là các cống dưới đê, đập. Chuẩn bị đẩy đủ lực lượng, vật tư, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ” sẵn sàng xử lý ngay giờ đầu các sự cố về đê, đập khi vừa phát sinh. 2. Tăng cường công tác kiểm tra đồng ruộng, hệ thống các trục tiêu lớn, tiến hành kiểm tra, rà soát hệ thống trạm bơm tiêu úng, sửa chữa thay thế kịp thời những thiết bị phụ tùng hư hỏng để có thể vận hành được ngay khi cần thiết. Tổ chức khơi thông các luồng lạch, tháo dỡ các vật cản (đăng, đó, trục vớt bèo) trên các trục tiêu, sông tiêu để có thể tiêu thoát nước nhanh nhất. Do nước đệm trên các sông, suối và đồng ruộng ở mức cao, tranh thủ mực nước sông Cầu còn có thể tiêu thoát được, yêu cầu các công ty TNHH một thành viên thủy lợi (Liễn Sơn, Phúc Yên) chủ động tiêu nước đệm tại các trục tiêu, luồng tiêu thuộc hệ thống quản lý; linh hoạt vận hành hệ thống điều tiết trên các sông tiêu, trục tiêu nhất là điều tiết tại K0 xã An Hòa, huyện Tam Dương, tránh việc điều tiết không đảm bảo quy trình dẫn đến úng ngập lớn khi xuất hiện mưa lũ. 3. Chỉ đạo các cấp chính quyền cơ sở, các ngành liên quan kiểm tra, rà soát chặt chẽ các khu vực dân cư sinh sống ven sông suối, khu vực thấp, trũng, vùng có nguy cơ cao sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, lập các chốt canh gác tại ngầm, suối khi xuất hiện lũ. Chỉ đạo sơ tán dân ra khỏi vùng thấp trung, thấp, ven sông suối, triển khai các biện pháp đối phó bão số 6, nhằm đảm bảo an toàn cho người, tài sản của nhà nước và nhân dân trên địa bàn. 4. Kiểm soát chặt chẽ việc vận hành thống hồ chứa theo quy định. Có phương án xử lý bảo đảm an toàn công trình và hạ du đối với các hồ đang thi công, nhất là các hồ đang có sự cố. Để an toàn cho hệ thống hồ chứa, các Công ty TNHH một thành viên thủy lợi tính toán lưu lượng cần thiết phải xả đệm tại các hồ chứa, trước khi mưa lớn xuất hiện. Việc xả đệm tại các hồ chứa phải được thực hiện bằng lệnh của Ban chỉ huy PCLB tỉnh cho phép, trên cơ sở đề xuất cụ thể của các công ty và Ban chỉ huy PCLB&TKCN các hồ chứa nhằm đảm bảo an toàn cho hồ và nhu cầu nước phục vụ dân sinh kinh tế. 5. Duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để sẵng sàng ứng cứu kịp thời trong mọi tình huống. Tổ chức trực ban tại Văn phòng thường trực CLB và tại các trọng điểm CLB nghiêm túc 24/24 giờ, tổng hợp, báo cáo kịp thời mọi diễn biến về Ban chỉ huy PCLB tỉnh theo số điện thoại: 3.862.518, Fax: 3.861.721. Ban chỉ huy PCLB tỉnh đề nghị Ban chỉ huy PCLB&TKCN các huyện, thành phố thị xã, các sở, ban, ngành, các đơn vị và nhân dân triển khai, thực hiện nội dung trên. TL Trưởng ban Chánh Văn phòng Nguyễn Đức Sinh (đã ký) |