Tăng cường phòng cháy, chữa cháy tại các cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ, địa điểm tập trung đông người dịp Tết là giải pháp cần được các cấp chính quyền và người dân đặc biệt quan tâm, thực hiện để chủ động công tác phòng ngừa, ngăn chặn, hạn chế đến mức thấp nhất số vụ cháy, nổ và thiệt hại do cháy, nổ gây ra, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn tỉnh.
Tập huấn, hướng dẫn kỹ năng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho học sinh.
Không chủ quan, lơ là
Toàn tỉnh hiện có 9 cơ sở thuộc loại hình nhà chung cư, hơn 1.530 cơ sở thuộc loại hình kinh doanh nhà trọ và hơn 2.000 cơ sở thuộc loại hình nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh có nguy cơ cháy, nổ cao.
5 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn tỉnh xảy ra 63 vụ cháy, nổ gây thiệt hại về tài sản, trong đó số vụ do chập điện chiếm 62,5%. Tính đến hết năm 2024, toàn tỉnh xảy ra 134 vụ cháy, gây thiệt hại tài sản gần 3 tỷ đồng.
Những con số trên đã chỉ ra rằng, nguy cơ cháy, nổ luôn tiềm ẩn diễn biến phức tạp. Đặc biệt, Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 đang cận kề, không khí chuẩn bị rộn ràng khắp nơi. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra cháy, nổ, đặt ra yêu cầu cấp bách về công tác phòng cháy, chữa cháy.
Theo thống kê, dịp Tết hằng năm luôn ghi nhận số vụ cháy, nổ tăng cao. Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc sử dụng lửa, điện không an toàn, cùng sự chủ quan của người dân.
Nhu cầu trang trí nhà cửa bằng đèn nháy, thắp nhang, đốt vàng mã và nấu nướng tăng cao là những yếu tố hàng đầu dẫn đến nguy cơ cháy, nổ. Ngoài ra, tại các khu chợ, trung tâm thương mại, lượng hàng hóa tích trữ lớn trong không gian chật hẹp cũng làm tăng nguy cơ hỏa hoạn.
Tại một số khu dân cư, sự lơ là trong việc quản lý nguồn điện và nhiệt khi ra ngoài chúc Tết cũng là nguyên nhân gây ra nhiều vụ cháy đáng tiếc.
Đó là lý do công tác phòng, chống cháy, nổ trong dịp Tết rất cần các cấp, ngành, cơ sở sản xuất, kinh doanh, người dân chủ động phòng ngừa từ xa, từ sớm.
Anh Lê Văn Hùng, chủ một cửa hàng tạp hóa tại phường Đồng Tâm, thành phố Vĩnh Yên cho biết: Cửa hàng hoạt động từ năm 2020. Trong quá trình hoạt động chưa để xảy ra cháy, nổ. Được sự hướng dẫn của Công an về công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, cửa hàng đã trang bị và thường xuyên bảo dưỡng thiết bị phòng cháy, chữa cháy; tham gia tuyên truyền, tập huấn về nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy; thường xuyên nhắc nhở người thân và khách hàng đến mua sắm nghiêm túc thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy.
Chung quan điểm cần nâng cao hơn nữa tinh thần phòng cháy, chữa cháy trong dịp Tết, chị Nguyễn Thị Liên, xã Đạo Tú, huyện Tam Dương chia sẻ: "Năm nào cũng vậy, cứ gần đến Tết là lại xảy ra những vụ cháy do đốt vàng mã, thắp hương thờ cúng. Vì vậy, khi được phổ biến kiến thức phòng cháy, chữa cháy, các gia đình càng cẩn trọng hơn, không chủ quan, không lơ là, đề phòng hỏa hoạn để đón Tết yên vui".
Công tác tuyên truyền phòng cháy, chữa cháy dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán được đẩy mạnh.
Chủ động phòng ngừa
Để tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ mùa hanh khô, Tết Nguyên đán Ất Tỵ và các lễ hội đầu năm 2025, Công an tỉnh khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy trong khu dân cư, hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh.
Cụ thể, không sắp xếp đồ dùng, hàng hóa, nhất là các vật dụng dễ gây cháy, nổ gần bếp điện, ổ cắm, cầu dao và phải đảm bảo khoảng cách tối thiểu 0,5m. Không sạc điện thoại, xe máy điện, xe đạp điện, thiết bị tiêu thụ điện… qua đêm.
Không câu móc, đấu nối dây dẫn điện tùy tiện; không sử dụng nhiều thiết bị tiêu thụ điện trong cùng một ổ cắm gây quá tải. Khi lắp đặt, sử dụng các thiết bị điện sinh nhiệt lớn (đèn sưởi, quạt sưởi, lò nướng), cần đảm bảo khoảng cách an toàn đến các vật dụng dễ cháy. Sử dụng bàn là, bếp điện, lò sấy phải có người trông coi. Kiểm tra, ngắt các thiết bị điện không cần thiết trước khi ra khỏi nhà hoặc đi ngủ.
Bố trí nơi thờ cúng hợp lý, tường phía đặt bàn thờ, trần phía trên bàn thờ phải bằng vật liệu không cháy. Đèn, hương, nến khi đốt phải đặt chắc chắn trên các vật liêu không cháy, cách xa vật liệu dễ cháy; hạn chế tối đa vàng mã, hương, nến để trên bàn thờ.
Khi đốt vàng mã phải sử dụng thùng chứa làm bằng vật liệu không cháy (sắt, inox…) có nắp đạy kín hoặc phải được che chắn, tránh gây cháy lan hoặc gió cuốn tàn; phải có người trông coi và bố trí bình chữa cháy hoặc xô chứa nước.
Trang bị phương tiện, dụng cụ báo cháy, chữa cháy, thoát nạn như mặt nạ phòng độc, thiết bị cảnh báo cháy, dụng cụ phá rỡ, thang dây, dây hạ chậm,… Mỗi hộ gia đình nên tự trang bị tối thiểu 1 bình chữa cháy xách tay và đảm bảo có lối thoát nạn thứ 2 qua ban công, lối lên mái, sang nhà kế bên…
Khi phát hiện xảy ra cháy, nhanh chóng báo cho mọi người xung quanh, Công an xã, phường, chính quyền địa phương biết và gọi điện thoại cho Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo số điện thoại 114, đồng thời sử dụng phương tiện để chữa cháy, cứu người, cứu tài sản, đặc biệt cần ưu tiên việc cứu người bị nạn ra nơi an toàn.
Tết Nguyên đán là dịp để mọi người quây quần bên gia đình, tận hưởng niềm vui và hạnh phúc. Để có một cái Tết thực sự trọn vẹn, mỗi người cần nâng cao ý thức phòng cháy, chữa cháy, chủ động thực hiện các biện pháp an toàn, bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng. Hãy cùng nhau đón chào năm mới Ất Tỵ 2025 trong không khí an lành, để những ngày đầu Xuân là khởi đầu của một năm bình yên và hạnh phúc!
Bài, ảnh: Thiệu Vũ